Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Chương 5
XXV. Phẩm Ác Hành
(IX) (248) Nghĩa Ðịa
1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa. Thế nào là năm?
2. Bất tịnh, hôi thúi, đáng sợ hãi, trú xứ các phi nhân hung bạo, làm cho quần chúng than khóc.
Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa.
3. Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong người được ví như nghĩa địa. Thế nào là năm?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh. Ta nói rằng đây là sự bất tịnh của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự bất tịnh ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
5. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, tiếng ác được đồn khắp. Ta nói rằng đây là mùi hôi thúi của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, mùi hôi thúi ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
6. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh tránh né đứng xa. Ta nói rằng đây là sự đáng sợ hãi của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự đáng sợ hãi của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
7. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, sống chung với những hạng người cũng đồng chung với nếp sống ấy. Ta nói rằng đây là trú xứ hung bạo của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, trú xứ các phi nhân hung bạo của nghĩa địa, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
8. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh này, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh thấy vậy trở thành bất mãn và nói: "Ôi thật là khổ cho chúng tôi, chúng tôi phải chung sống với những người như vậy". Ta nói rằng đây là làm cho quần chúng than khóc của người ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, nghĩa địa là chỗ làm cho nhiều người than khóc, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.
Ðây là năm nguy hại, này các Tỷ-kheo, trong người được ví như nghĩa địa.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp
Thảo luận 1. Tại sao đa số chúng sanh đều thích thú với những gì tốt đẹp nhưng phần đông lại tạo những điều ác xấu? - TT Pháp Tân
Thảo luận 2. Tại sao phần lớn Phật tử ưa nghĩa về những điều cao siêu, huyền bí mà quên hẳn những ý nghĩa thực tiễn của Phật Pháp trong đời sống? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 3. Có thể nào một người tâm tốt mà hành động và lời nói lại không tốt? (như khẩu xà tâm Phật) - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Làm thế nào để chuyển đổi cuộc sống từ ác hành sang hiền thiện? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 6. Cái vui của sở hành bất thiện có gọi là phước chăng? - TT Tuệ Quyền
III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Người sống với thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp hiền thiện tạo nên những ảnh hưởng nào sau đây?
A. Khiến người chung quanh có cảm giác bình an /
B. Khiến xã hội bớt những xáo trộn /
C. Khiến người thân bớt lo sợ /
D. Cả ba câu trên
TT Tuệ Quyền cho đáp án câu 1 là D
Trắc nghiệm 2. Một người tu Phật có thể hướng thiện, hướng thượng bằng cách nào sau đây?
A. Thành thật cảm nhận trạng thái nội tâm an lạc hay phiền não /
B. Lưu tâm xem cuộc sống của mình mang lại vui hay buồn cho người chung quanh/
C. Thường tự hỏi mình tin Phật nhưng có thường nhớ nghĩ lời Phật dạy /
D. Cả ba câu trên
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 2: .D
Trắc nghiệm 3. Nói đến thiện ác thì Phật pháp đề cập đến phương diện nào sau đây?
A. Nhân quả /
B. Khéo và không khéo /
C. Lợi ích và vô ích /
D. Cả ba câu A, B, C
TT Pháp Tân cho đáp án câu 3 là D
No comments:
Post a Comment