Friday, June 22, 2018

Bài học. Thứ Bảy ngày 23-6-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Chương X - Mười Pháp

 X. Phẩm Nam Cư Sĩ


(II) (92) Sợ Hãi Và Hận Thù

1. Bấy giờ có Gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, ... Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử làm cho lắng dịu năm sợ hãi hận thù, thành tựu bốn chi phần Dự lưu, khéo thấy, khéo thể nhập Thánh lý với trí tuệ; nếu vị ấy muốn, có thể tự trả lời với mình rằng: "Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận bàng sanh; ta đã đoạn tận ngạ quỷ; Ta đã đoạn tận các cõi dữ, ác thú, đọa xứ; ta đã chứng Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng đạt cứu cánh giác ngộ." Thế nào là năm sợ hãi hận thù được làm cho lắng dịu?

3. Này Gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

4. Này Gia chủ, lấy của không cho... tà hạnh trong các dục... nói láo... đắm say trong rượu men, rượu nấu; do duyên đắm say trong rượu men, rượu nấu, tạo ra sợ hãi hận ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến cảm thọ khổ ưu về tâm. Người từ bỏ đắm say trong rượu men, rượu nấu, không tạo ra sợ hãi thù hận ngay hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến cảm thọ khổ ưu về tâm. Với người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù này được lắng dịu.

Năm sợ hãi hận thù này được lắng dịu. Thế nào là thành tựu bốn Dự lưu phần?

5. - Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời." Vị ấy thành tựu với những giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hủy, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến Thiền định.

Ðây là thành tựu bốn chi phần Dự lưu này. Thế nào là Thánh lý được khéo thấy, khéo thể nhập với trí tuệ?

6. - Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử quán sát như sau: "Do cái này có, cái kia có. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có, cái kia không có. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là do duyên vô minh, có các hành. Do duyên các hành có thức. Do duyên thức có danh sắc. Do duyên danh sắc có sáu nhập. Do duyên sáu nhập có xúc. Do duyên xúc có thọ. Do duyên thọ có ái. Do duyên ái có thủ. Do duyên thủ có hữu. Do duyên hữu có sanh. Do duyên sanh có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do vô minh diệt không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt.Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt. Ðây là Thánh lý được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ."

Này Gia chủ, khi nào với vị Thánh đệ tử, năm sợ hãi hận thù này được lắng dịu, bốn Dự lưu phần này được thành tựu, và Thánh lý này được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ, thời nếu muốn, vị ấy có thể tự mình trả lời về mình rằng: "Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận bàng sanh; ta đã đoạn tận ngạ quỷ; ta đã đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ; ta đã chứng được Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng đạt cứu cánh giác ngộ."



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Ngũ giới trong Phật Pháp được ghi nhận với điều nào sau đây?
 A. Tiêu chuẩn căn bản tối thiểu của giới hạnh / 
B. Năm pháp lắng dịu sợ hãi hận thù / 
C. Năm pháp khẳng định một người sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về cảnh giới an lạc /
 D. Cả ba điều trên đều đúng

TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1: D

Trắc nghiệm 2. Một bậc thánh đúng nghĩa theo Phật Pháp có điều nào sau đây? 
A. Có niềm tin bất động ở Tam Bảo / 
B. Không bao giờ có sở hành trái ngược với năm giới /
 C. Không bao giờ có hành vi khuất lấp và có tình che dấu những lầm lỗi của bàn thân / 
D. Ba câu trên đều đúng

TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 2: D

Trắc nghiệm 3. Giáo lý duyên khởi hay duyên sinh dạy điều nào sau đây? 
A. Vô minh và ái chấp chính là “thượng đế” sáng tạo chủ /
 B. Chính tác động và hệ quả của tác động nên không có gì là ngẫu nhiên trong cuộc sống / 
C. Vì vạn hữu sanh khởi do nhiều nhân nhiều duyên nên không có ai, không có điều gì là chủ tuyệt đối /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 3: D

Trắc nghiệm 4. Ông trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) được ghi nhận trong tam tạng kinh điển với điều nào sau đây?
 A. Là bậc thánh nhập lưu /
 B. Là đệ nhất nam cư sĩ trong những đệ tử Phật /
 C. Ông rất thương kính Đức Phật không bao giờ muốn làm phiền Ngài với những câu hỏi, do vậy, Đức Phật thường thuyết pháp cho ông khi thấy thích hợp /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 4: D

   Trắc nghiệm 5. Điều nào sau đây được xem là đúng khi nói về bậc thánh tu đà huờn? 
A. Là bậc không thể có tà kiến dù là thân kiến /
 B. Là bậc không thể sanh vào cảnh khổ /
 C. Là bậc không thể thối chuyển trong niềm tin đối với Tam Bảo /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5: D

Trắc nghiệm 6. Từ vựng nào sau đây đồng nghĩa với bậc thánh sơ quả?
 A. Bậc nhập lưu /
 B. Bậc tu đà huờn /
 C. Bậc thất lai / 
D. Cả ba câu a, b, c.


TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 6: D

No comments:

Post a Comment