PHẬT HỌC CƠ BẢN
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya
34. Kinh Thập thượng
(Dasuttara sutta) - Một Pháp - x) Thế nào là một pháp cần được tác chứng? Bất động tâm giải thoát.
HT. Thích Minh Châu Việt dịch
I. Đại lược
Tụng phẩm I
1.Một thời Thế Tôn trú tại Campa (Chiêm-bà) trên bờ hồ Gaggara (Già-già), cùng với đại chúng Tỷ kheo khoảng năm trăm vị. Rồi tôn giả Sàriputta bảo các vị Tỳ kheo: "Này các Hiền giả Tỷ kheo". "Thưa Hiền giả" các vị Tỷ kheo ấy đáp ứng tôn giả Sàriputta, tôn giả Sàriputta nói như sau:
Tôi nói Thập thượng pháp,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Diệt trừ mọi khổ đau,
Giải thoát mọi triền phược.
Một pháp
2. Này các Hiền giả, một pháp có nhiều tác dụng, một pháp cần phải tu tập, một pháp cần phải biến tri, một pháp cần phải đoạn trừ, một pháp chịu phần tai hại, một pháp đưa đến thù thắng, một pháp rất khó thể nhập, một pháp cần được sanh khởi, một pháp cần được thắng tri, một pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là một pháp có nhiều tác dụng? Bất phóng dật đối với các thiện pháp. Ðó là một pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là một pháp cần được tu tập? Niệm thân câu hữu với khả ý. Ðó là một pháp cần được tu tập.
iii) Thế nào là một pháp cần phải biến tri? Xúc hữu lậu hữu thủ. Ðó là một pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là một pháp cần phải đoạn trừ? Ngã mạn. Ðó là một pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là một pháp chịu phần tai hại? Bất chánh tác ý. Ðó là một pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là một pháp đưa đến thù thắng? Chơn chánh tác ý. Ðó là một pháp đưa đến thù thắng.
vii) Thế nào là một pháp rất khó thể nhập? Vô gián tâm định. Ðó là một pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là một pháp cần được sanh khởi? Bất động trí. Ðó là một pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là một pháp cần được thắng tri? Tất cả loài hữu tình do ăn uống mà an trú. Ðó là một pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là một pháp cần được tác chứng? Bất động tâm giải thoát. Ðó là một pháp cần được tác chứng.
Như vậy, mười pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch
II. Thảo Luận: Chư Tăng điều hợp
1. Tại sao một nội tâm ít bị chi phối là điều đáng cho người tu tập tha thiết? - TT Tuệ Siêu
2. Nội tâm "dững dưng" trước những thăng trầm có làm đời sống mất sinh thú? - TT Pháp Đăng
3. Với một người mẫn cảm thì nên tu tập thế nào để nội tâm ổn định? - TT Pháp Tân
4. Phải chăng thường quán sát về khổ đau giúp chúng ta bình tâm hơn với những chi phối? - TT Tuệ Siêu
5. TT Giác Đẳng đúc kết bài học
No comments:
Post a Comment