Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Chương Năm Pháp
(XIV. Phẩm Vua
(IV) (134) Tại Mỗi Phương Hướng
1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sống tại phương hướng nào, vị ấy sống trong lĩnh vực mình chiếm đoạt được. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà giàu có, đại phú, sung túc tài sản, ngân khố, kho lúa sung mãn; có uy lực, đầy đủ bốn loại binh chủng trung thành và sẵn sàng tuân lệnh. Vị tư lệnh là bậc Hiền trí, tinh luyện, sáng suốt và có suy tư về những vấn đề quá khứ, vị lai, hiện tại. Và bốn pháp này khiến danh xưng vị ấy được chín muồi. Thành tựu với pháp danh xưng thứ năm này, tại phương hướng nào vị ấy trú ở, vị ấy sống trong lãnh vực mình chiếm đoạt được. Vì sao? Vì như vậy là địa hạt của những người thắng trận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo sống tại phương hướng nào, vị ấy sống với tâm giải thoát. Thế nào là năm?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận, và học tập trong các học pháp. Như vậy giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ về thọ sanh. Vị ấy là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, đối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, đối với các pháp như vậy được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, giàu có, đại phú, sung túc tài sản, ngân khố, kho lúa sung mãn, sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ uy lực, có trí tuệ, thành tựu với trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập thuộc bậc Thánh vào con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ với vị tư lệnh. Bốn pháp này khiến sự giải thoát của vị ấy được chín muồi. Thành tựu với pháp giải thoát thứ năm này, vị ấy trú tại phương hướng nào, vị ấy trú với tâm giải thoát. Vì sao? Vì như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là (địa hạt) của những tâm giải thoát.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng Điều Hành
Thảo luận 1. Lấy hình ảnh một vị vua để là thí dụ cho một tỳ kheo tu tập có làm tăng sự kiêu mạn của một tăng sĩ? - TT Tuệ QuyềnThảo luận 2. Tại sao "thành tựu với trí tuệ về sanh diệt" lại có ý nghĩa quan trọng với một người tu tập? TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Sự tinh cần là nhân hay là quả của sự tu tập? TT Pháp Tân
Thảo luận 4. Điều 2 và điều 4 đều nói tới tri kiến nhưng khác biệt thế nào? - TT Tuệ Quyền
III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Thí dụ nào sau đây được Đức Phật sử dụng để chỉ cho một tỳ kheo tu tập?
A. Một vị vua Sát đế lỵ /
B. Một tuấn mã được thuần hoá /
C. Một khúc gỗ trôi ra biển /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án Câu Số 1: D
Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây được xem là SAI nếu y cứ vào ý nghĩa của bài kinh hôm nay?
A. Như vị vua có huyết thống thanh tịnh không ai gièm pha được, vị tỳ kheo là người có giới thanh tịnh /
B. Như vị vua với quốc khố sung túc, vị tỳ kheo là người có tri kiến quảng bác /
C. Như vị vua có binh lực hùng hậu, vị tỳ kheo là người có danh xưng rộng lớn
/D. Như vị vua có một quân sư tài trí, vị tỳ kheo là người có tuệ giác
TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu Số 2: C .
Trắc nghiệm 3. Sự an nhiên tự tại chân thực của một tỳ kheo tu tập trong bài kinh nầy có được do điều nào sau đây?
A. Do có chùa chiền to lớn /
B. Do có nội hàm là giới, kiến văn quảng bác, nghị lực đầy đủ, tuệ giác /
C. Do có chức vụ quan trọng /
D. Do có học vị cao
TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 3: B
No comments:
Post a Comment