Saturday, April 15, 2017

Bài học. Thứ Bảy ngày 15-4-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư:  TT Pháp Tân

Chương Năm Pháp
 XVIII. Phẩm Nam Cư Sĩ

(VIII) (178) Các Vua

1. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi do nhân từ bỏ sát sanh, các vua bắt người ấy sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi do nhân từ bỏ sát sanh, các vua bắt người ấy sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn!" Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này sát hại sinh mạng của nữ nhân hay nam nhân". Rồi các vua bắt người ấy, do nhân sát hại sinh mạng, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này lấy của không cho gọi là ăn trộm, từ làng hay từ khu rừng. Rồi các vua bắt người ấy, do duyên lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

3. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn!" Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này có tà hạnh với những người đàn bà của người khác, với những thiếu nữ của người khác. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, hay có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

4. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy và có nghe như sau không: "Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này do nói láo, phá hoại hạnh phúc của người gia chủ hay con người gia chủ". Rồi các vua bắt người ấy, và do nhân nói láo, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy hay có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

5. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: "Người này đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, sát hại, bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Người này đoạn tận đắm say rượu men rượu nấu. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: "Người này do đắm say rượu men rượu nấu, lấy của không cho, gọi là ăn trộm từ làng hay từ khu rừng; người này do nhân đắm say rượu men rượu nấu, có tà hạnh đối với những nữ nhân của các người khác, đối với các thiếu nữ của những người khác; người này do nhân đắm say rượu men rượu nấu, nói láo, phá hoại hạnh phúc người gia chủ hay con người gia chủ. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân đắm say rượu men rượu nấu, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn". Các Thầy có thấy như vậy, có nghe như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy, có nghe như vậy và sẽ được nghe như vậy nữa.


II. Thảo Luận:TT Giác Đẳng điều hợp


 III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây có thể được xem là phù hợp với bài kinh hôm nay? 
A. Người không trộm cắp thì không bao giờ bị tội vạ luật vua phép nước /
 B. Không có luật pháp nào bắt tội một người vì không trộm cắp /
 C. Có những quốc độ sự trộm cắp được chấp nhận /
 D. Người có giới được chư thiên che chở không bao giờ gặp khổ nạn

TT Giác Đẳng cho đáp án Câu Số 1 :  B

Trắc nghiệm 2. Năm học giới: Không sát hại sinh vật, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục vọng, không nói sai sự thật, không say sưa nói theo luật đời thì điều nào sau đây chính xác? 
A. Không có nền pháp trị nào bắt tội vì thực hành năm giới đó / 
B. Ngũ giới có giá trị tốt đẹp trong cả hai phương diện đạo cũng như đời /
 C. Người giữ ngũ giới có thể gọi là có cuộc sống vô hại /
 D. Cả ba điều trên

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 2: D

Trắc nghiệm 3. Quốc gia nào sau đây mà tinh thần "bất hại - ahimsa" được xem là một trong nền tãng của văn hoá dân tộc? 
A. Nga / 
B. Trung Hoa /
 C. Ấn Độ /
 D. Miến Điện

TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 3: C

 Trắc nghiệm 4. Người con Phật sống với lòng từ, với tinh thần bất hại với tâm niệm nào sau đây được xem là đúng với theo Phật Pháp?
 A. Sống với lòng từ vì tâm từ /
 B. Sống với lòng từ để tiếng tốt đồn xa /
 C. Sống với lòng từ vì để cuộc sống được an toàn không bị tai vạ / 
D. Sống với lòng từ để được cộng trú với phạm thiên

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 4 : A .

Trắc nghiệm 5. Câu nào sau đây nói lên tinh thần cốt tuỷ của ngũ giới? 
A. Đó là giới luật áp dụng chung cho cả hai giới xuất gia và tại gia /
 B. Tinh thần cốt tuỷ của ngũ giới là tôn trọng sự sống của chúng sanh, tôn trọng vật sở hữu của người khác, tôn trọng nhân cách của người khác, tôn trọng  người khác bằng cách không lừa dối, tôn trọng sự an bình của xã hội bằng sự không say sưa / 
C. Vì tạo phước /
 D. Vì là điều răn của tôn giáo

TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 5 : B

No comments:

Post a Comment