Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Chương Bốn Pháp
XXV. Phẩm Sợ Hãi Phạm Tội
(I) (241) Phạm Tội (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi xuống một bên:
- Này Ananda, sự tranh chấp ấy đã được chấm dứt chưa?
- Từ đâu, bạch Thế Tôn, sự tranh chấp ấy sẽ chấm dứt được? Bàhiya, vị đồng trú với Tôn giả Anuruddha hoàn toàn đứng về phía hòa hợp tăng. Do vậy, Tôn giả Anuruddha nghĩ rằng không nên nói một lời nào.
- Này Ananda, có khi nào Anuruddha lại can thiệp vào những vấn đề tranh chấp giữa chúng Tăng? Phải chăng, này Ananda, khi nào có vấn đề tranh chấp gì khởi lên, chính hai Thầy Sàriputta và Moggallàna làm chấm dứt tất cả tranh chấp ấy?
2. Này Ananda, do thấy bốn lợi ích này, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Ananda, kẻ ác Tỷ-kheo, do theo ác giới, theo ác pháp không trong sạch, sở hành đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải Sa-môn nhưng tự xưng là Sa-môn, không hành Phạm hạnh nhưng tự xưng là hành Phạm hạnh, nội tâm mục nát, đầy ứ dục vọng, một đống rác dơ bẩn. Vị ấy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết Ta là ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh ... một đống rác dơ bẩn; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ nhất này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
3. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo có tà kiến, thành tựu với chấp thủ biên kiến, vị ấy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết Ta là có ác tri kiến, chấp thủ tri kiến; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ hai này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
4. Lại nữa, này Ananda, ác Tỷ-kheo có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết Ta có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ ba này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
5. Lại nữa, này Ananda, ác Tỷ-kheo tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị khinh miệt; Vị ấy suy nghĩ như sau: "Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết Ta là tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị khinh miệt; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta". Này Ananda, do thấy lợi ích thứ tư này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Do thấy bốn lợi ích này, này Ananda, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
II. Thảo Luận: TTGiác Đẳng điều hợp.
Thảo luận 1. Phá hoà hợp Tăng là một trong ngũ nghịch đại tội. Nếu một người đã gây ra bất hoà rồi sau tìm cách hàn gắn, và đã thành công, thì còn xem là đã phạm ngũ nghịch (chắc chắn sanh vào địa ngục)? TT Pháp Tân
Thảo luận 2. Phá hoà hợp tăng vì sự nông nỗi nhất thời có khác biệt với chủ tâm chia rẽ Tăng chúng? TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Tạo bất hoà giữa hai tỳ kheo có gọi là phá hoà hợp tăng? TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. Trong sự bất hoà giữa chư tăng Kosambi ai là người phạm điều "phá hoà hợp tăng"? TT Tuệ Siêu
III. Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment