Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
7. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI CUNG THỦ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bốn tính chất của người cung thủ nên được hành trì,’ bốn tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như người cung thủ, trong khi bắn những mũi tên, thì thiết lập vững chắc hai bàn chân ở trái đất, giữ đầu gối ngay thẳng, đặt bao tên ở thắt lưng, kềm cứng thân hình, nâng hai bàn tay lên ở chỗ tiếp xúc, kìm chặt nắm tay, làm cho các ngón tay không có lỗ hổng, nâng cổ lên, khép lại mắt và miệng, ngắm thẳng mục tiêu, làm sanh khởi niềm vui rằng: ‘Ta sẽ xuyên thủng.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thiết lập hai bàn chân tinh tấn ở trái đất là giới, nên giữ sự kham nhẫn và khoan dung được ngay thẳng, nên đặt tâm ở sự phòng hộ, nên đưa bản thân vào sự thu thúc và sự kềm chế, nên kìm chặt ước muốn và sự say đắm, nên làm cho tâm không có lỗ hổng ở sự tác ý đúng đường lối, nên nâng sự tinh tấn lên, nên khép lại sáu cánh cửa (giác quan), nên thiết lập niệm, nên làm sanh khởi niềm vui rằng: ‘Ta sẽ xuyên thủng tất cả phiền não bằng mũi tên trí tuệ.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của người cung thủ nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người cung thủ mang theo vật uốn thẳng để làm ngay thẳng cây tên bị cong, bị vẹo, bị quẹo. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên mang theo vật uốn thẳng là sự thiết lập niệm ở thân này để làm ngay thẳng cái tâm bị cong, bị vẹo, bị quẹo. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của người cung thủ nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người cung thủ chuyên chú ở mục tiêu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này. Tâu đại vương, vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này như thế nào? Nên chuyên chú là vô thường, là cơn bệnh, —(như trên)— là ghẻ, là mụt nhọt, là tai ương, là tật nguyền, là cái khác, là tiêu hoại, là tai họa, là bất hạnh, là sợ hãi, là nguy hiểm, là thay đổi, là mảnh mai, là không bền, là không nơi nương tựa, là không nơi trú ẩn, là không nơi nương nhờ, là trạng thái không có nơi nương nhờ, là rỗng không, là trống không, là bất lợi, là không có lõi, là gốc gác của tai ương, là kẻ giết hại, là có sự rò rỉ, là bị tạo tác, là có bản chất sanh ra, là có bản chất già, là có bản chất bệnh, là có bản chất chết, là có bản chất sầu muộn, là có bản chất than vãn, là có bản chất thất vọng, là có bản chất phiền não. Tâu đại vương, vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này như thế. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của người cung thủ nên được hành trì.
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người thợ săn chuyên chú sáng chiều. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở đối tượng (của đề mục thiền) sáng chiều. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của người thợ săn nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp nói đến:
‘Giống như người cung thủ chuyên chú sáng chiều, trong khi không bê trễ việc chuyên chú, đạt được bữa ăn và tiền lương.
Tương tợ y như thế, người con trai của đức Phật thực hành sự chuyên chú ở thân, trong khi không bê trễ việc chuyên chú ở thân, chứng đắc phẩm vị A-la-hán.’”
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA người cung thủ là thứ bảy.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
No comments:
Post a Comment