Wednesday, December 31, 2014

Bài học. Thứ Tư ngày 31-12-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Pháp Đăng

Chương Ba - Đại Phẩm

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

(XI) Kinh Nàlaka (Sn 131) (tiếp theo)


699. Lời A-xi-ta này,
Con biết là như thật,
Con hỏi Gotama,
Ðường giải thoát mọi pháp.



700. Không nhà, con đi đến
Tìm hạnh người khất sĩ,
Con hỏi bậc ẩn sĩ
Hãy nói lên cho con,
Con đường đạo tối thượng,
Ðưa đến đạo Mâu-ni,



701. Thế Tôn đáp như sau:
Khó hành, khó thực hiện,
Là đạo hạnh Mâu ni,
Ta sẽ cho Ông biết,
Hãy đến lắng tai nghe,
Ta sẽ nói cho Ông,
Hãy vững trí, an thần,
Hãy kiên trì bền chí.

702. Hãy tu hạnh Sa-môn,
Không để bị dao động,
Giữa khen chê trong làng,
Hãy chế ngự tâm sân,
Sống hạnh thật an tịnh,
Không cống cao kiêu mạn.

703. Tiếng cao thấp phát ra,
Như ngọn lửa trong vườn,
Nữ nhân hay cám dỗ,
Chớ cám dỗ ẩn sĩ.

704. Hãy từ bỏ dâm dục,
Xả mọi dục cao thấp.
Ðối hữu tình yếu mạnh,
Không đối nghịch, tham đắm.

705. Ta thế nào, họ vậy,
Họ thế nào, Ta vậy,
Lấy ngã làm ví dụ,
Chớ giết, chớ bảo giết.

706. Hãy bỏ dục, bỏ tham,
Ðây phàm phu bị nắm,
Bậc có mắt hành đạo,
Vượt địa ngục, loài Người.

707. Bụng đói, ăn chừng mực,
Ít dục, không tham lam.
Vị ấy không ham dục,
Không dục, thật tịch tịnh.

708. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ vào rừng sâu,
Ði đến dưới gốc cây,
Sửa soạn ngồi an tịnh.

709. Bậc Hiền trí hành thiền,
Hoan hỷ trong rừng sâu,
Hành thiền dưới gốc cây,
Thỏa mãn sở thích mình.
710. Khi đêm hết, sáng đến,
Cần phải đi đến làng,
Chớ hân hoan khất thực,
Ðồ mang từ làng đi.

711. ẩn sĩ không đi gấp,
Ðến làng, giữa gia đình,
Tìm ăn, cắt nói chuyện,
Không nói chuyện liên hệ.

712. Nếu được, thật là tốt,
Không được, cũng là tốt,
Nghĩ vậy, cả hai mặt,
Vị ấy trở về cây.

713. Ði với bát cầm tay,
Không câm, dáng như câm,
Chớ khinh, đồ cho ít,
Không chê người đem cho.

714. Bậc Sa-môn thuyết giảng,
Con đường cao và thấp,
Nhưng đến bờ bên kia,
Không có hai con đường,
Tuy vậy chớ nghĩ rằng,
Ðường này chỉ là một.

715. Với ai, không có tham,
Tỷ-kheo cắt dòng nước,
Ðoạn tận hành thiện ác,
Vị ấy không sầu não.

716. Thế Tôn lại nói thêm:
Ta dạy cho các Ông
Thức tri hạnh ẩn sĩ,
Hãy tu như lưỡi dao,
Với lưỡi ấn nóc họng,
Hãy hạn chế bao tử.

717. Tâm chớ có thụ động,
Nhưng chớ nghĩ quá nhiều.
Không hôi hám, độc lập,
Sống cứu cánh Phạm hạnh

718. Hãy tập ngồi một mình,
Sống đúng hạnh Sa-môn.
Sống một mình được gọi
Là hạnh bậc ẩn sĩ,
Nếu tự mình tìm được
Thoải mái trong cô độc.

719. Hãy chói sáng mười phương,
Sau khi nghe tiếng nói,
Của các bậc hiền sĩ,
Hãy hành thiền, bỏ dục,
Mong đệ tử của Ta,
Tăng trưởng tâm và tín.

720. Hãy học các dòng nước,
Từ khe núi vực sâu.
Nước khe núi chảy ồn,
Biển lớn động im lặng.

721. Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy yên lặng,
Ngu như ghè vơi nước,
Bậc trí như ao đầy.

722. Khi Sa-môn nói nhiều,
Nói liên hệ đến đích,
Tự biết nên thuyết pháp,
Tự biết nên nói nhiều.

723. Ai biết, biết tự chế,
Ai biết, không nói nhiều,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Xứng đáng hạnh ẩn sĩ,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Ðạt được hạnh ẩn sĩ.


II. Thảo Luận:   Chư Tăng điều hợp.

Tuesday, December 30, 2014

Chương Trình Đặc Biệt Cuốn Năm 2014

Bảy Điểm Đáng Lưu Ý Liên Quan Đến Phật Sự Trong Năm 2014

1. sự phát triển của Phật Giáo Ấn Độ

2. Một số sáng kiến đã được thực hành trong năm 2014 tại các quốc gia Phật Giáo

3. Một số việc liên quan đến  sự khủng khoảng giữa các quốc gia với Hồi Giáo

4. TT Giác Đẳng nói đến điều đáng lưu ý về tình hình Phật Giáo Tây Tạng


(ngày mai tiếp)

Monday, December 29, 2014

Bài học. Thứ Hai ngày 29-12-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Tuệ Siêu

Chương Bốn - Phẩm Tám
 (IX) Kinh Màgandiya (SN 163)

Thế Tôn:

835. Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Ðối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.

Màgandiya:

836. Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.

Thế Tôn:

837. Thế Tôn liền trả lời,
Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.

Màgandiya:

838. Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?

Thế Tôn:

839. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.

Màgandiya:

840. Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.

Thế Tôn:

841. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Ði đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.

842. Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.

843. Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: "Ðây sự thật ",
Ðây chính là nói láo,
Ðể gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.

844. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
Ẩn sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.

845. Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn,
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.

846. Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Ði đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.

847. Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.


II. Thảo Luận:   TT Pháp Đăng   điều hợp.

Sunday, December 28, 2014

Bài học. Chủ Nhật ngày 28-12-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Giác Đẳng

Chương Bốn - Phẩm Tám
 12. Cùl.aviyùhasuttam.- (XII) Tiểu Kinh Luận Cứ


Người hỏi:


878. Mỗi người tự thiên chấp,
Về tri kiến của mình,
Do chấp thủ sai biệt,
Bậc thiện xảo nói lên,
Ai biết như thế này,
Vị ấy biết được pháp,
Ai chỉ trích điểm này,
Vị ấy không hoàn toàn.

879. Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận với nhau,
Họ nói kẻ khác ngu.
Không có khéo thiện xảo.
Trong những lời nói này,
Lời nói ai chân thật,
Hay tất cả vị này,
Là những bậc khéo nói?

Thế Tôn:

880. Nếu không có chấp thuận,
Pháp của các người khác,
Nói kẻ khác là ngu,
Tuệ như vậy thấp kém.
Tất cả là ngu si,
Có tuệ thật thấp kém.
Tất cả tri kiến này.
Ðều chỉ là thiên chấp.

881. Nếu các cuộc tranh luận,
Ðược tri kiến gạn lọc,
Trí tuệ được thanh tịnh,
Thiện xảo trí sáng suốt,
Họ không có một ai,
Là trí tuệ hạ liệt,
Và tri kiến của họ,
Ðược hoàn toàn viên mãn.

882. Ta không có nói rằng:
"Ðây chính là sự thật".
Các người ngu với nhau,
Cùng nhau nói như vậy,
Với tri kiến tự mình,
Họ nói là chân thật,
Do vậy các người khác,
Ðược họ xem là ngu.

Người hỏi:

883. Một số người nói rằng:
"Ðây mới là sự thật"
Họ nói các người khác,
Là trống không, giả dối,
Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời?

Thế Tôn:

884. Sự thật chỉ có một,
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời.

Người hỏi:

885. Vì sao họ nói lên,
Những chân thật sai khác,
Vì sao bậc thiện xảo,
Lại nói lời tranh luận,
Nếu các sự thật ấy,
Là nhiều và sai biệt,
Hay họ chỉ nhớ đến,
Những suy luận của họ.

Thế Tôn:

886. Thật sự các sự thật,
Không có nhiều sai biệt,
Từ các luồng tư tưởng,
Về thường còn ở đời,
Do họ suy nghĩ đến,
Tư tưởng các tri kiến,
Họ nói có hai pháp,
Sự thật và giả dối.

887. Các pháp được thấy nghe,
Ðược giữ giới, thọ tưởng,
Họ y cứ pháp này,
Họ suy tư, nhìn thấy,
An trú các quyết định,
Họ chê cười người khác,
Họ nói các người khác,
Là ngu si bất thiện.

888. Vì rằng đối người khác,
Nó xem là ngu si,
Tự mình gọi chính mình,
Là thiện xảo tốt đẹp,
Do chính mình khen mình,
Vị ấy gọi thiện xảo,
Khinh thường các người khác,
Lời người ấy là vậy.

889. Vị ấy quá say mê,
Với tri kiến của mình,
Nên trở thành kiêu mạn,
Viên mãn tự ý mình,
Tự mình với tâm ý,
Làm lễ quán đảnh mình,
Do vậy, bị say mê,
Trong tri kiến của mình.

890. Nếu người khác nói rằng:
Nó là hạng hạ liệt.
Như vậy đối tự mình,
Kẻ kia cũng liệt tuệ,
Nếu tự nó sáng suốt,
Bậc Hiền trí hiểu biết,
Không có ai ngu si,
Giữa các bậc Sa-môn.

891. Những ai tuyên bố pháp,
Sai khác với pháp này,
Ði ngược lại thanh tịnh,
Không là người hoàn toàn,
Như vậy các ngoại đạo,
Tuyên bố thật rộng rãi,
Do lòng tham tri kiến,
Họ quá sức đam mê.

892. Những ai tuyên bố rằng,
Chính đây là thanh tịnh,
Họ nói không thanh tịnh,
Trong các pháp sai khác.
Như vậy các ngoại đạo,
An trú thật rộng rãi,
Họ kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình.

893. Ai kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình,
Sao ở đây có thể,
Nói người khác là ngu?
Vị ấy tự chê mình,
Ðem lại tiếng liệt tuệ,
Người khác nói nói ngu,
Không được pháp thanh tịnh.

894. An trú trên quyết định,
Tự mình lượng sức người
Vị ấy ở trên đời,
Chỉ tăng thêm tranh luận,
Ai từ bỏ tất cả,
Mọi quyết định, chủ trương,
Không bị người ở đời,
Chê là kẻ liệt tuệ.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
  1. Theo Phật Pháp thì sự giỏi biện luận có là điều đáng hoan hỷ chăng? - TT Pháp Đăng
 2. Xin cho vài mẫu chuyện về những người vì ngã chấp, kiến chấp mạo phạm các bậc thánh nên về sau chịu quả khổ - TT Pháp Đăng
 2 : Một người phê bình các vị thiền sư, pháp sư đơn giản vì khác với sự hiểu biết của chính họ thì có tạo quả bất thiện chăng? TT Tuệ Siêu
3. Hay tranh cãi là điều không nên, vậy nếu ai nói gì cũng tuỳ thuận thì có nên chăng? - TT Tuệ Quyền
 4 : Sự tranh luận về những khác biệt giữa các tông phái có lợi cho sự hoằng pháp độ sanh chăng? ĐĐ Pháp Tín

 5 : Thế nào là "nói với tâm từ"? TT Tuệ Siêu

Saturday, December 27, 2014

Bài học. Thứ Bảy ngày 27-12-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Pháp Tân

Chương Ba - Đại Phẩm
(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)


(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

98. Kinh Vàsettha
(Vàsettha sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Icchanankala (Y-xa-năng -gia-la), tại khu rừng Icchanankala.

Lúc bấy giờ có rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có trú tại Icchanankala như Bà-la-môn Canki, Bà-la-môn Tarukkha, Bà-la-môn Pokkharasati, Bà-la-môn Janussoni, Bà-la-môn Todeyya cùng rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có khác. Rồi trong khi các thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja đang tản bộ du hành, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Thế nào là một vị Bà-la-môn?"

Thanh niên Bharadvaja nói như sau:

-- Nếu ai thiện sanh từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Vasettha nói như sau:

-- Nếu ai có giới hạnh và thành tựu các cấm giới, như vậy là một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vasettha, và thanh niên Bà-la-môn Vasettha không thể thuyết phục thanh niên Bharadvaja. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha nói với thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja:

-- Này Bharadvaja, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang trú ở Icchanankala, tại khu rừng Icchanankala. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn". Này Tôn giả Bharadvaja, chúng ta hãy đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy hỏi Tôn giả Gotama về nghĩa lý này, và Sa-môn Gotama trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

-- Thưa vâng.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja vâng đáp thanh niên Vasettha. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja cùng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Vasettha dùng những bài kệ bạch Thế Tôn:

Chúng con cả hai người, 
Ðược tôn xưng, tự nhận, 
Là những bậc thông thái
Cả ba tập Vệ-đà.

Con là đệ tử Ngài, 
Pokkharasati, 
Còn vị thanh niên này, 
Ðệ tử Tarukkha.

Ba Vệ-đà nói gì, 
Chúng con đều thông đạt, 
Văn cú và văn phạm, 
Chúng con đều thấu hiểu, 
Thuyết giảng và giải thích, 
Thật giống bậc Ðạo sư.

Tôn giả Gotama, 
Giữa hai người chúng con
Có sự tranh luận này, 
Về huyết thống thọ sanh.

Bharadvaja nói: 
"Chính do sự thọ sanh".
Con nói: "Do hành động, 
Mới thành Bà-la-môn".

Mong bậc có Pháp nhãn, 
Hiểu cho là như vậy.
Cả hai người chúng con, 
Không thể thuyết phục nhau. 
Chúng con đến hỏi Ngài, 
Bậc Chánh Giác tôn xưng.

Như trăng được tròn đầy, 
Quần chúng đến chấp tay,
Ðảnh lễ và chiêm ngưỡng. 
Cũng vậy, ở trong đời, 
Quần chúng đến đảnh lễ, 
Gotama Tôn giả.

Chúng con đến hỏi Ngài, 
Bậc Pháp nhãn thế gian, 
Bà-la-môn do sanh, 
Hay chính do hành động? 
Chúng con không được biết, 
Hãy nói chúng con biết.

Ðức Thế Tôn bèn nói:

Này Ông Vasettha, 
Ta trả lời cho Ông, 
Thuận thứ và như thật, 
Sự phân loại do sanh, 
Của các loại hữu tình, 
Chính do sự sanh đẻ, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem cỏ và cây, 
Dầu chúng không nhận thức, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loại côn trùng, 
Bướm đêm, các loại kiến, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loại bốn chân, 
Loại nhỏ và loại lớn, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loài bò sát, 
Loại rắn, loại lưng dài, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem các loại cá,
Loại sinh sống trong nước, 
Chúng có tướng thọ sanh,
Da sanh, có dị loại.

Hãy xem các loại chim, 
Loại có cánh trên trời, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Tùy theo sự thọ sanh, 
Chúng có tướng tùy sanh. 
Trong thế giới loài Người, 
Tướng sanh không có nhiều.

Không ở đầu mái tóc, 
Không ở tai, ở mắt,
Không ở miệng, ở mũi, 
Không ở môi, ở mày, 
Không ở cổ, ở nách, 
Không ở bụng, ở lưng, 
Không ở ngực, ở vú, 
Không âm hộ, hành dâm.

Không ở tay, ở chân, 
Không ở ngón, ở móng, 
Không ở cổ chân, vế, 
Không ở sắc, ở tiếng.

Không tướng, do tùy sanh, 
Tùy sanh, loại sai khác.
Trên tự thân con người, 
Không có gì đặc biệt. 
Chỉ tùy theo danh xưng, 
Loài Người được kêu gọi.

Ðối người tự sinh sống. 
Chăn bò, lo ruộng đất, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nông phu, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống theo nghề nghiệp, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là công thợ, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề buôn bán, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là thương nhân, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống hầu hạ người, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nô bộc, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống lấy của người, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là kẻ trộm, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề cung tên, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nhà binh, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề tế tự, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là tế quan, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống giữa loài Người, 
Thọ hưởng làng, quốc độ, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là vua chúa, 
Không phải Bà-la-môn.

Và Ta không có gọi, 
Kẻ ấy Bà-la-môn. 
Chỉ vì do thọ sanh, 
Dầu vị ấy cao sang, 
Dầu vị ấy giàu có, 
Nhưng còn ham thế lợi.

Không tham lam thế lợi, 
Không chấp thủ sở hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Vị đoạn tận kiết sử, 
Không ai không sợ hãi, 
Siêu việt mọi chấp trước, 
Thoát ly các hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Cắt dây thừng, dây ách, 
Dây cương, cùng dây trói, 
Quăng đi cây chắn ngang, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Bậc sáng suốt, giác ngộ, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không lỗi, chịu đựng, 
Nhiếc mắng cùng đánh trói, 
Trang bị với nhẫn lực, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Không phẫn nộ, giữ luật, 
Có giới hạnh không kiêu, 
Nhiếp phục, thân tối hậu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Như nước trên lá sen, 
Hột cải trên đỉnh nhọn, 
Không tham luyến dục vọng, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết ngay đời này
Khổ vì ngã đoạn tận, 
Gánh nặng được đặt xuống, 
Xa lìa các hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Tuệ thâm sâu, có trí
Thiện xảo đạo phi đạo, 
Ðích tối thượng đạt được, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không còn liên hệ, 
Cả tại gia, xuất gia, 
Không nhà trú, thiểu dục, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Bỏ gậy đối chúng sanh, 
Kẻ yếu cùng kẻ mạnh, 
Không giết, không hại ai, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Giữa kẻ thù, không thù, 
Giữa hung bạo, an tịnh, 
Giữa chấp thủ, không chấp, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Dối, tham, sân, mạn, phú, 
Ai bỏ rơi được chúng, 
Như hột cải rơi khỏi. 
Ðầu nhọn của mũi kim, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai dạy thật nhỏ nhẹ, 
Nói lên lời chơn thực, 
Không xúc chạm một ai, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Dài ngắn hay lớn nhỏ, 
Thanh tịnh hay bất tịnh, 
Ở đời vật dài ngắn, 
Lớn, nhỏ, tịnh, bất tịnh, 
Không lấy vật không cho, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Với ai không tham cầu, 
Ðời này và đời sau, 
Từ bỏ mọi tham cầu, 
Ðoạn rời mọi hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không có chấp tàng, 
Với trí đoạn nghi hoặc, 
Ðạt nhập đáy bất tử. 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời ai vượt khỏi, 
Mọi buộc ràng thiện ác, 
Không sầu, không bụi uế, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không uế, thanh tịnh, 
Không gợn, sáng như trăng, 
Hỷ, hữu được đoạn trừ, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai vượt qua hiểm lộ, 
Ác lộ, luân hồi, si, 
Vượt khỏi, đến bờ kia, 
Thiền tư, không dao động, 
Ðoạn trừ mọi nghi hoặc, 
An tịnh, không chấp trước, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời, bỏ dục vọng, 
Không nhà, sống xuất gia, 
Ðoạn trừ dục và hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời, bỏ tham ác, 
Không nhà, sống xuất gia, 
Ðoạn trừ ác và hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai từ bỏ nhân ách, 
Vượt qua cả thiên ách, 
Ðoạn trừ mọi ách nạn, 
Thoát ly mọi hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Từ bỏ lạc, bất lạc, 
Thanh lương, không y trú, 
Chiến thắng mọi thế giới, 
Bậc anh hùng dũng mãnh, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết thật hoàn toàn, 
Sự sanh diệt chúng sanh, 
Không tham trước, Thiện Thệ, 
Giác ngộ, đạt chánh giác, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Không biết chỗ sở thủ, 
Thiên, Nhân, Càn-thát-bà, 
Lậu hoặc được đoạn trừ, 
Bậc Ứng Cúng, La-Hán, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không có chấp trước, 
Ðời trước, sau, đời này, 
Không chấp, không sở hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ngưu vương, bậc Tối thắng, 
Anh hùng, bậc Ðại sĩ, 
Bậc Chinh phục, Bất động, 
Tắm sạch, bậc Giác Ngộ, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết được đời trước, 
Thấy được thiện, ác thú, 
Ðạt được sanh diệt đoạn, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ðiều thế giới cho gọi,
Là "tên" và "gia tộc", 
Chỉ tục danh, thông danh, 
Danh từ khởi nhiều chỗ.

Ðã lâu đời chấp trước, 
Tà kiến của kẻ ngu,
Kẻ ngu tự tuyên bố, 
Bà-la-môn do sanh.

Không phải do sanh đẻ, 
Ðược gọi Bà-la-môn, 
Không phải do sanh đẻ, 
Gọi phi Bà-la-môn.

Chính do sự hành động
Ðược gọi Bà-la-môn, 
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà-la-môn.

Hành động làm nông phu, 
Hành động làm công thợ, 
Hành động làm lái buôn, 
Hành động làm nô bộc.

Hành động làm ăn trộm, 
Hành động làm nhà binh. 
Hành động làm tế quan, 
Hành động làm vua chúa.

Kẻ trí thấy hành động, 
Như thật là như vậy. 
Thấy rõ lý duyên khởi, 
Biết rõ nghiệp dị thục.

Do nghiệp, đời luân chuyển
Do nghiệp, người luân hồi. 
Nghiệp trói buộc chúng sanh, 
Như trục xe quay bánh.

Do khổ hạnh, Phạm hạnh, 
Tiết chế và chế ngự, 
Tác thành Bà-la-môn. 
Bà-la-môn như vậy, 
Mới thật là tối thượng,

Ba Vệ-đà thành tựu, 
An tịnh, tái sanh đoạn, 
Vesettha nên biết, 
Kẻ ấy được Phạm thiên, 
Ðược Thiên chủ Sakka, 
Biết đến thật tường tận.

Khi được nghe nói vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.


II. Thảo Luận:   Chư Tăng   điều hợp.
1 Đức Phật dùng từ Balamôn ở trong bài kinh này có giống với Balamôn trong giai cấp cao thuộc tầng lớp thống trị ngoài xã hội Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế không? - ĐĐ Pháp Tín
2. Giáo pháp Đức Phật chúng ta nên học như thế nào khi có nhiều tông phái khác nhau? - TT Tuệ Quyền
3. khi có làm thiện, thì tâm đó có phải là tâm Phật không? Vì người đời nói rằng tâm ác là Tâm Ma, Thiện Tâm là Tâm Phật? - TT Pháp Tân