Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Chương Bốn Pháp
XVII. Phẩm Ðạo Hành
(IV) (164) Kham Nhẫn (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưởi mắng lại kẻ đã chưởi mắng, sân hận lại với kẻ đã sân hận, gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với nhãn căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe tiếng không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với nhĩ căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhĩ căn, sống với sự chế ngự nhĩ căn. Khi mũi ngửi hương không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với tỷ căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì tỷ căn, sống với sự chế ngự tỷ căn. Khi lưỡi nếm vị không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với thiệt căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì thiệt căn, sống với sự chế ngự thiệt căn. khi thân cảm xúc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với thân căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì thân căn, sống với sự chế ngự thân căn. Khi ý biết pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì ý căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, thọ trì ý căn, sống với sự chế ngự ý căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là đạo hành an tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu, không có chấp nhận sân tầm khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm khởi lên ... không có chấp nhận các pháp ác bất thiện tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(V) (165) Kham Nhẫn (2)
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; không kham nhẫn những hình thức chưởi mắng, phỉ báng, không thể chịu đựng được cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người kham nhẫn lạnh, nóng ... chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng chung ... (như kinh 164.4). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành an tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chấp nhận dục tầm khởi lên ... (như kinh 164.5) ... Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
(VI) (166) Với Các Chi Tiết
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? Ðạo hành khổ, thắng trí chậm; Ðạo hành khổ, thắng trí nhanh; Ðạo hành lạc, thắng trí chậm; Ðạo hành lạc, thắng trí nhanh.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này khổ, thắng trí chậm. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này về cả hai phương diện gọi là hạ liệt. Vì đạo hành này là khổ, do duyên này, đạo hành được gọi là hạ liệt. Vì đạo hành này thắng trí chậm, do duyên này, đạo hành được gọi là hạ liệt. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này về cả hai phương diện gọi là hạ liệt.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này là khổ, thắng trí nhanh. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này do đau khổ nên gọi là hạ liệt.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này là lạc, thắng trí chậm. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này do chậm nên gọi là hạ liệt.
5. Tại đây, này các Tỷ-kheo, đạo hành này lạc, thắng trí nhanh. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này cả hai phương diện, được gọi là thù thắng. Ðạo hành này lạc, do duyên này, đạo hành được gọi là thù thắng. Ðạo hành này nhanh chóng, do duyên này, đạo hành được gọi là thù thắng. Này các Tỷ-kheo, đạo hành này cả hai phương diện, được gọi là thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
Thảo luận 1: Từ ngữ kham nhẫn -Khamà - ở đây có giống với nhẫn nại -khanti-? TT Tuệ Siêu Thảo luận 2: Bốn đạo hành: không có kham nhẫn, có kham nhẫm, nhiếp phục và và an tịnh nếu so sánh phải chăng có sự sai biệt trong sự thù thắng? ĐĐ Pháp Tín
III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1: Đạo hành (patipadà) chỉ cho điều nào sau đây?
A. Sống đạo
/ B. Hành trì thiện pháp có mục đích
/ C. Tôi luyện bản thân
/ D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án câu 1 là D
Trắc nghiệm 2: Người nào sau đây được xem là người tu thuộc hạng thứ nhất?
A. Chấp nhận khó khăn trong cuộc tu
/ B. Tu với sự tầm cầu những điều thoải mái
/ C. Tu tập với sự an tịnh nội tại
/D. Tu tập với sự cẩn trọng với ngoại cảnh
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án câu 2 là B
Trắc nghiệm 3: Người nào sau đây được xem là người tu thuộc hạng thứ hai?
A. Chấp nhận khó khăn trong cuộc tu
/ B. Tu với sự tầm cầu những điều thoải mái
/ C. Tu tập với sự an tịnh nội tại
/D. Tu tập với sự cẩn trọng với ngoại cảnh
TT Tuệ Siêu cho đáp án câu 3 là A
A. Chấp nhận khó khăn trong cuộc tu
/ B. Tu với sự tầm cầu những điều thoải mái
/ C. Tu tập với sự an tịnh nội tại
/D. Tu tập với sự cẩn trọng với ngoại cảnh
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án câu 4 là D
No comments:
Post a Comment