Sunday, December 31, 2017

Bài học. Chủ Nhật ngày 31-12-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Chương 8

VI. Phẩm Gotamì

(I) (51) Mahàpajàpatì Gotamì

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi Mahàpajàpatì Gotamì đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Mahàpajàpatì Gotamì bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

- Thôi vừa rồi, này Gotamì, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

2. Lần thứ hai, Mahàpajàpatì Gotamì bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

- Thôi vừa rồi, này Gotamì, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

3. Lần thứ ba, Mahàpajàpatì Gotamì bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

- Thôi vừa rồi, này Gotamì, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

Rồi Mahàpajàpatì Gotamì biết được: "Thế Tôn không chấp nhận cho nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng", liền khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

4. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Kapilavatthu cho đến khi vừa ý, rồi ra đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành rồi đến Vesàli.

Ở đấy, Thế Tôn ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Mahàpajàpatì Gotamì, với tóc cạo sạch, đắp áp cà-sa, cùng với nhiều nữ nhân Sàkya ra đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành và đến Vesàli, tại Ðại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Mahàpajàpatì Gotamì, với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than, đứng ngoài cửa chính. Tôn giả Ananda thấy Mahàpajàpatì Gotamì với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than, đứng ngoài cửa chính, thấy vậy liền nói với Mahàpajàpatì Gotamì:

- Thưa Gotamì, vì sao lại đứng ở cửa với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than như vậy?

- Thưa Tôn giả Ananda, vì rằng Thế Tôn không chấp nhận cho nữ nhân xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết.

- Vậy thưa Gotamì, hãy đứng chờ ở đây, chờ cho đến khi tôi xin phép Thế Tôn; để nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

5. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, có Mahàpajàpatì Gotamì với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than đứng ở ngoài cửa nói rằng: "Thế Tôn cho phép nhận cho nữ nhân xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng". Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

- Thôi vừa rồi, này Ananda, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Thế Tôn thuyết giảng.

Lần thứ hai ... Lần thứ ba, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Thế Tôn thuyết giảng.

- Thôi vừa rồi, này Gotamì, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Thế Tôn thuyết giảng.

6. Rồi Tôn giả suy nghĩ như sau: "Thế Tôn không chấp nhận cho nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng. Vậy ta hãy dùng phương pháp khác để xin Thế Tôn cho phép nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ".

Rồi Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả không?

- Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả.

- Bạch Thế Tôn, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Mahàpajàpatì đã giúp đỡ Thế Tôn rất nhiều trong vai người dì, người vú, người kế mẫu, khi mẹ của Thế Tôn mệnh chung, lại cho Thế Tôn bú sữa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

7. - Này Ananda, nếu Mahàpajàpatì Gotamì chấp nhận tám kính pháp, thời Gotamì có thể được thọ cụ túc giới: Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỷ-kheo-ni đối với một Tỷ-kheo mới thọ đại giới trong một ngày cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, xử sự đúng pháp. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Tỷ-kheo-ni không có thể an cư mùa mưa tại chỗ không có Tỷ-kheo. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Nửa tháng một lần, Tỷ-kheo-ni cần phải thỉnh chúng Tỷ-kheo hỏi ngày trai giới và đến để thuyết giới. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Sau khi an cư mùa mưa xong, Tỷ-kheo-ni cần phải làm lễ Tự tứ trước hai Tăng chúng về ba vấn đề được thấy, được nghe và nghi. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Tỷ-kheo-ni phạm trọng tội phải hành pháp pakkhamànattam (man-na-đọa) cho đến nửa tháng. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Sau khi học tập sáu pháp trong hai năm, phải đến xin thọ cụ túc giới trước hai Tăng chúng. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Không vì duyên cớ gì, một Tỷ-kheo-ni có thể mắng nhiếc, chỉ trích một Tỷ-kheo. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Này Ananda, bắt đầu từ hôm nay, có sự giáo giới phê bình giữa các Tỷ-kheo về Tỷ-kheo-ni, không có sự giáo giới phê bình giữa các Tỷ-kheo-ni về các Tỷ-kheo. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Này Ananda, nếu Mahàpajàpatì Gotamì chấp nhận tám kính pháp này, thời cho phép Mahàpajàpatì Gotamì được thọ cụ túc giới.

8. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi học từ Thế Tôn tám trọng pháp này, rồi đi đến Mahàpajàpatì Gotamì, sau khi đến, nói với Mahàpajàpatì Gotamì:

- Nếu Mahàpajàpatì Gotamì chấp nhận tám kính pháp này, thời Gotamì sẽ được thọ cụ túc giới: "Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỷ-kheo-ni ... không có sự giáo giới phê bình giữa các Tỷ-kheo-ni về các Tỷ-kheo. Pháp này, sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua". Nếu Gotamì chấp nhận tám trọng pháp này, thời Gotamì sẽ được thọ cụ túc giới.

- Thưa Tôn giả Ananda, ví như một người đàn bà hay một người đàn ông, còn đang tuổi trẻ, tánh ưa trang sức, sau khi gội đầu xong, sau khi được một vòng hoa sen xanh hay một vòng vũ quý hoa, hay một vòng thiên tư hoa (hay cự thắng hoa) dùng hai tay cầm lấy vòng hoa ấy và đặt lên đỉnh đầu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, tôi xin chấp nhận tám kính pháp này, cho đến trọn đời không có vượt qua.

9. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Mahàpajàpatì Gotamì đã chấp nhận tám kính pháp này, cho đến trọn đời không có vượt qua.

- Này Ananda, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, thời này Ananda, Phạm hạnh được an trú lâu dài, và diệu pháp được tồn tại đến một ngàn năm. Vì rằng, này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nay này Ananda, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, thời này Ananda, diệu pháp được tồn tại năm trăm năm. Ví như, này Ananda, những gia đình nào có nhiều phụ nữ, ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm cắp não hại. Cũng vậy, này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài. Ví như, này Ananda, khi nào một chứng bệnh được tên là "trắng như xương" rơi vào một ruộng lúa đã chín, thời ruộng lúa ấy không có an trú lâu dài. Cũng vậy, này Ananda, khi nào nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, thời Phạm hạnh này không có an trú lâu dài. Ví như, này Ananda, khi nào một chứng bệnh được tên là "đỏ sét" rơi vào một ruộng mía đã chín, thời ruộng mía ấy không có an trú lâu dài. Cũng vậy, này Ananda, khi nào nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, thời Phạm hạnh này không được an trú lâu dài. Ví như, này Ananda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ananda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành kính tám pháp này, cho các Tỷ-kheo-ni cho đến trọn đời không vượt qua.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Phải chăng sự kiện ban hành "tám trọng pháp" xẩy ra HAI MƯƠI NĂM SAU khi Đức Thế Tôn thành đạo khi mà giới luật đã được ban hành và tôn giả Ananda đã thành thị giả thực thụ của Đức Phật? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Con số năm trăm năm tồn tại của Phật giáo nguyên thủy tại Ấn độ trong lịch sử có liên hệ gì tới con số năm trăm năm trong bài kinh nầy? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Phải chăng sự ban hành tám trọng pháp của Đức Phật do tánh ý phần đông của nữ giới? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

Saturday, December 30, 2017

Bài học .Thứ Bảy ngày 30-12-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Chương 8

V. Phẩm Ngày Trai Giới

Bài (49) Ở Đời Này và Bài (50)


(IX) (49) Ở Ðời Này

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Ðông viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên:

2. - Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Ðời này rơi vào tầm tay của nàng. Thế nào là bốn?

3. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản cất chứa. Này Visàkhà, thế nào là nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc?

4. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân phàm có những công việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân có khả năng khéo làm những công việc. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân biết thâu nhiếp các người phục vụ?

5. Ở đây, này Visàkhà, trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân biết thâu nhiếp những người phục vụ. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân sở hành vừa ý chồng?

6. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân, những gì người chồng không vừa ý, dầu cho có vì sanh mạng, nàng cũng không làm. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân sở hành vừa ý chồng. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được?

7. Ở đây, này Visàkhà, Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy, là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được.

Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu với sự chiến thắng ở đời. Ðời nay rơi vào trong tầm tay của nàng.

8. Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Ðời sau rơi vào tầm tay của nàng. Thế nào là bốn?

9. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ lòng tin?

10. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn ". Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ lòng tin. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ giới đức?

11. Ở đây, này Visàkhà, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ giới đức. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ bố thí?

12. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ cấu uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ bố thí. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ trí tuệ?

13. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ.

Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Ðời sau rơi vào trong tầm tay của nàng.

Khéo làm các công việc
Thâu nhiếp người phục vụ
Sở hành vừa ý chồng
Giữ gìn của cất chứa
Ðầy đủ tín và giới
Bố thí, không xan tham
Rửa sạch đường thượng đạo
Ðến đời sau an lành
Như vậy là tám pháp 
Nữ nhân có đầy đủ
Ðược gọi bậc có giới
Trú pháp, nói chân thật
Ðủ mười sáu hành tướng
Thành tựu tám chi phần
Nữ cư sĩ như vậy
Với giới hạnh đầy đủ 
Sanh làm vị Thiên nữ
Với thân thật khả ái.

(X) (50) Ðời Này


... (Thế Tôn nói lại kinh 49 và cả bài kệ cho các Tỷ-kheo).


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Cả 8 pháp trong bài kinh đều có lợi lạc đời nầy và kiếp lai sinh. Thế nhưng tại sao Đức Phật lại phân làm hai phần: hiện kiếp và hậu kiếp? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Y cứ theo tinh thần của bài kinh nầy thì hai từ ngữ: thiện nam, tín nữ có chính xác chăng? - TT Pháp Tân


Thảo luận 3. Phật ngôn: "nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau." phải chăng nhấn mạnh sự tu tập trong đời sống hằng ngày song song với những sinh hoạt cố hữu? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 4. Một cư sĩ thành tựu niềm tin là người có nhận thức chân xác và ân đức ba ngôi báu. Tại sao trong bài kinh nầy sự thành tựu niềm tin chỉ đề cập Phật bảo? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 5. Đoạn kinh sau đây: " nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ cấu uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng nhu yếu" cho chúng ta thấy gì qua chiều kích rộng lớn của pháp bố thí theo Phật Pháp? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

Friday, December 29, 2017

Bài học. Thứ Sáu ngày 29-12-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín

Chương 8

V. Phẩm Ngày Trai Giới

Từ Bài 46 Đến Bài 48

(VI) (46) Tôn Gỉả Anuruddha

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ Tôn giả Anuruddha, đang đi nghỉ ban ngày, ngồi Thiền tịnh. Rồi rất nhiều Thiên nữ với thân khả ái đi đến Tôn giả Anuruddha, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Anuruddha rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các Thiên nữ ấy thưa với Tôn giả:

- Chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại! Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc như thế nào, chúng tôi liền được hình sắc ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn được tiếng như thế nào, chúng tôi liền được tiếng như thế ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn được lạc thọ như thế nào, chúng tôi liền được lạc ấy ngay lập tức. Thưa Tôn giả Anurudha, chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại.

2. Rồi Tôn giả Anuruddha suy nghĩ: "Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh". Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của Tôn giả Anuruddha, tất cả đều trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh. Rồi Tôn giả Anuruddha suy nghĩ như sau: "Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành vàng ... tất cả trở thành đỏ ... tất cả trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của Tôn giả Anuruddha, tất cả đều trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi các Thiên nữ ấy, một người hát, một người múa, một người vỗ tay. Ví như năm loại nhạc khí, khéo hòa điệu, khéo chơi, khéo đánh bởi người thiện xảo, thời tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Cũng vậy, là nhạc của các Thiên nữ khéo trang điểm ấy, tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Nhưng Tôn giả Anuruddha giữ các căn nhiếp phục. Các Thiên nữ ấy nghĩ rằng: "Tôn giả Anuruddha không có thưởng thức", liền biến mất tại chỗ.

3. Rồi Tôn giả Anuruddha, vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, ở đây, con đang đi nghỉ ban ngày, ngồi Thiền tịnh. Rồi rất nhiều Thiên nữ với thân khả ái đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các Thiên nữ ấy thưa với con:

- Chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại! Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc như thế nào, chúng tôi liền được hình sắc ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn có tiếng như thế nào, chúng tôi liền được tiếng như thế ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn được lạc thọ như thế nào, chúng tôi liền được lạc thọ ấy ngay lập tức. Thưa Tôn giả, Anurudha chúng tôi là những thiên nữ với thân hình khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại.

2. Bạch Thế Tôn. Con suy nghĩ như sau: "Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh". Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của con, tất cả đều trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành vàng ... tất cả trở thành đỏ ... tất cả trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi bạch Thế Tôn, các Thiên nữ ấy, biết được tâm của con, tất cả đều trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi bạch Thế Tôn, các Thiên nữ ấy, một người hát, một người múa, một người vỗ tay. Ví như năm loại nhạc khí, khéo hòa điệu, khéo chơi, khéo đánh bởi người thiện xảo, thời tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Cũng vậy, là nhạc của các Thiên nữ khéo trang điểm ấy, tiếng phát ra được dịu ngọt, đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Nhưng bạch Thế Tôn, con giữ các căn nhiếp phục. Các Thiên nữ ấy nghĩ rằng: "Con không có thưởng thức", liền biến mất tại chỗ.

Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các Thiên nữ ấy với thân khả ái?

4. - Này, Anuruddha, đầy đủ tám pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các Thiên nữ ấy với thân khả ái. Thế nào là tám?

5. Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân đối với người chồng nào mẹ cha gả cho, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên đối với người ấy, nữ nhân dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương. Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, và khi họ đến, sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước. Phàm có những việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình. Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Nữ cư sĩ quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng. Nữ cư sĩ giữ giới, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Nữ cư sĩ bố thí, sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các chư Thiên ấy với thân khả ái.

Hãy thường yêu thương chồng
Luôn nỗ lực cố gắng
Người đem lại lạc thú
Chớ khinh thường người chồng
Chớ làm chồng không vui
Chớ làm chồng tức tối 
Với những người ganh tị
Chồng cung kính những ai
Hãy đảnh lễ tất cả 
Vì nàng người có trí 
Hoạt động thật nhanh nhẹn
Giữa các người làm việc
Xử sự thật khả ái
Biết giữ tài sản chồng
Người vợ xử như vậy
Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng,
Sẽ được sanh tại chỗ
Các chư Thiên khả ái.

(VII) (47) Visàkhà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Ðông viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên:

2. ... (Thế Tôn thuyết như kinh số 46 và bài kệ, với những thay đổi cần thiết) .

(VIII) (48) Nakulamàtà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Summuràma, rừng Bhesakala, tại vườn Lộc Uyển. Rồi nữ dân chúng Nakulamàtà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với nữ gia chủ Nakulamàtà đang ngồi một bên:


2. ... (Thế Tôn thuyết như kinh số 46 và bài kệ, với những thay đổi cần thiết) .

TT Giác Đẳng tóm lượt 8 pháp trong bài học

[1] nữ nhân đối với người chồng nào mẹ cha gả cho, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên đối với người ấy, nữ nhân dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương.

2] Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, và khi họ đến, sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước.

[3] Phàm có những việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.

[4] Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình.

[5] Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại.

[6] Nữ cư sĩ quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng.

[7] Nữ cư sĩ giữ giới, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.


[8] Nữ cư sĩ bố thí, sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các chư Thiên ấy với thân khả ái.

II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Điều thứ hai: " Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, và khi họ đến, sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước." Phải chăng Đức Phật dạy người vợ (hay người chồng) nên tôn trọng tín ngưỡng của người hôn phối? - TT Tuệ Siêu
TK Giac Dang  [8:50 AM] : 
‘‘Ye te bhattu garuno honti – mātāti vā pitāti vā samaṇabrāhmaṇāti vā – te sakkaroti, garuṃ karoti , māneti, pūjeti, abbhāgate ca āsanodakena paṭipūjeti.

Thảo luận 2. Điều thứ 7 trong bài kinh "Nữ cư sĩ giữ giới, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu." phải chăng khẳng định giới thứ ba trong ngũ giới nên thực hành cho cả hai giới nam nữ cư sĩ? - TT Tuệ Siêu
TK Giac Dang  [9:00 AM] : 
‘‘Sīlavatī kho pana hoti – pāṇātipātā paṭiviratā, adinnādānā paṭiviratā, kāmesumicchācārā paṭiviratā, musāvādā paṭiviratā, surāmerayamajjapamādaṭṭhānā paṭiviratā.


Thảo luận 3. Phải chăng qua bài kinh nầy chúng ta có thể nói chư thiên cõi hoá lạc (nimmānaratino devā) sanh ra do quả phúc "làm đẹp lòng người"? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Phải chăng thiện pháp không hẳn chỉ là những điều cao siêu? (mà bao gồm những gì xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta>) - ĐĐ Nguyên Thông



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây đúng theo giáo lý nhân quả trong Phật Pháp?
 A. Tất cả quả lành do thiện nghiệp đã làm /
 B. Tất cả cả thiện nghiệp đều tạo nên do tâm thanh tịnh / 
C. Tất cả tâm thanh tịnh vắng mặt tham, sân, si /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Đăng cho đáp án câu 1 là D

Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây đúng với lời Phật dạy trong bài kinh: 
A. Có tâm hiền thiện, thân thiện với người lớn tuổi trong nhà/
 B.  Có tâm hiền thiện, thân thiện với người hôn phối / 
C. Có tâm hiền thiện, thân thiện với người làm công, hay thuộc hạ/ 
D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Quyền cho đáp án câu 2 là D

Thursday, December 28, 2017

Bài học. Thứ Năm ngày 28-12-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Chương 8

V. Phẩm Ngày Trai Giới

Từ Bài 41 Các Trai Giới tới Bài 45 Bojjhà

(I) (41) Các Trai Giới

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì tại Jetanava, khu vườn ông Anàthapindika, ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", - "Bạch Thế Tôn".

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn; có biến mãn lớn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn; có biến mãn lớn?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Ðây là chi phần thứ nhất được thành tựu.

4. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ hai được thành tựu.

5. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ ba được thành tựu.

6. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ tư được thành tựu.

7. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ năm được thành tựu.

8. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ sáu được thành tựu.

9. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ bảy được thành tựu.

10. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". Ðây là chi phần thứ tám được thành tựu.

Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần được thực hành như vậy, thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn.

(II) (42) Ngày Trai Giới

1. - Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn; có biến mãn lớn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn; có biến mãn lớn?

2-3. ... (giống như kinh 41 trên, từ đoạn số 22 đến 10) ... (Ðây là chi phần thứ tám được thành tựu )

- Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn; có biến mãn lớn. Ðến như thế nào là quả lớn? Ðến như thế nào là lợi ích lớn? Ðến như thế nào là rực rỡ lớn? Ðến như thế nào là biến mãn lớn?

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên mười sáu quốc độ lớn này tràn đầy bảy báu, như Anga, Magadha, Kàsìkosala, Vajjì, Cetì, Vamsà, Kurù, Pancàlà, Macchà, Sùrasenà, Asska, Avantì, Gandhàrà, Kambojà. Nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một ngày trai giới thành tựu tám chi phần. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên.

5. Năm mươi năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên Bốn thiên vương. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Năm mươi năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên Bốn thiên vương. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên Bốn thiên vương". Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

6. Một trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Ba mươi ba". Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

7. Hai trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Yàma. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Hai ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Yàma. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Yàma". Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên".

Bốn trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Tusità (Ðâu-Xuất). Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Bốn ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tusità. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Tusità". Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

Tám trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Hóa lạc. Tám ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Hóa lạc. Sự kiện này có xảy ra, ... với hạnh phúc chư Thiên ".

Mười sáu trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Do vậy, Ta nói: "Nhỏ nhoi thay, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

Chớ giết hại loại sanh
Chớ lấy của không cho
Chớ nói lời nói láo
Chớ uống thứ rượu say
Từ bỏ phi Phạm hạnh 
Từ bỏ không dâm dục
Không ăn vào ban đêm 
Tránh không ăn phi thời
Không mang các vòng hoa
Không dùng các hương liệu
Hãy nằm trên tấm thảm
Trải dài đất làm giường
Chính hạnh trai giới này
Ðược gọi có tám phần
Do đức Phật nói lên
Ðưa đến đoạn tận khổ
Mặt trăng và mặt trời
Cả hai thấy lành tốt
Chỗ nào chúng đi tới, 
Chúng chói sáng hào quang
Chúng làm mây sáng chói
Giữa hư không chúng đi
Trên trời chúng chói sáng
Sáng rực mọi phương hướng
Trong khoảng không gian ấy
Tài sản được tìm thấy
Trân châu và ngọc báu
Lưu ly đá cầu may
Vàng cục trong lòng đất
Hay loại Kancana
Cùng loại vàng sáng chói
Ðược gọi Hataka
Tuy vậy chúng giá trị
Chỉ một phần mười sáu
Với hạnh giữ trai giới
Ðầy đủ cả tám mặt
Kể cả ánh sáng trăng
Với cả vòm trời sao
Vậy người nữ, người nam
Giữ gìn theo tịnh giới
Hành Bồ-tát trai giới
Ðầy đủ cả tám mặt
Làm các thiện công đức
Ðem lại nhiều an lạc 
Ðược sanh lên cõi trời
Không bị người cười chê.

(III) (43) Visàkhà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Ðông Viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên:

2. - Này Visàkhà, ngày trai giới đầy đủ tám chi phần được thực hành, thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn ... (giống như kinh 42 với cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết ).

(IV) (44) Vàsettha

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahàvana, ngôi nhà có nóc nhọn, rồi nam cư sĩ Vàsettha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ đang ngồi một bên: ... (Ðức Phật nói lại như kinh 4,2 kể cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết) ...

2. Khi được nói như vậy, nam cư sĩ Vàsettha bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, nếu người bà con huyết thống thân mến của con thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần này, như vậy, các bà con huyết thống thân mến của con được hạnh phúc an lạc lâu dài. Bạch Thế Tôn, nếu tất cả các Sát-đế-lỵ thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, tất cả các được hạnh phúc an lạc lâu dài. Bạch Thế Tôn, nếu tất cả Bà-la-môn ... các Phệ-Xá ... các Thủ-đà thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, tất cả các Thủ-đà được hạnh phúc an lạc lâu dài.

3. - Như vậy là phải, này Vàsettha! Này Vàsettha, nếu tất cả các Sát-đế-lỵ thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, tất cả các Sát Ðế Lỵ được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu tất cả Bà-la-môn ... các Phệ-Xá ... các Thủ-đà thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, tất cả các Thủ-đà sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu thế giới chư Thiên, với các ác ma, các Phạm thiên, hay quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, như vậy, thế giới chư Thiên, các ác ma, các Phạm thiên, hay quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu các cây sàlà lớn này có thể thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài, nếu chúng có tư duy, nói gì đến loài người.

(V) (45) Bojjhà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetanava, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nữ cư sĩ Bojjhà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với cư sĩ Bojjhà đang ngồi xuống một bên:


2. ... (Thế Tôn nói lại kinh 42, kể cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết) ...


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Phải chăng hình ảnh của bậc A La Hán trong bài kinh nầy là biểu tượng tuyệt đối của sự thanh tịnh cao quý? - TT Tuệ Siêu
TK Giac Dang  [8:30 AM] : sabbapāṇabhūtahitānukampino
sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.


Thảo luận 2. Sự thương tưởng cây cỏ có được xem là lòng từ chăng? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Phật ngôn sau đây: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Phải chăng cho thấy giữ giới trong ngày bát quan trai cần có "tâm niệm sâu sắc" để có hiệu năng thanh tịnh tâm ý? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Trong các chùa thuộc truyền thống "Lâm Tăng" ngày trai giới được xem là "NGÀY ĐỒNG TU" của cả hai giới xuất gia tại gia. Chúng ta nên nhận thức sao về điều nầy?

Thảo luận 5. Phải chăng hình ảnh của bậc A La Hán trong bài kinh nầy là biểu tượng tuyệt đối của sự thanh tịnh cao quý? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm