Sunday, June 30, 2013

Bài học, Chủ Nhật 30-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

TƯỚNG TRẠNG CỦA ĐỊNH

14. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, định có gì là tướng trạng?” 

“Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng. Tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.” 

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như tất cả các cây đà của ngôi nhà mái nhọn có chóp nhọn là nơi đi đến, có chóp nhọn là nơi quy về, có chóp nhọn là nơi hội tụ. Chóp nhọn được gọi là đỉnh của chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như một vị vua lao vào cuộc chiến đấu cùng với đạo quân gồm có bốn binh chủng, và toàn thể đạo quân gồm các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, và bộ binh có đức vua là vị dẫn đầu, có đức vua là nơi quy về, có đức vua là nơi hướng đến, có đức vua là nơi tiến tới, chúng di chuyển xung quanh đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới. Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, hãy tu tập về định. Vị đã định, nhận biết như thật.’” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”


II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.


Saturday, June 29, 2013

Bài học, Thứ Bảy 29-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tân


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

TƯỚNG TRẠNG CỦA NIỆM


13. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, niệm có gì là tướng trạng?” 

“Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng, có sự nắm lấy là tướng trạng?” 

“Thưa ngài, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là thế nào?” 

“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức chuyển luân vương sáng chiều nhắc nhở cho đức chuyển luân vương về sự vinh quang rằng: ‘Tâu bệ hạ, bệ hạ có chừng này voi, chừng này ngựa, chừng này cỗ xe, chừng này bộ binh, chừng này vàng khối, chừng này vàng ròng, chừng này tài sản, xin bệ hạ hãy ghi nhớ điều ấy,’ và không lơ đễnh về tài sản của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.” 

“Thưa ngài, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là thế nào?” 

“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, nắm lấy quả là như vậy. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy.” 

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như vị tướng quân báu của đức chuyển luân vương biết được điều lợi ích và không lợi ích cho đức vua rằng: ‘Đối với đức vua, các điều này có lợi ích, các điều này không có lợi ích, các điều này hữu dụng, các điều này không hữu dụng,’ nhờ đó bỏ đi các điều không có lợi ích, nắm lấy các điều có lợi ích, bỏ đi các điều không hữu dụng, nắm lấy các điều hữu dụng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta nói rằng niệm quả là có lợi ích về mọi mặt.’” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.


Friday, June 28, 2013

Bài học, Thứ Sáu 28-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch


Bài TƯỚNG TRẠNG CỦA TINH TẤN


12. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tấn có gì là tướng trạng?” 

“Tâu đại vương, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.” 

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như khi ngôi nhà đang sụp đổ, người đàn ông nâng đỡ bằng thanh gỗ khác. Trong khi được nâng đỡ như vậy, ngôi nhà ấy không thể bị sụp đổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như đội binh lớn có thể đánh tan đội binh nhỏ, vì thế có người báo cho đức vua, đức vua cho đội binh khác tiếp ứng, tiếp viện đội binh nhỏ, với đội binh tiếp viện ấy đội binh nhỏ có thể đánh tan đội binh lớn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, có sự tinh tấn vị Thánh đệ tử từ bỏ pháp bất thiện, tu tập pháp thiện, từ bỏ pháp bị chê trách, tu tập pháp không bị chê trách, gìn giữ bản thân trong sạch.’” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”


II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.


Thursday, June 27, 2013

Bài học, Thứ Năm 27-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch




Tướng Trạng Của Tín

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tín có gì là tướng trạng?”

“Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng, và có sự tiến vào là tướng trạng.”

“Thưa ngài, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là thế nào?”

“Tâu đại vương, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như đức chuyển luân vương di chuyển đường xa cùng với đạo quân gồm bốn binh chủng vượt qua vũng nước nhỏ; vũng nước nhỏ ấy bởi các con voi, bởi các con ngựa, bởi các cỗ xe, và bởi các bộ binh, bị khuấy động, bị vẩn đục, bị quậy lên, trở thành bùn lầy. Và khi đã vượt qua, đức chuyển luân vương ra lệnh cho mọi người rằng: ‘Này các khanh, hãy mang nước lại, trẫm sẽ uống nước.’ Và đức vua có viên ngọc ma-ni lọc nước. ‘Tâu bệ hạ, xin tuân lệnh.’ Những người ấy vâng lệnh đức chuyển luân vương và thả viên ngọc ma-ni lọc nước ấy vào trong nước. Ngay khi viên ngọc ấy được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, sau đó họ đã dâng nước uống đến đức chuyển luân vương: ‘Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy uống nước.’

Tâu đại vương, nước là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Số lượng rong rêu và bùn là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Viên ngọc ma-ni lọc nước là như thế nào thì tín nên được xem xét như vậy. Giống như khi viên ngọc ma-ni lọc nước được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, tâu đại vương tương tợ y như thế, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

11. “Thưa ngài, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là thế nào?”

“Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như đám mây lớn ở phía trên núi đổ mưa xuống, nước mưa ấy trong khi di chuyển xuống chỗ thấp, sau khi làm đầy các rãnh, các khe, các suối của ngọn núi, thì có thể làm đầy con sông; con sông trôi chảy ngập tràn hai con đê. Rồi có đám đông người đi đến, trong khi không biết mức độ cạn hay sâu của con sông, sợ hãi, ngần ngại, đứng ở bờ sông. Rồi một người nam đi đến, trong khi nhận biết thể lực và sức mạnh của mình đã buộc chặt chiếc khố rồi tiến vào và vượt qua. Sau khi nhìn thấy người ấy đã vượt qua được, đám đông người cũng vượt qua.

Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu:

Vượt qua cơn lũ nhờ vào tín, vượt qua biển cả nhờ vào sự không xao lãng, vượt lên khổ đau nhờ vào sự tinh tấn, được hoàn toàn trong sạch nhờ vào tuệ.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”


II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.


Wednesday, June 26, 2013

Bài học, thứ Tư 26-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Pháp Đăng


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch




Bài 6: Tướng trạng của Giới

“Thưa ngài, giới có gì là tướng trạng?”

“Tâu đại vương, giới có sự đặt nền tảng là tướng trạng. Giới là nền tảng của tất cả các thiện pháp, của các sự thể nhập các quyền, các lực, các chi phần đưa đến giác ngộ, các Đạo, các sự thiết lập niệm, các chánh tinh tấn, các nền tảng của thần thông, các thiền, các sự giải thoát, các tầng định. Tâu đại vương, đối với người đã đặt nền tảng ở giới thì tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như các loại hột giống và các loài thảo mộc nào đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, tất cả các loại hột giống và các loài thảo mộc ấy đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như các công việc nặng nhọc[1] nào được thực hiện, tất cả các công việc nặng nhọc được thực hiện như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên cho làm sạch sẽ khu vực thành phố, cho dời đi gốc cây và các gai góc, cho làm bằng phẳng, sau đó phân chia khu vực của các con đường, các lô đất vuông, các giao lộ, v.v... rồi mới xây dựng thành phố. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như diễn viên nhào lộn có ý định biễu diễn nghề nghiệp thì cho người đào đất, cho dời đi sạn sỏi mảnh sành, cho làm bằng phẳng, rồi biễu diễn nghề nghiệp ở mặt đất mềm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:

Sau khi đặt nền tảng ở giới, người có trí tu tập tâm và tuệ.

Vị tỳ khưu tinh cần, chín chắn, vị ấy có thể gỡ ra mối rối này.

Đây là nền tảng ví như trái đất đối với các sinh mạng,

và đây là gốc của sự phát triển các điều tốt đẹp,

và đây là phần đầu ở lời dạy của tất cả các đấng Chiến Thắng,

chính là giới uẩn thuộc về giới bổn Pātimokkha cao quý.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”



II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Phải chăng nếu chúng ta không có giới thì chúng ta không thể tiến xa trong lãnh vực thiền định? - TT Tuệ Quyền
2. Một người giữ giới có lợi ích gì? - ĐĐ Pháp Tín
3. Có lời khuyên nào cho người Phật tử về việc giữ giới. - TT Tuệ Quyền
4. Phải chăng chúng ta có thể tu tập thẳng vào việc khai triển tuệ mà không cần đi qua giới và định? - ĐĐ Pháp Tín
5. TT Giác Đẳng nói về hành trì giới


Tuesday, June 25, 2013

Bài học, thứ Ba 25-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đạo

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

Câu hỏi của Vua Milinda



Bài 5: Khéo Tác Ý và Trí Tuệ

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài, tác ý có gì là tướng trạng, tuệ có gì là tướng trạng?”

“Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.”

“Thưa ngài, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là thế nào? Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương có biết về những người gặt lúa không?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm có biết.”

“Tâu đại vương, những người gặt lúa cắt cây lúa như thế nào?”

“Thưa ngài, họ nắm bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm.”

“Tâu đại vương, giống như người gặt lúa nắm lấy bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm, tương tợ y như thế hành giả nắm lấy ý bằng sự tác ý rồi cắt đứt các phiền não bằng tuệ. Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là như vậy, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là như vậy.”






II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Sự khéo tác ý hay chánh tư niệm là do thói quen hay do sự vận dụng khôn khéo của suy nghĩ? - TT Tuệ Siêu

2. Trong chánh văn Pali thì dùng manasikàra (tác ý) thì có được hiểu như là Yoniso manasikàra (như lý tác ý) hay không? TT Tuệ Siêu 

3. Tại sao một người giỏi về nhiều lãnh vực, nhưng có những lãnh vực thì họ lại rất dở. Thì trường hợp này là có trí tuệ hay không có trí tuệ? - TT Pháp Tân

4. Trong ngôn ngữ của Phật Giáo Bắc Truyền có câu " Sở tri chướng" tức là cái biết là sự ngăn ngại. Thì trong trường hợp nào trí tuệ là sự ngăn ngại và trường hợp nào giúp chúng ta thông suốt? ĐĐ Pháp Tín

5. Thông thường cách học của những người Phật tử là theo quan niệm thường thức bên ngoài, nhưng khi chúng ta học vào trạng thái từng pháp thì có sự đòi hỏi nghiên cứu và tìm hiểu. Thì theo kinh nghiêm nếu mình học nhiều quá thì có rối hơn không? - TT Tuệ Quyền




Monday, June 24, 2013

Bài học, thứ Hai 24-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Milinda Vn Đạo

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
Câu hỏi của Vua Milinda
Bài 4 - Tu Chứng và Tái sanh


6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có người nào chết mà không tái sanh?”



Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có người tái sanh, có người không tái sanh.”



“Người nào tái sanh? Người nào không tái sanh?”



“Tâu đại vương, người còn phiền não tái sanh. Người không còn phiền não không tái sanh.”



“Thưa ngài, có phải ngài sẽ tái sanh?”



“Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ, tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ, tôi sẽ không tái sanh.”



“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, chẳng lẽ người ấy không tái sanh do tác ý đúng đường lối?”

“Tâu đại vương, do tác ý đúng đường lối, do tuệ, và do các thiện pháp khác.”

“Thưa ngài, chẳng lẽ tác ý đúng đường lối chính là tuệ?”

“Tâu đại vương, không phải. Tác ý đúng đường lối là cái khác, tuệ là cái khác. Tâu đại vương, đối với hai pháp này, thì các loài dê, cừu, bò, trâu, lạc đà, lừa có sự tác ý, tuy nhiên chúng không có tuệ.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”





II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Chúng ta tôn sùng một người nào đó là chứng đắc thì có hợp lý hay không theo kinh Phật và việc làm đó có đi ngược lại với Phật Pháp không? - TT Tuệ Siêu
2. Với tâm phàm nhân, chúng ta có thể xác chứng một người nào đó là chứng đắc bậc Thánh không? - TT Pháp Tân
3. Chúng ta ngày nay thích tôn xưng người nào đó là Thánh, để chứng tỏ ngày nay trong Phật giáo cũng có người chứng đắc Thánh. Thì như vậy chúng ta có khôn hơn Đức Phật không? - TT Tuệ Quyền
4. Tại sao đa số chúng ta lại không thích chấm dứt sanh tử luân hồi? - ĐĐ Pháp Tín
5. Vua Milinda có phải là một vị vua khéo hỏi và khéo vấn nạn không? Nếu thật sự là  vị khéo hỏi kheó vấn nạn thì xin cho thí dụ về cái khéo ở chỗ nào? - TT Tuệ Siêu
6. Qua tác phẩm Milindapanha thì phải chăng Vua Milinda có nắm vững về Phật Pháp nên mới có những câu hỏi như vậy? - TT Tuệ Siêu
7. Tại sao chánh trí lại có khả năng cắt đứt sanh tử luân hồi? - TT Pháp Tân
8. Trong bài học hôm nay đề cập đến khả năng chấm dứt sanh tử và có chánh trí. Thì Ngài Nāgasena nói rằng ngoài chánh trí còn có các thiện pháp khác. Vậy các thiện pháp khác là gì? - TT Tuệ Quyền
9. Qua ba câu hỏi đầu tiên của Vua Milinda hỏi Ngài Nāgasena tuy là những câu hỏi tổng quát, nhưng lại liên quan đến cá nhân của Ngài Nāgasena. Thì trong trường hợp chúng ta khi người Phật tử hỏi những câu hỏi liên quan đến cá nhân chúng ta, chúng ta bằng cách nào để phản ứng của chúng ta không phiền não  và không đi ngược lại với Phật Pháp? - ĐĐ Pháp Tín
10. TT Giác Đẳng chia sẻ thêm cho câu hỏi số 9



Sunday, June 23, 2013

Bài học, Chủ Nhật 23-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: Chư Tăng

Milinda Vn Đạo

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
Câu hỏi của Vua Milinda

Bài 3 - Xuất gia với mục đích gì?


Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, sự xuất gia của ngài là với mục đích gì? Và mục đích tối hậu của ngài là gì?”



Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm cách nào để cho khổ này diệt, và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy. Còn mục đích tối hậu của chúng tôi là Niết Bàn không còn chấp thủ.”



“Thưa ngài Nāgasena, có phải tất cả đều xuất gia với mục đích này?”



“Tâu đại vương, không hẳn. Một số xuất gia với mục đích này. Một số xuất gia vì sợ hãi đức vua. Một số xuất gia vì sợ hãi kẻ đạo tặc. Một số xuất gia vì bị hành hạ bởi nợ nần. Một số xuất gia vì mục đích nuôi mạng. Những người nào xuất gia chân chánh, những người ấy xuất gia với mục đích này.”



“Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia với mục đích này?”



“Tâu đại vương, tôi đã xuất gia khi còn là đứa bé trai. Tôi không biết là ‘tôi xuất gia với mục đích này.’ Tuy nhiên, tôi đã khởi ý như vầy: ‘Các vị Sa-môn Thích tử này là các bậc trí. Các vị sẽ cho ta học tập.’ Tôi đây đã được học tập với họ, tôi biết và nhận thức rằng: ‘Sự xuất gia là với mục đích này.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”




II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Thấy cuộc đời khổ mà đi tu, thấy trong chùa vui thì muốn đi tu. Thì trong đường dài có ảnh hưởng đến cuộc tu không? Lý do xuất gia ban đầu quan trọng như thế nào đến cuộc tu? - ĐĐ Pháp Tín
2. Hồi còn nhỏ phải nhìn nhận rằng hai huynh đệ chúng ta vào chùa là do niềm hoan hỉ với đời sống trong chùa hơn là chán ngán nỗi khổ của trần gian. Thì câu hỏi là điều đó có ảnh hưởng trên đường dài của đời sống tu tập của chúng ta không?  - TT Tuệ Siêu
3. Do ảnh hưởng văn hóa, một số người xuất gia vào chùa từ nhỏ chưa ý thức rõ ràng mục đích của xuất gia, thì tốt về phương diện nào và không tốt về phương diện nào? - TT Pháp Tân
4. Mục đích chân chính và mục đích quan trọng nhất của đời sống xuất gia là gì? - TT Pháp Đăng
5. Quan niệm của một vị Trụ Trì, một vị Thầy. Khi nhận một người xuất gia thì có nên đòi hỏi người đó có ý thức mục đích xuất gia là gì không hay là nên có thái độ bao dung? - TT Tuệ Quyền
6. Chúng ta có cần trải nghiệm qua sự khổ để có ý thức thoát khổ hay không? - TT Tuệ Siêu
7. Mình xuất gia như thế nào để có phước, và nếu mình thiếu phước thì sự xuất gia của mình như thế nào? - TT Pháp Đăng
8. Có phải muốn xuất gia thì mình phải có duyên với Phật Pháp mới có thể xuất gia? - TT Pháp Tân
9. Người đời nói "muốn tu phải có căn tu". Vậy căn tu là gì? Làm sao biết mình có căn tu hay không? - TT Tuệ Quyền
10. Ý tưởng về sự khổ của đời sống làm chúng ta phấn đấu để tu tập nhưng lại làm chúng ta yếm thế. thì chúng ta làm thế nào để sống với sự đau khổ nhưng vẫn giữ được sự hưng phấn trong sự tu tập hoan hỉ mà tiến tới? - TT Tuệ Siêu