Saturday, October 14, 2017

Bài học. Ngày 14-10-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư:  TT Pháp Tân

Chương 7

IV. Phẩm Chư Thiên

(X) (40) Sự Thù Diệu (2)

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambì để khất thực. Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Kosambì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi Tôn giả Ananda đi đến khi vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi Tôn giả Ananda không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn".

3. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi khất thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi bạch Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn". Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?

- Này Ananda, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Ananda, sau khi với thắng trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là bảy?

4. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, có nghe nhiều, có tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ.

Bảy thù diệu sự này, này Ananda, được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.

5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Ananda, Tỷ-kheo nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói" Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong hai mười bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!".


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Niên lạp (tuổi đạo) có giá trị gì chăng theo Phật giáo? 
A. Hoàn toàn không. Tu lâu chưa hẳn là đạo hạnh cao hơn vị mới xuất gia / 
B. Tuyệt đối là quan trọng. Nếu không có phân định hạ lạp thì không có tôn ti trật  tự. /
 C. Tùy phương diện. Niên cao lạp trưởng và đức trí ưu việt đều là những điều được tôn quý. / 
D. Quan trọng là quan hệ pháp phái

TT Tuệ Siêu cho đáán câu 1 là C

 Trắc nghiệm 2. Pháp nào sau đây được ví dụ với "hạt giống của thiện pháp"? 
A. Niềm tin /
 B. Tàm quý /
 C. Đa văn /
 D. Chánh niệm

TT Tuệ Siêu cho đáp án câu 2 là A

 Trắc nghiệm 3. Pháp nào sau đây được gọi là "pháp hộ trì thế gian" ?
 A. Chánh niệm /
 B. Trí tuệ / 
C. Tàm quý / 
D. Tinh tấn


TT Tuệ Siêu cho đáp án câu 3 là C

Trắc nghiệm 4. Pháp nào sau đây đồng nghĩa với "tri kiến quảng bác"?
 A. Trí tuệ /
 B. Chánh niệm /
 C. Niềm tin / 
D. Đa văn


TT Tuệ Siêu cho đáp án câu 4 là D

Trắc nghiệm 5. Pháp nào sau đây muốn có phải kinh nghiệm pháp hành? 
A. Niềm tin /
 B. Tàm quý /
 C. Đa văn /
 D. Chánh niệm


TT Pháp Tân cho đáp án câu 5 là D

Trắc nghiệm 6. Pháp nào sau đây có liên hệ tới thái độ lựa chọn giữa thiện pháp và bất thiện pháp?
 A. Trí Tuệ /
 B. Chánh niệm /
 C. Tinh tấn /
 D. Đa văn


ĐĐ Pháp Tín cho đáp án câu 6 là A
TT Tuệ Siêu phân tích thêm đáp án câu 6 là A





No comments:

Post a Comment