Saturday, June 29, 2013

Bài học, Thứ Bảy 29-6-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tân


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

TƯỚNG TRẠNG CỦA NIỆM


13. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, niệm có gì là tướng trạng?” 

“Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng, có sự nắm lấy là tướng trạng?” 

“Thưa ngài, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là thế nào?” 

“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức chuyển luân vương sáng chiều nhắc nhở cho đức chuyển luân vương về sự vinh quang rằng: ‘Tâu bệ hạ, bệ hạ có chừng này voi, chừng này ngựa, chừng này cỗ xe, chừng này bộ binh, chừng này vàng khối, chừng này vàng ròng, chừng này tài sản, xin bệ hạ hãy ghi nhớ điều ấy,’ và không lơ đễnh về tài sản của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.” 

“Thưa ngài, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là thế nào?” 

“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, nắm lấy quả là như vậy. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy.” 

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như vị tướng quân báu của đức chuyển luân vương biết được điều lợi ích và không lợi ích cho đức vua rằng: ‘Đối với đức vua, các điều này có lợi ích, các điều này không có lợi ích, các điều này hữu dụng, các điều này không hữu dụng,’ nhờ đó bỏ đi các điều không có lợi ích, nắm lấy các điều có lợi ích, bỏ đi các điều không hữu dụng, nắm lấy các điều hữu dụng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta nói rằng niệm quả là có lợi ích về mọi mặt.’” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

II. Thảo Luận:  TT Giác Đẳng điều hợp.


No comments:

Post a Comment