Wednesday, December 14, 2016

Bài học. Thứ Tư ngày 14-12-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương Năm Pháp
V. Phẩm Vua Munda

(I) (41) Trở Thành Giàu

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. - Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.

3. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.

4. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mổ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chận đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Ðây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

5. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, có thể làm năm hiến cúng. Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Ðây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

6. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Ðây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản.

7. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, khi tài sản đi đến hoại diệt, vị ấy suy nghĩ như sau: "Các tài sản do những lý do để gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến hoại diệt", vị ấy không có hối hận. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ gầy dựng tài sản với năm lý do này, nếu tài sản ấy đi đến tăng trưởng, vị ấy suy nghĩ như sau: "Các tài sản do những lý do gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến tăng trưởng". Như vậy, cả hai phương diện, vị ấy không có hối hận.

Tài sản được thọ hưởng,
Gia nhân được nuôi dưỡng,
Chính nhờ các tài sản,
Do ta tránh tai họa.
Là cúng dường tối thượng,
Làm năm loại hiến vật,
Dành cho bậc trì giới
Bậc tự điều, Phạm hạnh.
Mục đích gì bậc Trí,
Trú nhà, cầu tài sản,
Mục đích ấy ta đạt,
Ðược làm không hối hận.
Người nào nhớ nghĩ vậy,
An trú trên Thánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau được hoan hỉ,
Trên cảnh giới chư Thiên.



 II. Thảo Luận: 
 
 TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Cụm từ "bhogānaṃ ādiyā - Sử dụng sự giàu có" nên được hiểu chính xác thế nào? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Phải chăng về việc tích tập tài sản, Đức Phật có lời dạy khác biệt giữ người xuất gia và cư sĩ/? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Phải chăng, theo Phật Pháp, trong tất cả mọi quyết định về những gì nên làm thì yếu tố then chốt vẫn là có mang lại lợi lạc cho mình, cho đời? ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 4. Đức Phật dạy người cư sĩ có tài sản nên  làm năm hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Lời dạy nầy nên hiểu và thực hành thế nào? TT Tuệ Quyền




 III. Trắc Nghim
Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây được xem là chính xác khi nói về "Phật pháp và chuyện làm giàu"? 
A. Vấn đề không phải là giàu nghèo mà là sử dụng đồng tiền thế nào hợp lý; sống thế nào an lạc cho mình, cho tha nhân. / 
B. Đức Phật dạy cuộc sống ít bạc tiền là một bất hạnh /
 C. Đức Phật dạy sự làm giàu là tội lỗi /
 D. Đức Phật kêu gọi người con Phật từ bỏ tài sản tư hữu

TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu Số 1: A 

Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây mang ý nghĩa tương ưng với lời Phật dạy tìm thấy trong Tam Tạnh kinh điển?
 A. Hưởng thụ đồng tiền tìm kiếm được một cách lương thiện là điều hạnh phúc /
 B. Có trâu bò (tài sản) khổ vì trâu bò /
 C. Hai câu trên đều đúng /
 D. Hai câu trên đều sai


TT Tuệ Siêu cho đáp án  Câu Số 2: C

Trắc nghiệm 3. Những danh sách nào sau đây phù hợp với những gì Phật dạy trong bài kinh hôm nay? 
A. Tu thành tựu giới tăng thượng, định tăng thượng, tuệ tăng thượng, tâm giải thoát, tuệ giải thoát
 / B. Sử dụng đồng tiền mang lại lợi lạc cho bản thân và người trong nhà; sử dụng đồng tiền mạng lại lợi lạc cho bạn bè, xóm giềng được lợi lạc; sử dụng đồng tiền để phòng khi hữu sự như thiên tai, hoạn nạn ...;sử dụng đồng tiền  để hiến cúng; sử dụng đồng tiền 

_TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 3 : B .


No comments:

Post a Comment