Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
Tướng Trạng Của Tín
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tín có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng, và có sự tiến vào là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đức chuyển luân vương di chuyển đường xa cùng với đạo quân gồm bốn binh chủng vượt qua vũng nước nhỏ; vũng nước nhỏ ấy bởi các con voi, bởi các con ngựa, bởi các cỗ xe, và bởi các bộ binh, bị khuấy động, bị vẩn đục, bị quậy lên, trở thành bùn lầy. Và khi đã vượt qua, đức chuyển luân vương ra lệnh cho mọi người rằng: ‘Này các khanh, hãy mang nước lại, trẫm sẽ uống nước.’ Và đức vua có viên ngọc ma-ni lọc nước. ‘Tâu bệ hạ, xin tuân lệnh.’ Những người ấy vâng lệnh đức chuyển luân vương và thả viên ngọc ma-ni lọc nước ấy vào trong nước. Ngay khi viên ngọc ấy được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, sau đó họ đã dâng nước uống đến đức chuyển luân vương: ‘Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy uống nước.’
Tâu đại vương, nước là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Số lượng rong rêu và bùn là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Viên ngọc ma-ni lọc nước là như thế nào thì tín nên được xem xét như vậy. Giống như khi viên ngọc ma-ni lọc nước được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, tâu đại vương tương tợ y như thế, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
11. “Thưa ngài, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đám mây lớn ở phía trên núi đổ mưa xuống, nước mưa ấy trong khi di chuyển xuống chỗ thấp, sau khi làm đầy các rãnh, các khe, các suối của ngọn núi, thì có thể làm đầy con sông; con sông trôi chảy ngập tràn hai con đê. Rồi có đám đông người đi đến, trong khi không biết mức độ cạn hay sâu của con sông, sợ hãi, ngần ngại, đứng ở bờ sông. Rồi một người nam đi đến, trong khi nhận biết thể lực và sức mạnh của mình đã buộc chặt chiếc khố rồi tiến vào và vượt qua. Sau khi nhìn thấy người ấy đã vượt qua được, đám đông người cũng vượt qua.
Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu:
Vượt qua cơn lũ nhờ vào tín, vượt qua biển cả nhờ vào sự không xao lãng, vượt lên khổ đau nhờ vào sự tinh tấn, được hoàn toàn trong sạch nhờ vào tuệ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
No comments:
Post a Comment