GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu & TT Pháp Đăng
Chương Bốn - Phẩm Tám
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)
Người hỏi:
862. Từ đâu được khởi lên,
Các tranh luận, đấu tranh,
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Từ đâu chúng sanh nhiều,
Mong Ngài hãy nói lên.
Thế Tôn:
863. Từ ái sanh khởi nhiều,
Các tranh luận, đấu tranh
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Các tranh luận, đấu tranh,
Ðều liên hệ xan tham,
Những lời nói hai lưỡi,
Khởi lên từ tranh luận.
Người hỏi:
864. Do những nhân duyên nào,
Khả ái sanh ở đời?
Hay những tham lam nào,
Ðược lưu hành ở đời?
Ước vọng và thành đạt,
Là do nhơn duyên nào?
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai?
Thế Tôn:
865. Do ước muốn là nhân,
Khả ái sanh ở đời,
Hay với những tham lam,
Ðược lưu hành ở đời,
Ước vọng và thành đạt,
Do ước muốn làm nhân,
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai.
Người hỏi:
866. Ước muốn sanh ở đời
Là do nhân duyên nào?
Hay cả những quyết định,
Do nhân nào được sanh?
Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Hoặc là những pháp nào,
Ðược Sa-môn nói đến?
Thế Tôn:
867. Khả ý, bất khả ý,
Ðược gọi vậy ở đời,
Do y chỉ nơi chúng,
Ước muốn được sanh khởi.
Sau khi thấy trong sắc,
Cả hữu và phi hữu,
Chúng sanh mới làm được,
Những quyết định ở đời.
868. Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Những pháp này lưu hành,
Khi pháp đôi có mặt,
Kẻ nghi hãy học tập,
Trên con đường chánh trí,
Sau khi biết các pháp,
Do Sa-môn thuyết giảng.
Người hỏi:
869. Khả ý, bất khả ý,
Là do nhân duyên nào,
Do cái gì không có,
Họ không có hiện hữu.
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Hãy nói cho chúng con,
Nguyên nhân gì chúng sanh?
Thế Tôn:
870. Do nhân duyên cảm xúc,
Khả ý, bất khả ý,
Nếu không có cảm xúc,
Họ cũng không hiện hữu,
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Ta nói cho Ông rõ,
Nguyên nhân này, chúng sanh.
Người hỏi:
871. Còn cảm xúc ở đời,
Do nhân gì sanh khởi,
Hay các loại chấp thủ,
Do từ đâu sanh nhiều,
Do cái gì không có,
Ngã sở hữu không có,
Cái gì không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc?
Thế Tôn:
872. Do duyên danh và sắc,
Nên có các cảm xúc,
Do nhân các ước muốn,
Nên có những chấp thủ,
Nếu ước muốn không có,
Ngã sở hữu cũng không,
Do sắc không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc.
Người hỏi:
873. Sở hành như thế nào,
Sắc pháp không hiện hữu,
An lạc và khổ đau,
Thế nào không có mặt,
Hãy nói lên cho con,
Không có như thế nào,
Chúng con muốn được biết,
Tâm ý con nói vậy.
Thế Tôn:
874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
Người hỏi:
875. Ngài đã nói chúng con,
Những điều chúng con hỏi,
Có điều nữa hỏi Ngài,
Mong Ngài trả lời cho,
Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế này tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa
Hay là chúng muốn nói,
Có điều gì khác nữa?
Thế Tôn:
876. Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế là tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa,
Như có người nói rằng,
Chính là sự hoại diệt,
Lại một số thiện nhân,
Nói rằng: "Không dư y".
877. Biết được những pháp ấy,
Ðều nương tựa y chỉ,
Biết vậy bậc ẩn sĩ,
Suy tư trên y chỉ,
Biết được, nên giải thoát,
Không đi đến tranh luận,
Bậc Hiền không tìm đến,
Cả hữu và phi hữu.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
No comments:
Post a Comment