Friday, October 31, 2014

Bài học. Thứ Bảy ngày 1-11-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Pháp Tân

Chương Ba - Đại Phẩm
(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)


(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

98. Kinh Vàsettha
(Vàsettha sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Icchanankala (Y-xa-năng -gia-la), tại khu rừng Icchanankala.

Lúc bấy giờ có rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có trú tại Icchanankala như Bà-la-môn Canki, Bà-la-môn Tarukkha, Bà-la-môn Pokkharasati, Bà-la-môn Janussoni, Bà-la-môn Todeyya cùng rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có khác. Rồi trong khi các thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja đang tản bộ du hành, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Thế nào là một vị Bà-la-môn?"

Thanh niên Bharadvaja nói như sau:

-- Nếu ai thiện sanh từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Vasettha nói như sau:

-- Nếu ai có giới hạnh và thành tựu các cấm giới, như vậy là một vị Bà-la-môn.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vasettha, và thanh niên Bà-la-môn Vasettha không thể thuyết phục thanh niên Bharadvaja. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha nói với thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja:

-- Này Bharadvaja, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang trú ở Icchanankala, tại khu rừng Icchanankala. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn". Này Tôn giả Bharadvaja, chúng ta hãy đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy hỏi Tôn giả Gotama về nghĩa lý này, và Sa-môn Gotama trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

-- Thưa vâng.

Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja vâng đáp thanh niên Vasettha. Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja cùng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Vasettha dùng những bài kệ bạch Thế Tôn:

Chúng con cả hai người, 
Ðược tôn xưng, tự nhận, 
Là những bậc thông thái
Cả ba tập Vệ-đà.

Con là đệ tử Ngài, 
Pokkharasati, 
Còn vị thanh niên này, 
Ðệ tử Tarukkha.

Ba Vệ-đà nói gì, 
Chúng con đều thông đạt, 
Văn cú và văn phạm, 
Chúng con đều thấu hiểu, 
Thuyết giảng và giải thích, 
Thật giống bậc Ðạo sư.

Tôn giả Gotama, 
Giữa hai người chúng con
Có sự tranh luận này, 
Về huyết thống thọ sanh.

Bharadvaja nói: 
"Chính do sự thọ sanh".
Con nói: "Do hành động, 
Mới thành Bà-la-môn".

Mong bậc có Pháp nhãn, 
Hiểu cho là như vậy.
Cả hai người chúng con, 
Không thể thuyết phục nhau. 
Chúng con đến hỏi Ngài, 
Bậc Chánh Giác tôn xưng.

Như trăng được tròn đầy, 
Quần chúng đến chấp tay,
Ðảnh lễ và chiêm ngưỡng. 
Cũng vậy, ở trong đời, 
Quần chúng đến đảnh lễ, 
Gotama Tôn giả.

Chúng con đến hỏi Ngài, 
Bậc Pháp nhãn thế gian, 
Bà-la-môn do sanh, 
Hay chính do hành động? 
Chúng con không được biết, 
Hãy nói chúng con biết.

Ðức Thế Tôn bèn nói:

Này Ông Vasettha, 
Ta trả lời cho Ông, 
Thuận thứ và như thật, 
Sự phân loại do sanh, 
Của các loại hữu tình, 
Chính do sự sanh đẻ, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem cỏ và cây, 
Dầu chúng không nhận thức, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loại côn trùng, 
Bướm đêm, các loại kiến, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loại bốn chân, 
Loại nhỏ và loại lớn, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem loài bò sát, 
Loại rắn, loại lưng dài, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Hãy xem các loại cá,
Loại sinh sống trong nước, 
Chúng có tướng thọ sanh,
Da sanh, có dị loại.

Hãy xem các loại chim, 
Loại có cánh trên trời, 
Chúng có tướng thọ sanh, 
Do sanh, có dị loại.

Tùy theo sự thọ sanh, 
Chúng có tướng tùy sanh. 
Trong thế giới loài Người, 
Tướng sanh không có nhiều.

Không ở đầu mái tóc, 
Không ở tai, ở mắt,
Không ở miệng, ở mũi, 
Không ở môi, ở mày, 
Không ở cổ, ở nách, 
Không ở bụng, ở lưng, 
Không ở ngực, ở vú, 
Không âm hộ, hành dâm.

Không ở tay, ở chân, 
Không ở ngón, ở móng, 
Không ở cổ chân, vế, 
Không ở sắc, ở tiếng.

Không tướng, do tùy sanh, 
Tùy sanh, loại sai khác.
Trên tự thân con người, 
Không có gì đặc biệt. 
Chỉ tùy theo danh xưng, 
Loài Người được kêu gọi.

Ðối người tự sinh sống. 
Chăn bò, lo ruộng đất, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nông phu, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống theo nghề nghiệp, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là công thợ, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề buôn bán, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là thương nhân, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống hầu hạ người, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nô bộc, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống lấy của người, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là kẻ trộm, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề cung tên, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là nhà binh, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống nghề tế tự, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là tế quan, 
Không phải Bà-la-môn.

Ai sống giữa loài Người, 
Thọ hưởng làng, quốc độ, 
Vasettha hãy biết, 
Kẻ ấy là vua chúa, 
Không phải Bà-la-môn.

Và Ta không có gọi, 
Kẻ ấy Bà-la-môn. 
Chỉ vì do thọ sanh, 
Dầu vị ấy cao sang, 
Dầu vị ấy giàu có, 
Nhưng còn ham thế lợi.

Không tham lam thế lợi, 
Không chấp thủ sở hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Vị đoạn tận kiết sử, 
Không ai không sợ hãi, 
Siêu việt mọi chấp trước, 
Thoát ly các hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Cắt dây thừng, dây ách, 
Dây cương, cùng dây trói, 
Quăng đi cây chắn ngang, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Bậc sáng suốt, giác ngộ, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không lỗi, chịu đựng, 
Nhiếc mắng cùng đánh trói, 
Trang bị với nhẫn lực, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Không phẫn nộ, giữ luật, 
Có giới hạnh không kiêu, 
Nhiếp phục, thân tối hậu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Như nước trên lá sen, 
Hột cải trên đỉnh nhọn, 
Không tham luyến dục vọng, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết ngay đời này
Khổ vì ngã đoạn tận, 
Gánh nặng được đặt xuống, 
Xa lìa các hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Tuệ thâm sâu, có trí
Thiện xảo đạo phi đạo, 
Ðích tối thượng đạt được, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không còn liên hệ, 
Cả tại gia, xuất gia, 
Không nhà trú, thiểu dục, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Bỏ gậy đối chúng sanh, 
Kẻ yếu cùng kẻ mạnh, 
Không giết, không hại ai, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Giữa kẻ thù, không thù, 
Giữa hung bạo, an tịnh, 
Giữa chấp thủ, không chấp, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Dối, tham, sân, mạn, phú, 
Ai bỏ rơi được chúng, 
Như hột cải rơi khỏi. 
Ðầu nhọn của mũi kim, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai dạy thật nhỏ nhẹ, 
Nói lên lời chơn thực, 
Không xúc chạm một ai, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Dài ngắn hay lớn nhỏ, 
Thanh tịnh hay bất tịnh, 
Ở đời vật dài ngắn, 
Lớn, nhỏ, tịnh, bất tịnh, 
Không lấy vật không cho, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Với ai không tham cầu, 
Ðời này và đời sau, 
Từ bỏ mọi tham cầu, 
Ðoạn rời mọi hệ phược,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không có chấp tàng, 
Với trí đoạn nghi hoặc, 
Ðạt nhập đáy bất tử. 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời ai vượt khỏi, 
Mọi buộc ràng thiện ác, 
Không sầu, không bụi uế, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không uế, thanh tịnh, 
Không gợn, sáng như trăng, 
Hỷ, hữu được đoạn trừ, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai vượt qua hiểm lộ, 
Ác lộ, luân hồi, si, 
Vượt khỏi, đến bờ kia, 
Thiền tư, không dao động, 
Ðoạn trừ mọi nghi hoặc, 
An tịnh, không chấp trước, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời, bỏ dục vọng, 
Không nhà, sống xuất gia, 
Ðoạn trừ dục và hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ở đời, bỏ tham ác, 
Không nhà, sống xuất gia, 
Ðoạn trừ ác và hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai từ bỏ nhân ách, 
Vượt qua cả thiên ách, 
Ðoạn trừ mọi ách nạn, 
Thoát ly mọi hệ phược, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Từ bỏ lạc, bất lạc, 
Thanh lương, không y trú, 
Chiến thắng mọi thế giới, 
Bậc anh hùng dũng mãnh, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết thật hoàn toàn, 
Sự sanh diệt chúng sanh, 
Không tham trước, Thiện Thệ, 
Giác ngộ, đạt chánh giác, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Không biết chỗ sở thủ, 
Thiên, Nhân, Càn-thát-bà, 
Lậu hoặc được đoạn trừ, 
Bậc Ứng Cúng, La-Hán, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai không có chấp trước, 
Ðời trước, sau, đời này, 
Không chấp, không sở hữu, 
Kẻ ấy Ta mới gọi, 
Chánh danh Bà-la-môn.

Ngưu vương, bậc Tối thắng, 
Anh hùng, bậc Ðại sĩ, 
Bậc Chinh phục, Bất động, 
Tắm sạch, bậc Giác Ngộ, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ai biết được đời trước, 
Thấy được thiện, ác thú, 
Ðạt được sanh diệt đoạn, 
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.

Ðiều thế giới cho gọi,
Là "tên" và "gia tộc", 
Chỉ tục danh, thông danh, 
Danh từ khởi nhiều chỗ.

Ðã lâu đời chấp trước, 
Tà kiến của kẻ ngu,
Kẻ ngu tự tuyên bố, 
Bà-la-môn do sanh.

Không phải do sanh đẻ, 
Ðược gọi Bà-la-môn, 
Không phải do sanh đẻ, 
Gọi phi Bà-la-môn.

Chính do sự hành động
Ðược gọi Bà-la-môn, 
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà-la-môn.

Hành động làm nông phu, 
Hành động làm công thợ, 
Hành động làm lái buôn, 
Hành động làm nô bộc.

Hành động làm ăn trộm, 
Hành động làm nhà binh. 
Hành động làm tế quan, 
Hành động làm vua chúa.

Kẻ trí thấy hành động, 
Như thật là như vậy. 
Thấy rõ lý duyên khởi, 
Biết rõ nghiệp dị thục.

Do nghiệp, đời luân chuyển
Do nghiệp, người luân hồi. 
Nghiệp trói buộc chúng sanh, 
Như trục xe quay bánh.

Do khổ hạnh, Phạm hạnh, 
Tiết chế và chế ngự, 
Tác thành Bà-la-môn. 
Bà-la-môn như vậy, 
Mới thật là tối thượng,

Ba Vệ-đà thành tựu, 
An tịnh, tái sanh đoạn, 
Vesettha nên biết, 
Kẻ ấy được Phạm thiên, 
Ðược Thiên chủ Sakka, 
Biết đến thật tường tận.

Khi được nghe nói vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.


II. Thảo Luận:   Chư Tăng   điều hợp.
1. Từ "Samôn và Balamon" có tính khác với "chánh danh Balamôm" mà Đức Phật định nghĩa trong bài kinh như thế nào? - TT Pháp Đăng
2. Trong bài học, Đức Phật nhắc đến câu "Tuệ thâm sâu". Thì khác với trí định tuệ như thế nào? - TT Tuệ Quyền
3. Chúng ta tu tập như thế nào để có được trí tuệ bát nhã, trí tuệ thâm sâu? - TT Pháp Đăng

Thursday, October 30, 2014

Bài học. Thứ Sáu ngày 31-10-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  ĐĐPháp Tín

Chương Bốn - Phẩm Tám

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

(I) Kinh về Dục (Sn 151)

766. Ai ao ước được dục,
Nếu dục được thành tựu,
Chắc tâm ý hoan hỷ,
Ðược điều con người muốn.

767. Nếu người có dục ấy,
Ước muốn được sanh khởi,
Các dục ấy bị diệt,
Bị khổ như tên đâm.

768. Ai tránh né các dục
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm vượt thoát được,
Ái triền này ở đời.

769. Người nào tham đắm dục,
Ruộng đất, vàng, bò, ngựa,
Người nô tỳ, phục vụ,
Nữ nhân và bà con.

770. Như người không sức lực,
Bị các dục chinh phục,
Tai họa dẫm đạp nó,
Khổ đau bước theo nó,
Như nước ùa tràn vào,
Chiếc thuyền bị vỡ nát.

771. Do vậy người thường niệm,
Từ bỏ các loài dục,
Bỏ dục, vượt bộc lưu,
Tát thuyền đến bờ kia.



II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.
1 . Khi Đức Phật dạy về "vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của dục" phải chăng khi nói về vị ngọt có nghĩa là dù thế nào thì cũng có phương diện đáng hoan hỷ? - TT Pháp Đăng 
2 .Các dục ở đây chỉ cho dục vọng hay dục lạc hoặc cả hai? - TT Tuệ Quyền 
  3 .  Sự tránh né có làm các dục mạnh hơn? ngược lại lao đầu vào các dục có làm giảm thiểu dục vọng? TT Pháp Tân 
  4 . Phải chăng càng hoan hỷ với các dục thì cũng càng khổ đau vì các dục? - TT Pháp Đăng 

Wednesday, October 29, 2014

Bài học. Thứ Năm ngày 30-10-2014

GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA

Giảng Sư:  TT Tuệ Siêu

Chương  Ba - Đại Phẩm

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

(VI) Kinh Sabhiya (Sn 91)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: "Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy".

Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục". Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia". Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này".

Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ:

Sabhiya:

510. Sabhiya nói rằng:
Tôi đến, có nghi ngờ,
Hy vọng có thể hỏi
Những câu hỏi với Ngài.
Mong Ngài chấm dứt được,
Những câu hỏi cho tôi.
Những câu được tôi hỏi,
Hãy thứ lớp giải đáp.

Thế Tôn:

511. Thế Tôn đáp du sĩ:
Ông từ xa đi đến,
Hy vọng có thể hỏi,
Những câu hỏi với Ta,
Ta sẽ chấm dứt được,
Những câu hỏi cho Ông
Những câu được Ông hỏi,
Ta thứ lớp giải đáp.

512. Du sĩ Sabhiya,
Hãy hỏi Ta câu hỏi,
Tuỳ theo ý Ông muốn,
Ông hỏi câu hỏi nào,
Ta sẽ chấm dứt được,
Câu hỏi ấy cho Ông.

Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc " Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi:

Sabhiya:

513. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Tỷ-kheo?
Nhờ gì, gọi nhu hòa?
Thế nào gọi chế ngự?
Và phải như thế nào,
Ðược gọi bậc Giác ngộ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

514. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai chính với con đường,
Do tự mình tạo ra,
Ði đến sự tịch mịch,
Vượt qua các nghi hoặc,
Từ bỏ, đoạn tận hẳn
Cả hữu và phi hữu,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Tái sanh đã đoạn tận,
Vị ấy được xứng danh,
Gọi là vị Tỷ-kheo.

515. Vị trú xả, chánh niệm,
Tại bất cứ chỗ nào,
Vị không làm hại ai,
Cùng khắp cả thế giới,
Vượt bộc lưu, tịnh ý,
Không có bị dao động,
Vị nào không đột khởi,
Vị ấy gọi nhu hòa.

516. Vị nào có các căn,
Ðược huấn luyện tu tập,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị nào thông suốt được
Ðời này và đời sau,
Ðúng thời, nghi điều phục,
Vị ấy gọi chế ngự.

517. Ai phân tích các kiếp,
Toàn diện và hoàn toàn,
Luân chuyển cả hai mặt,
Chết đi và sanh lại,
Bụi bặm được dứt sạch,
Không uế nhiễm, thanh tịnh,
Ðạt được sanh đoạn diệt,
Vị ấy gọi Phật-đà.

Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa.

Sabhiya:

518. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Bà-la-môn?
Nhờ gì, gọi Sa-môn?
Thế nào là tắm sạch?
Và phải như thế nào?
Ðược gọi là voi chúa?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

519. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai loại khỏi ra ngoài,
Tất cả các ác pháp,
Không uế, khéo định tĩnh,
Kiên trì, vững an trú,
Vượt qua được luân hồi,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Không y chỉ vị ấy,
Ðược gọi Bà-la-môn.

520. Ðược an tịnh, tịch tịnh,
Ðoạn tận cả thiện ác,
Không cấu uế, rõ biết,
Ðời này và đời sau,
Chế ngự và nhiếp phục,
Cả vấn đề sanh tử,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là Sa-môn.

521. Ai gột sạch, tắm sạch
Tất cả các ác pháp,
Kể cả trong lẫn ngoài,
Khắp tất cả thế giới,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bị thời kiếp chi phối,
Không rơi vào thời kiếp,
Ðược gọi đã tắm sạch.

522. Ai không làm điều ác,
Mọi điều ác ở đời,
Tất cả các kiết sử,
Không dính mắc, trói buộc,
Khắp tất cả mọi nơi,
Không dính, không trói buộc,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là voi chúa.

Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:

Sabhiya:

523. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Thế nào chư Phật gọi
Vị chiến thắng đất ruộng,
Do gì, gọi là thiện?
Thế nào gọi bậc trí,
Và phải như thế nào
Ðược gọi là ẩn sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

524. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát nhiếp phục,
Ruộng đất thật toàn diện
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi đất ruộng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi thắng đất ruộng.

525. Ai quán sát nhiếp phục,
Kho tàng thật toàn diện,
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi kho tàng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thiện xảo.

526. Ai quán sát nhiếp phục,
Cả hai tâm và ý,
Cả nội và cả ngoại,
Về trí tuệ thanh tịnh,
Nhiếp phục chế ngự được,
Các pháp đen và trắng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi bậc Hiền trí,

527. Sau khi đã biết được,
Pháp bất thiện, pháp thiện,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị ấy được cúng dường,
Chư Thiên và loài Người,
Vượt qua lưới trói buộc,
Vị ấy gọi ẩn sĩ.

Rồi du sĩ Sabhiya... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:

Sabhiya:

528. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì
Ðược gọi bậc có trí?
Nhờ gì, gọi tùy trí?
Thế nào xưng tinh tấn?
Thế nào được danh xưng,
Là vị đã thuần thục?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

529. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát Vệ-đà,
Hoàn toàn và toàn diện,
Ðược Sa-môn, Phạm chí,
Ðạt được rất đầy đủ,
Vị ấy gọi ly tham,
Trong tất cả cảm thọ,
Do vượt qua Vệ-đà,
Ðược gọi bậc Vệ-đà?

530. Do quán sát, quán triệt,
Các hý luận, danh sắc,
Kể cả nội và ngoại,
Về cội gốc bệnh hoạn,
Vị ấy thoát trói buộc,
Cội gốc các bệnh hoạn,
Vị đức tánh như vậy
Ðược gọi vị rõ biết

531. Vị ở đời từ bỏ
Tất cả các pháp ác,
Với tinh tấn vượt qua,
Mọi khổ đau địa ngục,
Vị ấy có tinh tấn,
Có tinh cần, siêng năng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị có trí.

532. Với ai các trói buộc,
Bị bựt đứt, huỷ hoại,
Nguồn gốc các tham ái,
Vị ấy được giải thoát,
Khỏi tất cả gốc tham,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thuần thục.

Rồi du sĩ Sabhiya.. lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:

Sahiya:

533. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi vị được nghe?
Nhờ gì, gọi bậc Thánh?
Sở hành như thế nào,
Như thế nào được tên,
Là một người du sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

534. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya!
Do ở đời được nghe,
Thắng tri tất cả pháp,
Pháp có lỗi, không lỗi,
Phàm mọi pháp ở đời,
Là vị đã chiến thắng,
Ðoạn nghi, được giải thoát,
Trọn vẹn không dao động,
Ðược gọi, vị có nghe.

535. Sau khi đoạn, chặt đứt,
Mọi lậu hoăc chấp trước,
Vị ấy sau khi biết
Không đi đến thai tạng,
Ðoạn trừ và từ bỏ,
Ba loại tưởng bùn nhơ,
Không đi vào thời kiếp,
Ðược gọi là bậc Thánh.

536. Vị nào ở nơi đây,
Thành tựu các giới hạnh,
Thiện xảo mọi lãnh vực,
Rõ biết được Chánh Pháp,
Cùng khắp cả mọi nơi,
Không chấp trước, giải thoát,
Không sân hận một ai,
Ðược gọi là có hạnh.

537. Ai không làm các nghiệp
Ðưa đến quả đau khổ
Phía trên và phía dưới,
Bề ngang và chặng giữa,
Sống với sự liễu tri,
Từ bỏ, không chấp nhận,
Man trá và kiêu mạn,
Tham ái và phẫn nộ,
Làm cho đến cùng tận,
Cả danh và cả sắc,
Vị này đã đạt được,
Tên gọi là du sĩ.

Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:

538. Ôi, bậc tuệ rộng lớn!
Nhiếp phục sự tụ họp,
Các Sa-môn tranh luận,
Có đến sáu (mươi) ba thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự,
Y đây các tưởng khởi,
Vị ấy vượt qua được,
Dòng nước mạnh sanh tử.

539. Ngài đi đến tận cùng,
Ðến bờ kia đau khổ,
Bậc La-hán, Chánh Giác,
Con nghĩ Ngài lậu tận,
Ngài chói sáng, thông minh.
Với trí tuệ rộng lớn,
Ngài đoạn tận đau khổ,
Ðưa con qua bờ kia.

540. Ngài thấy, Ngài biết rõ
Những điều con nghi ngờ,
Ngài giúp con vượt qua,
Con xin đảnh lễ Ngài,
Bậc ẩn sĩ đạt được,
Con đường thật an tịnh,
Ôi, bà con mặt trời!
Không hoang vu, nhu hòa.

541. Ðiều xưa con nghi ngờ,
Ðều được Ngài giải đáp,
Ôi, bậc có Pháp nhân!
Ngài thật là ẩn sĩ
Bậc Chánh Ðẳng, Chánh Giác,
Ngài không còn triền cái.

542. Với Ngài, mọi ưu não,
Ðược phá tan, đoạn diệt,
Ngài tịnh tịch, chế ngự,
Tâm kiên trì, thành thực.

543. Ngài là bậc long tượng,
Trong các hàng long tượng,
Ngài là đại anh hùng
Chư Thiên đều hoan hỷ,
Cả hai Nàrada,
Và cả Pabbatà,
Ðều hoan hỷ tín thọ,
Lời thuyết giảng của Ngài.

544. Chúng con xin đảnh lễ,
Con người thuần thục nhất,
Chúng con xin đảnh lễ,
Con người tối thượng nhất,
Trong cảnh giới Trời, Người,
Không ai sánh được Ngài,

545. Ngài chính là Ðức Phật,
Ngài chính là Ðạo Sư,
Ngài là bậc ẩn sĩ,
Ðã chiến thắng Ác ma,
Ngài chặt đứt tuỳ miên,
Ðã vượt qua sanh tử,
Ngài giúp chúng sanh này,
Vượt qua bể sanh tử.

546. Ngài vượt khỏi sanh y,
Ngài phá tan lậu hoặc,
Ngài là bậc sư tử,
Không chấp thủ, chấp trước,
Mọi sợ hãi, hoảng hốt,
Ngài đoạn tận, trừ diệt.

547. Như hoa sen tươi đẹp.
Nước không thể dính vào,
Cũng vậy cả thiện ác,
Cả hai không dính Ngài,
Ôi anh hùng vĩ đại,
Xin Ngài duỗi chân ra,
Sabhiya chúng con,
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.

Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.

- Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.

- Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.

Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới... rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng  điều hợp.
1 . Với một vị xuất gia trong Phật Pháp thì điều nào là ưu tiên chánh đáng để hướng cầu? - TT Pháp Đăng
2. Từ câu nói "duy tuệ thị nghiệp" , người xuất gia có thể lấy trí tuệ làm sự nghiệp chăng? - ĐĐ Pháp Tín
3.  Tại sao chúng ta thường dễ thoả mãn với mức độ nào đó trong sự tu học mà không tiếp tục đi tới? - TT Tuệ Siêu
 4.  Nếu một tăng sĩ chỉ chuyên tâm học hỏi, nghiên cứu Phật Pháp mà không tu tập thì theo Phật Pháp có đáng tán thán chăng? - TT Pháp Đăng
  5.  Làm thế nào để hoan hỷ với sự học hỏi Phật Pháp mà không chấp thủ, dính mắc?- ĐĐ Pháp Tín