Monday, June 30, 2014

Bài học. Thứ Ba ngày 1-7-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư:  TT Tuệ Quyền

Bài 112 - AI LÀ NGƯỜI THẬT SỰ BIẾT, THẬT SỰ THẤY?

(XCIX) (Tik. V,10) (It. 98)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng: "Một Bà-la-môn có được ba minh, một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên". Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Ðây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Ðây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai biết được đời trước,
Với Thiên giới đọa xứ,
Người ấy, Ta tuyên bố,
Là vị Bà-la-môn,
Chớ không phải ai khác,
Chỉ mở miệng bập bẹ.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Vị ấy đạt sanh diệt,
Thật là bậc ẩn sĩ,
Ðã thành tựu thắng trí.
Ba minh này thành tựu,
Là Phạm chí ba minh,
Ta gọi vị như vậy,
Chính là bậc Ba minh,
Chớ không phải ai khác,
Do nói lời bập bẹ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.


II. Thảo Luận:    TT Giác Đẳng biên soạn Chư Tăng   điều hợp.
 1 .  Phải chăng từ Ba la môn trong Phật Pháp đôi khi được dùng cho bậc thanh tinh giác ngộ? TT Tuệ Quyền và TT Tuệ Siêu
2 . Phải chăng túc mạng minh chỉ có với vị có thiền chứng? - TT Tuệ Siêu
3 . Phải chăng vị có sanh tử minh là vị thấy rõ nhân quả nghiệp duyên? - ĐĐ Pháp Tín
 4 .  Phải chăng vị chứng lậu tận minh là bậc hoàn toàn giải thoát? - TT Tuệ Quyền
 5 . Ba minh thuộc về thần thông hay tuệ giác? - TT Tuệ Siêu

Sunday, June 29, 2014

Bài học. Thứ Hai ngày 30-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Giác Đẳng và TT Tuệ Quyền

Bài 111 - TÀI THÍ VÀ PHÁP THÍ

(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Ðây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.
Ðiều được gọi bố thí,
Thù thắng và vô thượng,
Và sự phân phát nào,
Ðược Thế Tôn tán thán,
Với tâm tư tín thành,
Trong ruộng phước tối thượng,
Bậc trí rõ biết vậy,
Ai lại không cúng dường,
Ai làm được cả hai,
Nói lên và lắng nghe,
Với tâm tư tịnh tín,
Trong lời dạy Thiện Thệ,
Lợi ích ấy của họ,
Là tối thắng thanh tịnh,
Những ai không phóng dật,
Trong lời dạy Thiện Thệ.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng biên soạn Chư Tăng   điều hợp.
1. Phải chăng in kinh, thuyết pháp, phổ biến băng giảng .v.v đều được xem là pháp thí? - TT Tuệ Quyền
3. Phải chăng Đức Phật dạy pháp thí thù thắng hơn tài thí không có nghĩa là chỉ nên bố thí Pháp? - ĐĐ Pháp Tín
 4. Có đúng chăng dù không phải là một pháp sư nhưng vẫn có thể thí pháp? - TT Pháp Đăng
 5. Thuyết sai Phật pháp vì vô tình thì có "tội" chăng? - TT Pháp Đăng


Saturday, June 28, 2014

Bài Học. Chủ Nhật ngày 29-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Bài 110 - CŨNG CÓ NGƯỜI HOÀN HẢO

(XCVII) (Tik. V,8) (It. 96)
Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Giới tốt lành? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có giới tốt lành.
Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập Bảy pháp giác chi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành.
Và thế nào là Tuệ tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có tuệ tốt lành.
Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật là vị toàn hảo.
Ai với thân, với lời,
Với ý, không làm ác,
Vị ấy giới tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Có được lòng xấu hổ,
Ai, pháp khéo tu tập,
Những pháp giúp đạt đến,
Chứng được quả Bồ-đề,
Vị ấy pháp tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có dục trào ra.
Ai quán tri đau khổ,
Ở đây, diệt trừ khổ,
Vị ấy tuệ tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ những pháp ấy,
Thoát khỏi sự phiền muộn
Chặt đứt mọi nghi ngờ,
Không luyến ái tham đắm
Mọi sự vật ở đời,
Vị ấy được xưng gọi
Vị đoạn tận tất cả.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
1 . Có gì khác biệt giữa khái niệm toàn hảo trong Phật Pháp so với quan niệm thường tình của thế gian? - TT Tuệ Quyền
 2. Tại sao tam học thường là giới, định và tuệ trong khi ở đây nói về ba sự hoàn hảo là giới, pháp và tuệ? - ĐĐ Pháp Tín
 3. Tại sao tam học thường là giới, định và tuệ trong khi ở đây nói về ba sự hoàn hảo là giới, pháp và tuệ? - TT Tuệ Siêu bổi túc thêm
4. Người chuyên tâm tu tập bảy giác chi thì phải là cũng đang thực hành bát chánh đạo? - TT Tuệ Siêu
5. Phải chăng "sự hoàn hảo về trí tuệ" ở đây chỉ cho sự giác ngộ? - TT Tuệ Quyền
6.  TT Giác Đẳng đúc kết bài học

Friday, June 27, 2014

Bài Học. Thứ Bảy ngày 28-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Bài 109 - SIÊU ĐOẠ

(XCVI) (Tik. V, 7) (It. 95)
Này các Tỷ-kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các Tỷ-kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.
Những ai bị nhiếp phục,

Bởi trói buộc của dục,

Bởi trói buộc của hữu,

Bởi trói buộc cả hai,
Chúng sanh ấy đi đến,
Luân chuyển trong luân hồi,
Họ đi đến sanh tử.
Những ai đoạn tận dục,
Nhưng chưa đạt thành được,
Sự diệt tận lậu hoặc,
Họ còn bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của hữu,
Họ được gọi Bất lai.
Những ai chặt đứt được,
Mọi nghi hoặc phân vân,
Ðoạn tận được kiêu mạn,
Ðoạn tận được tái sanh,
Chắc chắn trong đời này,
Họ đi đến bờ kia,
Vì họ đã đạt tới,
Sự đoạn diệt lậu hoặc.



II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
1. TT Giác Đẳng giảng về dục và hữu
2. Tại sao trong Phật ngôn nầy, khi đề cập đến luân hồi sanh tử chỉ nói dục và hữu mà không nhắc tới phi hữu ái? - TT Tuệ Siêu
3. Một Phật tử rất hoan hỷ thích thú với một pho tượng Phật. Trạng thái nào là sự dính mắc, trạng thái nào là thiện tâm? TT Tuệ Siêu
4. Một người tự tử vì không thấy tha thiết gì với cuộc sống có gọi là người ra đi không có dục và hữu? - TT Tuệ Quyền
5. TT Giác Đẳng bổ túc thêm về ái dục
 6. Ái dục dẫn đường sanh tử. Ái dục nào dẫn vào lạc cảnh? Ái dục nào dẫn vào khổ cảnh? - TT Tuệ Siêu


Thursday, June 26, 2014

Bài học. Thứ Sáu ngày 27-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Bài   108 - BA ĐỐI TƯỢNG ĐAM MÊ


(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)
Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi của dục. Thế nào là ba? Dục đối với sự vật hiện tại, sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra, sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra. Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi này của dục.
Những ai có lòng dục,
Ðối sự vật hiện tại,
Và các loại chư Thiên,
Chi phối các sự vật
Do người khác tạo ra,
Chư thiên ưa thích thú,
Ðối sự vật mình tạo,
Cùng các chúng sanh khác,
Thọ dụng các loại dục.
Thái độ người Hiền trí,
Ðối thọ dụng các dục,
Trong đời này đời khác,
Từ bỏ tất cả dục,
Dầu thuộc về chư Thiên
Và dục thuộc loài Người.
Những ai được chặt đứt
Dòng nước khó vượt qua,
Sự say đắm sự vật,
Thân ái và tốt đẹp,
Họ làm cho lắng dịu,
Không có vật dư thừa,
Họ vượt qua đau khổ,
Không còn chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy.
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí.
Do họ thắng tri được
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
1. Trên phương diện sáng tạo. Phải chăng một người thực sự sáng tạo thì người đó thật sự hạnh phúc hơn? Sự sáng tạo có ảnh hưởng đến khuynh hướng hưởng thụ, khuynh hướng hoan hỉ với điều mình làm được không? - TT Tuệ Siêu
2. Một người có khuynh hướng nội và một người hưởng dục  thì người này có hạnh phúc với cái gì mình tạo nên không? - TT Tuệ Siêu
3.Một người tu sĩ có nên biết rõ khuynh hướng hướng nội, hướng ngoại, hưởng dục không? - TT Tuệ Siêu
4 Phải chăng, một người tu có khuynh hướng tự tạo hạnh phúc hơn là lệ thuộc vào hội chúng vào đám đông? - TT Tuệ Siêu
 5. Sự hưởng thụ dục lạc là do phước của túc nghiệp hay do phóng túng? - TT Pháp Đăng
 6. Đối với sự tu tập thì với một người có thi hiếu tầm thường nhưng không nghiện ngập so với một người có sở thích nhẹ nhàng nhưng dính mắc nhiều thì cái nào tai hại hơn? - TT Tuệ Quyền
7. Chúng ta có hy vọng thay đổi khuynh hướng cá nhân chăng? nếu có thể thì bằng cách nào? - ĐĐ Pháp Tín
8. TT Giác Đẳng đúc kết bài học


Wednesday, June 25, 2014

Bài học. Thứ Năm ngày 26-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín

Bài   107 - RỜI XA ĐIÊN ĐẢO VỌNG TƯỞNG


(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.
Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
 1. Phải chăng tất cả trói buộc trong kiếp sống đều đến từ sự nhận thức? - TT Tuệ Siêu
 2: Nói về sự khổ trong đời sống - TT Giác Đẳng
3:  Tại sao phiền não có nhiều mà ái dục lại được xem là yếu tố dẫn đạo trầm luân sanh tử? - TT Tuệ Quyền 
4 . So sánh sự dính mắc và sự đau khổ trong cuộc sống thì cái nào đáng sợ hơn? - TT Pháp Đăng

Tuesday, June 24, 2014

Bài Học. Thứ Tư ngày 25-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Bài   106 - THIÊU ĐỐT THẾ GIAN


(XCIII) (Tik. V, 4) (It. 92)
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này.
Lửa tham đốt cháy người,
Say mê trong các dục,
Còn lửa sân đốt cháy,
Những người có sân hận,
Những người giết, sát hại,
Các loại có sanh mạng.
Còn lửa si đốt cháy,
Những kẻ bị mê muội,
Những kẻ không tinh luyện,
Trong giáo pháp bậc Thánh,
Do không được biết rõ
Các loại lửa như vậy,
Nên loài Người ưa thích,
Vui thích với có thân.
Họ làm cảnh dịa ngục,
Ðược lớn mạnh tăng trưởng,
Kể cả giới bàng sanh,
Chỗ sanh xứ súc vật,
Cùng với A-tu-la,
Với cảnh giới quỷ đói,
Họ không được thoát khỏi,
Trói buộc của Ác ma.
Nhưng ai ngày và đêm,
Chú tâm vào, chuyên học,
Học những lời giảng dạy,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Họ làm cho lắng dịu
Ngọn lửa của lòng tham,
Luôn luôn ý thức được,
Tánh bất tịnh sự vật.
Với lòng thương, từ mẫn,
Những hạng người tối thượng,
Làm lắng dịu, chỉ tịnh,
Ngọn lửa của sân hận.
Còn ngọn lửa si mê,
Với trí tuệ dập tắt,
Trí tuệ này đưa đến
Thể nhập vào chân lý,
Bậc thận trọng sáng suốt,
Ngày đêm làm lắng dịu
Các loại lửa như vậy,
Không có biết mệt mỏi,
Họ làm cho lắng dịu,
Không một chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy,
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí
Do họ thắng tri được,
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
 1. Một người đang vui sướng với món đồ vừa ý, giá rẽ mới mua. Nói rằng sự yêu thích đó là phiền não thì phiền chỗ nào, não chỗ nào? - TT Pháp Tân
 2.  Chúng ta thường nói "ai cũng có phiền não" vậy có cần "quan trọng hoá" chuyện đó chăng? - TT Tuệ Quyền
 3. Xin cho vài đề nghị cụ thể làm cách nào để giàm thiểu phiền não? - ĐĐ Pháp Tín
4. Ý thức về "một thế giới đang bị lửa bao phủ" có lợi lạc gì cho người tu tập? TT Tuệ Siêu

Monday, June 23, 2014

Bài Học. Thứ Ba ngày 24-6-2014

GIÁO TRÌNH "HỌC LỜI PHẬT DẠY - KINH NHƯ THỊ THUYẾT

Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

Bài   105 - GẦN PHẬT XA PHẬT


(XCII) (Tik. V, 3) (It. 90)
Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.
Nếu có thể bước theo,
Nhưng nhiều dục bực phiền.
Hãy xem người như vậy,
Thật là xa, rất xa,
Xa giữa người ái dục
Và người không ái dục,
Xa giữa người lắng dịu
Và người không lắng dịu,
Xa giữa người tham ái
Và người đã trừ ái.
Sau khi thắng tri Pháp,
Bậc Hiền trí biết Pháp,
Như ao không gió thổi,
Không dao động, tịnh chỉ.
Hãy xem người như vậy,
Thật là gần, rất gần,
Gần giữa người không ái,
Và người không có ái,
Gần giữa người lắng dịu,
Và người được lắng dịu,
Gần giữa người không tham,
Và người trừ tham ái.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng   điều hợp.
1. Phải chăng tất cả sự hành trì lời Phật dạy dù lớn hay nhỏ đều có thể xem là "gần Phật"? - ĐĐ Pháp Tín
 2. Đức Phật thật sự muốn chúng ta nên phản ứng thế nào trước nghịch cảnh? - TT Pháp Tân
. Đi với Phật nên mặc ca sa còn đi với ma thì có nên mặc áo giấy? (và có nên đi với ma chăng?) - TT Tuệ Siêu
 4. Phải chăng ngày nay dù Đức Thế Tôn viên tịch đã lâu nhưng ai hành trì đúng lời Phật dạy vẫn có thành tựu? - TT Tuệ Quyền