Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Chương Năm Pháp
XV. Phẩm Tikandaki
(I) (141) Cho Là Khinh
1. - Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?
2. Sau khi cho, khinh rẻ; sau khi cùng sống, khinh rẻ; miệng nuốt tất cả; người không vững chắc; người ám độn ngu si. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người sau khi cho, khinh rẻ?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho người khác các đồ nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ: "Ta là người cho, người này là người nhận". Sau khi cho, vị ấy khinh rẻ (người nhận).
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi cho, khinh rẻ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, sau khi sống chung, khinh rẻ?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cùng sống với người, hai hay ba năm. Do sống với người ấy, vị ấy khinh rẻ người ấy.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi sống chung, khinh rẻ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người miệng nuốt tất cả?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi nghe người ta tán thán hay chỉ trích người khác, liền mau mắn thích thú.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người miệng nuốt tất cả. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không vững chắc?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có lòng tin nhỏ bé, có lòng tín ngưỡng nhỏ bé, có lòng ái mộ nhỏ bé, có tịnh tín nhỏ bé.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không vững chắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ám độn ngu si?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không biết các pháp thiện, bất thiện, không biết các pháp tội, không tội, không biết các pháp hạ liệt, thù thắng, không biết các pháp dự phần đen trắng.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ám độn ngu si.
Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng Điều Hành
III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Câu tục ngữ nào sau đây nói lên " hạng người cùng sống với người, hai hay ba năm. Do sống với người ấy, vị ấy khinh rẻ người ấy" ?
A. Được đằng chân lân đằng đầu /
B. Ở gần chùa kêu Phật bằng anh /
C. Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi /
D. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
TT Giác Đẳng cho đáp án Câu Số 1: B
Trắc nghiệm 2. Cử chỉ nào sau đây của những người Phật tử khi cúng dường vào bình bát chư tăng cho thấy là không phải "cho người khác các đồ nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ: "Ta là người cho, người này là người nhận". Sau khi cho, vị ấy khinh rẻ (người nhận)."?
A. Lựa chọn vị trưởng lão cúng dường /
B. Cúng dường với thức ăn ngon /
C. Tháo nón, cởi giày dép khi đặt thực phẩm vào bình bát chư tăng đang đi khất thực /
D. luôn cúng tịnh tài cùng với thực phẩm
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 2 : C .
Trắc nghiệm 3. Theo bài kinh hôm nay thì yếu tố nào khiến một người có tâm tính thất thường?
A. Niềm tin yếu ớt, nhỏ bé /
B. Sức khoẻ có vấn đề /
C. Nghèo /
D. Ham vui
TT Tuệ Siêu cho đáp án Câu Số 3: A.
Trắc nghiệm 4. Từ vựng nào sau đây thích hợp để nói về "người khi nghe người ta tán thán hay chỉ trích người khác dễ dàng xiêu lòng." ?
A. Người có tật ba phải /
B. Người cả tin /
C. Người thiếu chủ kiến /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 4: D .
Trắc nghiệm 5. Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự ám độn theo bài kinh hôm nay là gì?
A. Không có học thức cao /
B. Chậm hiểu /
C. Không phân biệt được chánh tà , thiện ác/
D. Không có đủ can đảm
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 5 : C
No comments:
Post a Comment