Monday, September 28, 2015

Bài học. Thứ Ba Ngày 29-9-2015

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

Chương Ba Pháp
VIII. Phẩm Ananda
75.- Cần Phải Khích Lệ

1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi xuống một bên:

- Này Ananda, với ai, Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai, Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con hay cùng một huyết thống. Với những người ấy, này Ananda, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm. Thế nào là ba?

2. - Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với Ðức Phật: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng được cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời".

3.- Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, này Ananda, địa đại, thủy đại. hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này: Vị Thánh đệ tử ấy, này Ananda, thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.

4.- Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, này Ananda, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này: Vị Thánh đệ tử ấy, này Ananda, thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.

5.- Dầu cho bốn đại chúng có đổi khác, này Ananda, địa đại, thủy đại,hỏa đại, phong đại, nhưng vị thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này: Vị Thánh đệ tử ấy, này Ananda, thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, sẽ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.

Này Ananda, với ai Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con hay cùng một huyết thống. Với những người ấy, này Ananda, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm này.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.


 III. Đố Vui
Câu  1. Phải chăng bài kinh nầy cho thấy niềm tin có giá trị thế nào trong Phật Pháp? 
 A. Đạo Phật cũng xem niềm tin có giá trị tuyệt đối trong đời sống nội tâm
 B. Muốn sanh vào cõi an lạc quan trọng nhất là có đức tin 
 C. Chánh tín có giá trị ngăn đường vào khổ cảnh
 D. Niềm tin tuyệt đối là cứu cánh của người tu Phật

 TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu  Số 1  .C 

 Câu hỏi 2. Hiểu Phật thế nào là có chánh tín?
 A. Đức Phật có đủ ba đức: tịnh đức, bi đức và trí đức 
 B. Đức Phật là thượng đế 
 C. Đức Phật là đấng ban phước tha tội 
 D. Đức Phật là người sáng tạo ra chân lý

 TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu  Số 2  . A.

 Câu hỏi 3. Hiểu Pháp thế nào là có chánh tín?
 A. Chánh pháp được khéo giảng bởi Đấng Giác Ngộ 
 B. Pháp có giá trị thực tiễn, thiết thực hiện tại
 C. Pháp có hiệu năng hướng thượng, hướng thiện, được bậc trí thân chứng
  D. Cả ba câu trên đều đúng

 TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu  Số 3 . D.

 Câu hỏi 4. Hiểu Tăng thế nào là có chánh tín? 
A. Tăng là bậc thiện hạnh, trực hạnh, như hạnh và chánh hạnh 
 B. Tăng là những bậc thánh hữu học và vô học 
 C. Tăng là bậc xứng đáng cúng dường, đãnh lễ 
 D. Gồm cả ba câu trên

TT Pháp Đăng cho đáp án Câu  Số 4 .D

Câu hỏi 5. Tại sao niềm tin vững chắc ở Tam Bảo ngăn đường rơi vào khổ cảnh?
 A. Ai hướng cầu giá trị cao quý thì đi vào cảnh giới cao quý tương xứng 
 B. Tâm có chánh tín thì không bị giao động trước tử thần 
 C. Hai câu trên đều đúng
D. Hai câu trên đều sai

 TT Pháp Đăng cho đáp án Câu  Số 5 .C .


No comments:

Post a Comment