Saturday, December 31, 2016

Bài học. Thứ Bảy ngày 31-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Chương Năm Pháp
VII. Phẩm Tưởng


(I) (61) Các Tưởng (1)

1. – Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?

2. Tưởng bất định, tưởng chết, tưởng nguy hại, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối với tất cả thế giới.Năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.

(II) (62) Các Tưởng (2)

1. – Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn lợi ích, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?


2. Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng chết, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối với tất cả thế giới.Những pháp này là năm tưởng, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.


 II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Thuật ngữ saññā ở đây dịch là "tưởng" được định nghĩa chính xác là gì? Có từ ngữ chuyển dịch nào khác tương đương? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Pháp "tưởng" có giống với phap "quán" hay pháp "niệm"? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Cái nhìn yểm ly (nhàm chán) khác biệt gì với tâm trạng buồn nản?TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Những suy tư nhất thời, theo các pháp tưởng trong bài học hôm nay, làm sao có thể thâm nhập, bền bĩ và thật sự thay đổi nhân sinh quan của một người?TT Tuệ Quyền

 III. Trắc Nghim

Friday, December 30, 2016

Bài học. Thứ Sáu ngày 30-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín

Chương Năm Pháp
VI. Phẩm Triền Cái


(X) (60) Khó Tìm Ðược (2)

1. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm?

2. Thật khó tìm được, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại khéo nói; thật khó tìm được một người có khả năng nắm giữ cái gì khéo nắm giữ; thật khó tìm được một người có cử chỉ tốt đẹp; thật khó tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì luật.

Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.


 II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp
Thảo luận 1. Tại sao "người trẻ nông nổi" thường dễ đào tạo hơn "người lớn tuổi chín chắn"?TT Tu Siêu


 III. Trắc Nghim
Trắc nghiệm 1. Những điều nào sau đây có thể là trở ngại lớn trong sự thụ huấn của một người mới xuất gia?
 A. Phải thay đổi thói quen /
 B. "Đụng chạm cá nhân" /
 C. Bắt đầu từ vị trí thấp nhất / 
D. Cả ba câu trên đề đúng

TT Tuệ Siêu cho đáp án câu 1 là D

 Trắc nghiệm 2. Những điều nào sau đây là có thể là "thách thức lớn" cho một người tu tập trong Phật giáo? 
A. Tự giác trong cuộc sống /
 B. Học thuộc lòng /
 C. Thích nghi với những thiếu thốn và điều không như ý /
 D. Cả ba điều trên
'
TT Pháp Đăng cho đáp án câu 2 là D

 Trắc nghiệm 3. Những điều nào sau đây đúng để dẫn đến sự thành tựu tốt đẹp trong đời sống tu tập? 
A. Tha thiết và nỗ lực / 
B. Tâm tánh hiền thiện và trí tuệ bén nhạy / 
C. Cả hai câu A và B đều đúng /
 D. Cả hai câu A và B đều sai


TT Pháp Tân cho đáp án câu 3 là C

Thursday, December 29, 2016

Bài học. Thứ Năm ngày 29-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Chương Năm Pháp
VI. Phẩm Triền Cái


(VIII) (58) Thanh Niên Licchavi

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài đi sâu vào Ðại lâm, và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.

Lúc bấy giờ, một số đông thanh niên Licchavi cầm các cung được chuẩn bị sẵn sàng với đàn chó bao vây xung quanh, đang đi qua đi lại ở Ðại Lâm, thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây. Thấy vậy họ liền bỏ các cung được chuẩn bị sẵn sàng xuống, kéo đàn chó về một phía và đi đến Thế Tôn. Sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Lúc bấy giờ, Mahànàma người Licchavi bộ hành đi qua đi lại trong rừng Ðại Lâm, thấy các thanh niên Licchavi đang yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Thấy vậy, ông đi đến gần Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahànàma người Licchavi nói lên lời cảm hứng ngữ:

- Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji!

- Này Mahànàma, sao Ông lại nói như vậy: "Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji"?

- Bạch Thế Tôn, những thanh niên Licchavi này là hung bạo, thô ác, ngạo mạn. Các đồ vật được các gia đình gửi đi như mía, trái táo, bánh ngọt, kẹo đường, họ cướp giật và ăn; họ đánh sau hông các nữ nhân, thiếu nữ các gia đình; nhưng nay họ đứng yên lặng, yên lặng chắp tay hầu hạ Thế Tôn.

- Ðối với thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này Mahànàma, thiện nam tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cách tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến người ấy: "Mong rằng (con ta) được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!" Và này Mahànàma, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

3. Lại nữa, này Mahànàma, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ người làm công. Vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công và được người ấy cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: "Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!" Và này Mahànàma, một thiện nam tử được vợ con, người phục vụ, người làm công thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là giảm thiểu.

4. Lại nữa, này Mahànama, vị thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các người làm ruộng các chức sắc ở biên cương. Những người làm ruộng các chức sắc ở biên cương được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5. Lại nữa, này Mahànama, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường chư thiên nhận lãnh các vật cúng tế. Chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.

6. Lại nữa, này Mahànama, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bà-la-môn được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên trong lòng thương tưởng người ấy: "Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài." Và này Mahànama, với một thiện nam tử được các Sa-môn, Bà-la-môn thương tưởng, được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Ðối với vị thiện nam tử nào, này Mahànama, năm pháp này được tìm thấy, dầu là Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất của người cha, hay là vị tướng trong quân đội, hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Mẹ cha lo phục vụ,
Vợ con thường thương tưởng,
Vì hạnh phúc nội nhân,
Cùng với kẻ tùng sự,
Vì hạnh phúc cả hai,
Lời hòa nhã, giữ giới,
Vì hạnh phúc bà con,
Vì hương linh đi trước,
Vì mạng sống hiện tại,
Vì Sa-môn, Phạm chí,
Vì chư Thiên bậc trí
Thành người ban hạnh phúc.
Sống gia đình, đúng pháp,
Vị ấy làm thiện sự,
Ðược cúng dường tán thán,
Ðời này họ được khen,
Ðời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.


 II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Những đối tượng tôn quý trong bài kinh nầy theo cái nhìn thường thức thì có vẻ như không cân xứng và thiếu tánh tôn giáo (như chư thiên và người làm ruộng ...). Người học Phật nên lãnh hội điều nầy thế nào? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Chư thiên nhận cúng tế (balipaṭiggāhikā devatā) được hiểu thế nào? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Người Phật tử nên quan niệm thế nào về sự thương ghét của người chung quanh đối với mình? TT Pháp Tân 
Thảo luận 4. Những lời chúc lành có lợi lạc thì những lời nguyền rủa thế nào?TT Pháp Đăng
Thảo luận 5. Sự thương tưởng được đề cập trong bài kinh nầy có phải là từ tâm chăng?ĐĐ Nguyên Thông

 III. Trắc Nghim

Wednesday, December 28, 2016

Bài học. Thứ Tư ngày 28-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương Năm Pháp
VI. Phẩm Triền Cái


(VII) (57) Sự Kiện Cần Phải Quan Sát

1.- Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm?

2. "Ta phải bị già, không thoát khỏi già" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị già, không thoát khỏi già", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.

3. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, đang còn trẻ, kiêu mạn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị già, không thoát khỏi già", cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị bệnh, ta không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

4. Có những loài hữu tình khỏe mạnh, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị chết, ta không thoát khỏi chết", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

5. Có những lời hữu tình đang sống, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết", cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

6. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, phải biến diệt" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

7. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.

8. Nếu vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, suy tư như sau: "Không phải chỉ một mình ta già, không thoát khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi già". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. "Không phải chỉ một mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. "Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết, nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết..." ... "Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt...". "Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy.

Do vị ấy thường xuyên quán sát dự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử dụng được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Bị bệnh và bị già,
Lại thêm phải bị chết,
Pháp yếu là như vậy,
Hữu tình là như vậy.
Phàm phu sanh nhàm chán,
Thật không hợp cho Ta,
Nếu Ta cũng nhàm chán,
Ðối với các chúng sanh,
Cùng chung một số phận.
Trong khi đời sống Ta,
Không khác gì đời họ,
Ta được sống như vậy,
Biết pháp không sanh y,
Kiêu mạn trong không bệnh,
Trong tuổi trẻ sinh mạng,
Tất cả Ta nhiếp phục
Phát xuất từ an ổn,
Ta thấy hạnh viễn ly,
Ta phát tâm dõng mãnh,
Thấy được cảnh Niết-bàn.
Nay Ta không có thể,
Hưởng thọ các dục vọng,
Ta sẽ không thối đọa,
Chứng cứu cánh Phạm hạnh.


 II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp
Thảo luận 1. Thường tâm niệm "ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". Mang lại những  lợi ích gì? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Làm thế nào để gọi là "thường tâm niệm hay năng quán tưởng"? TT Tuệ Siêu



 III. Trắc Nghim
Trắc nghiệm 1. Khi Đức Phật dạy: "Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia." câu đó hàm ý là: 
A. Tất cả con người sống ở đời đều nên ý thức/
 B. Dù ở hoàn cảnh sống nào cũng nên tâm niệm /
 C. Những sự thật phổ quát CHUNG cho tất cả chúng ta /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 1: D

Trắc nghiệm 2. Vì không ý thức được thực trạng của cuộc sống nên chúng ta có những điều nào sau đây?
 A. Kiêu mạn /
 B. Say đắm trong sự sống /
 C. Tạo các ác nghiệp /

 D. Cả ba câu trên

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 2: D

Trắc nghiệm 3. Điều nào sau đây theo lời Phật dạy CHẮC CHẮN  sẽ xẩy ra trong kiếp nhân sinh? 
A. Tuổi trẻ, sự khoẻ mạnh, tuổi thọ không mãi mãi nguyên trạng /
 B. Ai cũng phải trãi qua khổ ải của sanh ly, tử biệt / 
C. Mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng, là kết quả của nghiệp, chi phối bởi nghiệp /
 D. cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu Số 3: D .

 Trắc nghiệm 4. Tâm niệm "ta phải già, không thoát khỏi sự già" giúp chúng ta điều nào sau đây?
 A. Không kiêu mạn với tuổi trẻ /
 B. Kíp thời chuẩn bị cho đời sống nội tâm /
 C. Không lấy sự thạnh lợi nhất thời làm cứu cánh /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 4: D

Trắc nghiệm 5. Ý thức "Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt" giúp chúng ta điều nào sau đây?
 A. Không quá khổ đau với cái chết của người thân /
 B. Làm những gì nên làm cho người thân trong lúc có thể làm được /
 C. Sống điềm đạm hơn trước những mất mát/
D. cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 5: D




Tuesday, December 27, 2016

Bài học. Thứ Ba ngày 27-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

Chương Năm Pháp
VI. Phẩm Triền Cái


VI) (56) Thân Giáo Sư

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến vị giáo thọ của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ của mình như sau:

- Bạch Thượng tọa, nay thân con cảm thấy như bị say ngọt, con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp.

2. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một vị Tỷ-kheo cộng trú, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nói như sau: "Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy như bị say ngọt, mắt con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp".

3.- Sự việc là vậy, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn không được bảo vệ, với ăn uống không có tiết độ, không có chú tâm cảnh giác, không có quán nhìn các thiện pháp, không có trước đêm và sau đêm chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân Thầy cảm thấy như bị say ngọt, mắt Thầy không thấy rõ phương hướng, pháp không được Thầy nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm Thầy và an trú. Không có hoan hỷ, Thầy sống Phạm hạnh. Thầy có những nghi ngờ đối với Chánh pháp. Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy phải học tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, quán nhìn các Thiện pháp, trước đêm và sau đêm ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

4. Rồi Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tin cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy hoàn toàn liễu tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không có trở lui trạng thái này nữa". Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán.

Rồi Tỷ-kheo đã chứng đắc A-la-hán ấy đi đến vị giáo thọ sư của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ sư của mình:

5.- Bạch Thượng tọa, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, mắt con thấy rõ các phương hướng. Pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh, Con không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp.

6. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một Tỷ-kheo cộng trú; đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo này nói như sau: "Bạch Thế Tôn, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, con thấy rõ các phương hướng, pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp".

7.- Như vậy là phải, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn được bảo vệ, với ăn uống có tiết độ, có chú tâm cảnh giác, có quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân không cảm thấy như bị say ngọt, các phương hướng được hiện rõ, và pháp được người ấy nhớ rõ. Hôn trầm thụy miên không còn chinh phục tâm của vị ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sống Phạm hạnh. Vị ấy không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp. Vậy này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chuyên tâm cảnh giác quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm, ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.


 II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp



 III. Trắc Nghim