Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Chương Ba Pháp
VI. Phẩm Các Bà-La-Môn
VII. Phẩm Lớn
64.- Sarabha
1-6
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu).
Lúc bấy giờ, du sĩ Sarabha, từ bỏ pháp và Luật này không bao lâu, đang tuyên bố như sau với hội chúng ở Ràjagaha: "Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy".
2. Rồi có nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát y đi vào Ràjagaha để khất thực. Các vị Tỷ-kheo ấy, nghe du sĩ Sarabha tuyên bố như sau với hội chúng ở Ràjagaha: "Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy".
Rồi các vị Tỷ-kheo đi khất thực ở Ràjagaha xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Du sĩ Sarabha, bạch Thế Tôn, đã từ bỏ Pháp và Luật này không bao lâu. Vị ấy tuyên bố: "Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy". Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng lân mẫn, hãy đi đến du sĩ Sarabha!
Thế Tôn im lặng nhận lời.
3.- Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền định đứng dậy, đi đến bờ sông Sappinikàti, khu vườn của các du sĩ, đến du sĩ Sarabha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với du sĩ Sarabha:
- Có thật chăng, này Sarabha, Ông đã nói như sau: "Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật này "?
Khi được nghe nói như vậy, du sĩ Sarabha giữ im lặng.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với du sĩ Sarabha:
- Hãy nói lên, này Sarabha, Ông đã hiểu rõ pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Ông hiểu chưa được đầy đủ, thời Ta sẽ làm cho được đầy đủ. Nhưng nếu Ông hiểu được đầy đủ, thời Ta sẽ hoan hỉ tiếp nhận.
Lần thứ hai, du sĩ Sarabha giữ im lặng.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với du sĩ Sarabha:
- Chính do Ta, này Sarabha, pháp các Sa-môn Thích tử được trình bày lên. Hãy nói lên, này Sarabha, Ông đã hiểu rõ pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Ông hiểu chưa được đầy đủ, thời Ta sẽ làm cho được đầy đủ. Nhưng nếu Ông hiểu được đầy đủ, thời Ta sẽ hoan hỉ tiếp nhận.
Lần thứ ba, du sĩ Sarabha giữ im lặng.
Rồi các du sĩ ở Ràjagaha nói với du sĩ Sarabha:
- Này Hiền giả, những điều gì, Hiền giả cần hỏi Sa-môn Gotama, Sa-môn Gotama đã cho Hiền giả có cơ hội nói lên. Hãy nói lên, này Sarabha, Hiền giả đã hiểu pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Hiền giả hiểu chưa được đầy đủ, Sa-môn Gotama sẽ làm cho đầy đủ. Nếu Hiền giả hiểu được đầy đủ, Sa-môn Gotama sẽ hoan hỷ tiếp nhận.
Ðược nói như vậy, du sĩ Sarabha giữ im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không thể trả lời.
5. Rồi Thế Tôn biết được du sĩ Sarabha đang giữ im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sửng sờ, ngồi không trả lời, liền nói với các du sĩ ấy:
- Này các du sĩ, ai nói với Ta như sau: "Dầu Ông tự cho là đã Chánh Ðẳng Giác, nhưng Ông không có Chánh Ðẳng Giác các pháp này". Ở đây, Ta sẽ khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận với người ấy. Người ấy bị Ta khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận như vậy, không có chỗ nào, không có trường hợp nào, ngoài cách dựa vào một trong ba thái độ như sau: Hoặc là tránh né về vấn đề với một vấn đề khác, sẽ hướng dẫn câu chuyện ra ngoài đề tài chính, hay tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn hay im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói gì, như du sĩ Sarabha.
Này các du sĩ, nếu có ai nói về ta như sau: "Dầu Ông tự cho đã đoạn tận các lậu hoặc, nhưng các lậu hoặc này chưa được đoạn tận!". Ở đây, Ta sẽ khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận với người ấy. Người ấy bị Ta khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận như vậy, không có chỗ nào, không có trường hợp nào, ngoài cách dựa vào một trong ba thái độ như sau: Hoặc là tránh né về vấn đề với một vấn đề khác, sẽ hướng dẫn câu chuyện ra ngoài đề tài chính, hay tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn hay im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói gì, như du sĩ Sarabha.
Này các du sĩ, nếu có ai nói về Ta như sau: "Pháp do Ông thuyết giảng với mục đích chơn chánh đoạn tận khổ đau, không có đưa người thực hành đến mục đích ấy". Ở đây, Ta sẽ khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận với người ấy. Người ấy bị Ta khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận như vậy, không có chỗ nào, không có trường hợp nào, ngoài cách dựa vào một trong ba thái độ như sau: Hoặc là tránh né về vấn đề với một vấn đề khác, sẽ hướng dẫn câu chuyện ra ngoài đề tài chính, hay tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn hay im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói gì, như du sĩ Sarabha.
Rồi Thế Tôn, tại khu vườn các du sĩ, trên bờ sông Sappinnikàti, sau khi rống lên ba lần tiếng rống con sư tử, liền ra đi trên hư không.
6. Các du sĩ ấy, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, liền bao vây du sĩ Sarabha, công kích du sĩ Sarabha với những dòng nước nhiếc mắng như sau:
- "Này Hiền giả Sarabha, như con dã can già yếu trong rừng rậm nghĩ rằng: "Ta sẽ rống tiếng con Sư tử", nhưng nó chỉ thốt ra tiếng rú con dã can, chỉ thốt ra tiếng rú con thú ăn thịt. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama có thể có tiếng rống con sư tử, Ông nghĩ: "Ta sẽ rống tiếng rống con sư tử", nhưng Ông chỉ thốt ra tiếng rú con dã can, chỉ thốt ra tiếng rú con thú ăn thịt.
Ví như, này Hiền giả Sarabha, con gà con nghĩ rằng: "Ta sẽ gáy lên tiếng gáy con gà trống", nhưng nó chỉ có thể thốt ra tiếng kêu con gà con. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama có thể gáy lên tiếng gáy gà trống, Ông nghĩ: "Ta có thể gáy lên tiếng gáy con gà trống", nhưng Ông chỉ thốt ra tiếng gáy con gà con.
Ví như, con bò cái con, này Hiền giả Sarabha, khi chuồng bò trống không, nghĩ rằng có thể rống tiếng rống sâu đậm con bò đực. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama ra, Ông nghĩ rằng Ông có thể rống lên tiếng rống sâu đậm con bò đực, nhưng Ông chỉ thốt ra tiếng rống con bò cái con.
Như vậy, các du sĩ ấy bao vây du sĩ Sarabha, công kích du sĩ Sarabha với những dòng nước nhiếc mắng như vậy.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
III. Đố Vui
No comments:
Post a Comment