Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Chương Ba Pháp
XIV. Phẩm Kẻ Chiến Sĩ
137.- Ngựa Chưa Ðược Ðiều Phục
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về ba loại ngựa chưa được điều phục và Ta sẽ giảng về ba hạng người chưa được điều phục. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba loại ngựa chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối: bề cao, chu vi, bề ngoài. Nhưng ở đây, này các Tỷ kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, và cân đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa chưa được điều phục.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba hạng người chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Nhưng ở đây, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, và cân đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa được điều phục.
2. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Ðây là khổ"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ tập"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ diệt"; như thật rõ biết: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị ấy lại ngập ngừng không có trả lời. Ðây Ta nói trong nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không có nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Ðây là khổ"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ tập"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ diệt"; như thật rõ biết: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị ấy trả lời là không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy không có nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
4. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Ðây là khổ"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ tập"; như thật rõ biết: "Ðây là khổ diệt"; như thật rõ biết: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Ðây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Ðây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy có nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa có cân đối.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Có những người tu thì giỏi, thường chịu khó làm công quả, ngồi thiền, cung kính nhưng không giỏi về thuyết pháp giảng dạy. Phải chăng, có những người giỏi thuyết pháp nhưng không siêng về thực hành. Phải chăng người siêng làm thì không siêng nói, và người siêng nói thì không siêng làm, và cũng có người không siêng làm cũng không siêng nói, có những người vừa siêng làm vưà siêng nói? TT Pháp Đăng2. Qua bài học hôm nay, phải chăng một vị tỳ kheo trên đường tu tập nên quân bình trong sự thắp sáng Phật Pháp thấy được Tứ Đế, có trí văn và có thể nhiếp phục quần chúng chứ không nên tập trú vào một thứ? - TT Pháp Tân
3. Một vị tỳ kheo có khả năng nhiếp phục quần chúng là do phước hay do tài? - TT Tuệ Quyền
4. Thường một người xin vào chùa tu tập chúng ta đánh giá rất đại khái vì không ai biết rõ tương lai của người đó ra sao, có người thấy có tiềm năng nhưng lại không tu lâu dài được, có những vị trông rất bình thường mà lại tu lâu dài. Có thể nào nhận định chính xác về sự tu tập của một người hay chỉ là chuyện hên xui? - ĐĐ Pháp Tín
III. Tường trình về Phật Giáo Thế Giới
1. TT Giác Đẳng nói về văn hóa phong tục của người Tây Phương trong ngày đầu năm
Minh Hạnh chuyển biên
Lời phát nguyện 10 điều trong ngày đầu năm của một Phật tử người Mỹ Mac Valentine. TT Giác Đẳng việt dịch.
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng:Trong văn hóa của người Tây Phương ngày Tết Dương Lịch không phải một ngày thật sự vui, dĩ nhiên họ có một vài chương trình thí dụ như đếm ngược hay tụ tập một nơi nào đó có tiệc tùng nhưng mà đa phần không khí tưng bừng và sự hào hứng đã bị ngày Noel của Ki tô giáo hay là Hanukkah của Do Thái giáo đã làm cho ngày Tết Dương Lịch giống như ở tại quốc gia nền văn hóa khác khi bắt đầu ngày đầu năm.
Nhưng dù sao đi nữa thì sống nhiều năm ở Hoa Kỳ chúng tôi thấy có một phong tục tương đối đẹp, người ta có lời phát nguyện hay lời tự hứa (resolution) cho năm mới. Điều này người ta thường làm trong hai dịp: một là ngày sinh nhật của mình, 2 là ngày đầu năm. Và thường ngày đầu năm người ta thường hay có suy tư như vậy.
Một người Phật tử Mỹ, anh Mac Valentine đã viết những tâm nguyện nhân ngày đầu năm có 10 điều và điều này một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa Tây Phương và truyền thống Phật giáo.
Chúng tôi xin đọc sơ 10 điều này để chia sẻ với qúi Phật tử :
1 - Điều đầu tiên : Nhân năm mới mong mỏi rằng anh sẽ chăm sóc về thân mình nhiều hơn bằng cách mỗi ngày buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy anh dùng sự chú ý của mình để quét toàn thân của mình từ đỉnh đầu cho đến chân để mình có thể cảm nhận và ghi nhớ rằng thân của mình cần được chăm sóc bằng cách tiết chế trong sự ăn uống, thân của mình là một phương tiện rất tốt để cho mình tu tập, mình phải bảo quản tốt. Và thân của mình có những sự thay đổi có thể già đi mà mình không thể đòi hỏi rằng thân mình lúc nào cũng như vậy. Đó là điều anh mong được làm trong năm mới.
2 - Anh cũng mong một điều rằng ở trong năm mới anh có thường thể bỏ thì giờ để tu tập tâm từ bi. Tâm từ bi theo anh là anh có những thời giờ để anh cảm nhận được tình thương của những người chung quanh nhiều hơn và anh nghĩ rằng nếu mà mình không cảm nhận được tình thương của người khác thì mình không thể biết được thế nào là chất liệu thật sự của yêu thương để cho người khác, ví dụ mình đi đâu đó về bà mẹ nấu một bữa cơm rất tươm tất cho mình ăn, bữa cơm đó hoàn toàn là do tình thương và mình phải cảm nhận và mình không nên coi thường, hay hoặc giả là trong những lúc chúng ta bịnh có người nào đó bỏ thì giờ đến để nấu cho chúng ta một món súp hay một món cháo thì thay vì chúng ta chỉ nhận ăn món súp món cháo đó thôi thì chúng ta có ít thì giờ để cảm nhận rằng đó là tình thương .
Rồi anh cũng phát nguyện năm mới chúng ta cũng ban bố tình thương của mình, chia sẻ tình thương của mình với người khác, có những người họ cũng cần đến tình thương cần đến sự quan tâm và chúng ta có thể cho họ được cảm nhận một điều rằng họ được thương họ được qúi họ được quan tâm.
3 - Điều thứ ba anh phát nguyện là sự tha thứ hay sự bao dung. Anh mong khởi đầu năm anh có những giờ phút có thể cảm nhận được nỗi đau của oan kết, nỗi đau của hận thù. Và anh hiểu trọn vẹn nỗi đau đó là bi kịch tự nhiên của kiếp nhân sinh. Anh mong rằng mọi người tha thứ cho mình cũng như mong mình có thể tha thứ cho cuộc đời.
4 - Điều thứ tư: Anh mong mỏi mình sẽ sống với sự trở về. Trở về theo điều Đức Phật dạy là vùng đất của tổ phụ vùng đất của thân quen. Đời sống chúng ta luôn luôn dõi mắt về vùng trời xa xăm và luôn luôn trôi dạt luôn luôn bị lôi kéo bởi nhiều thứ. Nhưng một thứ có thể nói rất tốt rất bền chặt là chúng ta trở về với thân tâm mình. Anh mong rằng anh có được những giờ phút để ngồi ngưng lại tất cả công việc để nhìn vào hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng và cảm nhận rằng giây phút mình đang sống ở đây giây phút cần được ý thức cần được quán chiếu chánh niệm một cách trọn vẹn về sự hiện hữu của mình ở trong giờ phút này, không phải là chuyện nghĩ quá nhiều về những cái đã qua hay mơ mộng nhiều về chuyện sắp đến. Và bây giờ nhìn vào hơi thở, hơi thở ra hơi thở vào để cảm nhận được sự hiện hữu của mình trong giờ phút này, đem sự chú ý trở về với hiện tại. Và trên mảnh đất hiện tại đó điều Đức Phật dạy đó là vùng đất của tổ phụ vùng đất thân quen, vùng đất thân quen đó đủ cho chúng ta có đủ minh triết biết về cuộc sống của chính mình đi đâu về đâu.
5 - Điều phát nguyện thứ 5 ở trong năm mới: sẽ nói những lời nói chánh ngữ, những lời nói cẩn trọng, không để lời nói mình trở thành lời chia rẽ, không để lời nói mình làm đau khổ người khác, không để lời nói mình sai sự thật, và cũng không để lời nói mình trở thành vô ích.
6 - Điều thứ 7 : Anh cũng phát nguyện rằng không phải gìn giữ lời nói theo cách chánh ngữ mà anh sẽ cố gắng tập nghe nhiều hơn. Lắng nghe là một cách sống, một cách hưởng thụ, một cách học hỏi. Anh sẽ trở lại những nơi có những bài nói chuyện lợi ích để lắng nghe. Anh sẽ nghe bằng tâm thư thới, thỉnh thoảng trở lại với hơi thở ra vào và sau đó tiếp tục lắng nghe, và lắng nghe với sự tôn trọng người nói thì điều đó là chánh niệm ở trong sự lắng nghe.
7 - Điều thứ 7 anh muốn phát nguyện để có một ý thức minh mẫn về con đường đi của mình, thế nào là đạo. Anh là một Phật tử anh muốn có ý thức rõ hơn về con đường Đức Phật dạy. Anh là một người sống trên trái đất này và không hủy diệt, không làm phương hại, không làm ô nhiễm trái đất. Anh là người tin Phật, anh muốn làm sao đời sống hàng ngày có làm cái gì đó theo lời Đức Phật dạy dù nhỏ dù lớn.
8 - Điều thứ 8: Anh phát nguyện sẽ chánh niệm đối với cảm xúc của mình. Anh phát nguyện ở trong sự giận dữ, ở trong sự buồn nản, ở trong sự bực bội thay vì phản ứng mạnh mẽ, thay vì chửi mắng, thay vì công kích, thay vì nói những lời để tự vệ thì anh phát nguyện sẽ ngồi xuống trong sự yên lặng, ngồi xuống giữa cơn bão để cảm nhận trọn vẹn cái bực bội cái khó chịu cái khổ đau cái tức tối trong lòng và tập nhìn như Đức Phật dạy Thọ Quán Niệm Xứ và anh sẽ tìm ra một phương pháp để chữa trị những cảm xúc vui buồn bằng chánh niệm của mình hơn là đòi hỏi người khác phải thoả mãn cho mình.
9 - Lời phát nguyện thứ 9: Anh muốn phát nguyện ở trong năm tới anh tập lắng tâm nhìn vào thói tật, nhìn vào sự dính mắc, nhìn vào hệ lụy của bản thân mình. Có những cái không đáng mà mình quá thích, có những cái không tốt mà mình quá dính mắc, có những cái không an lạc mà mình không buông bỏ được. Thì anh xin nhìn vào điều đó, nhìn để tháo gỡ đi những dính mắc.
10 - Và sau cùng anh phát nguyện sẽ sống nhìn thấy thế giới này là một sự kết hợp của nhiều nhân, nhiều duyên, nhiều yếu tố. Mình không làm chủ tất cả do đó mình không đòi hỏi cuộc đời phải thế này thế khác, nhưng mình hiểu lời nói hành động ý nghĩ của mình ảnh hưởng đến chung quanh, nó là một phần sẽ ảnh hưởng, do đó mình sống có trách nhiệm.
Thì 10 điều phát nguyện mà anh Mac Valentine viết ở trong bài viết này nhân đầu năm không nhắc chữ nào đến chữ Phật, không nhắc chữ nào đến chữ Phật Pháp, nhưng đó là những phát nguyện rất là đẹp, chúng ta sống có chánh niệm và hướng sự chánh niệm đó vào trong thân của mình vào trong cảm xúc của mình vào sự phát huy những sức mạnh nội tại và ý thức rõ ràng về sự có mặt màu nhiệm của chúng ta ở giữa cuộc đời này. Mỗi chúng ta đều có những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống nhưng mà nếu trong năm mới chúng ta nhìn lại và định đặt cho mình những giá trị tốt đẹp thì nói như lời Đức Phật dạy ở trong bài Kinh Thắng Hạnh ngày nào thân hiền thiện, khẩu hiền thiện, ý hiền thiện đó là ngày cát tường đó là giờ phút hanh thông, đó là thời khắc thịnh đạt ./.
No comments:
Post a Comment