Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Chương Một Pháp
XVIII. Phẩm Makkhali
1-17 Một Pháp
1. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
2. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại phạm tội lớn, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Tối thắng tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phạm tội lớn.
4. Ta không thấy một người nào khác, này các Tỷ-kheo, được tuân theo đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, thất lợi cho đa số, đem đến bất hạnh, bất lạc cho chư Thiên và loài Người, này các Tỷ-kheo, như kẻ ngu si.
Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá, đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài Người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình.
5. Ai khuyến khích chấp nhận một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều vô phước. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo.
6. Ai khuyến khích chấp nhận một pháp luật được khéo thuyết, thời người khuyến khích và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều phước đức. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo.
7. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người cho biết, chớ không phải do người nhận. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.
8. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người nhận biết, không phải do người cho. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.
9. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.
10. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, người biếng nhác sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.
11. Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống biếng nhác, người ấy sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết.
12. Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết.
13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
14-17. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thúi... một ít nước miếng có mùi hôi thúi.... một ít mủ có mùi hôi thúi... một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Là một người tu sĩ chúng ta có nên kêu gọi sự cúng dường xây chùa lớn hay làm cái này cái kia làm gánh nặng cho người Phật tử không? Hay là để cho sự phát tâm đến từ tấm lòng của người Phật tử? - TT Pháp Tân2. Trong đời sống tu tập thì có sự hưởng nhàn không? - TT Tuệ Quyền
III. Đố Vui
Câu 1. Tại sao trong giáo pháp được khéo thuyết người nhận biết hạn lượng chứ không phải là người cho?
A. Vì người nhận thâm nhập tinh thần tri túc
B. Vì người cho thâm nhập tinh thần phát tâm rộng lớn
C. Vì người nhận không làm gánh nặng cho thí chủ
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu Số 1 .D .
Câu 2. Tại sao trong Phật Pháp thì người lười biếng không có an lạc?
A. Lười biếng là dấu hiệu của giải đãi, là con đường dẫn đến đoạ lạc
/ B. Không có sự "hưởng nhàn" trong tinh thần tu tập của người Phật tử
/ C. Thiếu tinh tấn là thiếu nghị lực
/ D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 2 .D .
Câu hỏi 3. Tại sao Đức Phật không tán thán sanh tử trầm luân?
A. Vì trầm luân sanh tử là sản phẩm của vô minh, ái dục
/ B. Vòng luân chuyển nghiệp, quả, phiền não là vô định, vui ít khổ nhiều
/ C. Chúng sanh không tự chủ được con đường sanh tử
/ D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Đăng cho đáp án câu 3 là D
No comments:
Post a Comment