Wednesday, February 11, 2015

Bài học. Thứ Năm ngày 12-2-2015

KINH PHẬT TỰ THUYẾT - UDÀNA

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

CHƯƠNG 5 -PHẨM BỐN - PHẨM TRƯỞNG LÃO SONA  
HT Minh Châu dịch Việt

(I) (Ud 47) 1. Piyatarasuttaṃ

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:

- Này Mallikà có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?

- Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?

- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikà và con nói với Hoàng hậu Mallikà: "Này Mallikà, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?".

Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikà trả lời với con: "Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương? " Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta".

Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:

1. Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã,
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.
 1. Ngã chấp mang lại nhiều hệ luỵ nhung phải chăng trong bài kinh nầy cho thấy nếu đặt đúng chỗ thì sự vị ngã có thể làm tăng trưởng thiện pháp? ĐĐ Pháp Tín
 2 :Theo đệ nhất nghĩa đế thì tất cả hiện hữu chỉ là hiện tượng danh sắc; nhưng theo thường thức thì có chúng sanh nên cần có vô lượng tâm. Vậy thì sự vị ngã theo bài kinh nầy có phải là một thực tại nên được chấp nhận?TT Pháp Tân
 3:Vị ngã ở mức độ nào lợi lạc? ở mức độ nào nguy hiểm?TT Tuệ Quyền
 4 : Làm sao để sự vị ngã không biến thành ích kỷ?TT Tuệ Siêu
 5 : Nếu theo bài kinh nầy thì có sai chăng khi nói: quên mình vì đời?TT Tuệ Siêu

No comments:

Post a Comment