Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Chương Ba Pháp
XIII. Phẩm Kusinàra
127. Anuruddha (1)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, con thấy phần lớn các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?
2. - Do đầy đủ ba pháp, này Anuruddha, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba?
Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân vào buổi sáng sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của xan lẫn; vào buổi trưa sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của tật đố; vào buổi chiều sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh cấu uế của dục tham. Do đầy đủ với ba pháp này, này Anuruddha các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
128.- Anuruddha (2)1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta:
- Thưa Tôn giả Sàriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ.
2. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới". Ðây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: "Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm", đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ"; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.
3. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau môt thời gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa.
II. Thảo Luận: TT Tuệ Quyền điều hợp.
1. Giải thích câu Phật Ngôn "nữ nhân là bạn lành của Samon nhưng là kẻ thù của phạm hạnh" có ý nghĩa như thế nào trong tinh thần pháp và luật này. ĐĐ Nguyên Thông
2. Giải thích câu Phật Ngôn "nữ nhân là bạn lành của Samon nhưng là kẻ thù của phạm hạnh" có ý nghĩa như thế nào trong tinh thần pháp và luật này. TT Tuệ Quyền
3. Tu tập như thế nào để được kiếp sau tái sanh làm người và việc tu hành không rời xa giáo pháp và không bị "ngũ giới bất trì , nhân thiên lộ triệt? TT Tuệ Quyền
4. Trong câu " giới năng sanh định, định năng sanh tuệ". Phải chăng phải tu tập về giới mới sanh định và sanh tuệ? - ĐĐ Nguyên Thông
III. Đố Vui
No comments:
Post a Comment