Tuesday, September 1, 2015

Bài học. Thứ Tư ngày 1-9-2015

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương Ba Pháp

VI. Phẩm Các Bà-La-Môn

60.- Sangàrava

1-7

- Rồi có Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi làm lễ tế đàn và khuyên các người khác làm lễ tế đàn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, ai làm lễ tế đàn và ai khuyên các người khác làm lễ tế đàn, tất cả đều thực hành con đường đưa đến công đức cho nhiều người, tức là kết quả của tế đàn. Thưa Tôn giả Gotama, ai xuất gia, từ bỏ gia tộc, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ nhiếp phục một tự ngã của mình, chỉ an tịnh một tự ngã của mình, chỉ làm cho một tự ngã chứng được Niết-bàn. Như vậy, người ấy thực hành con đường đưa đến công đức chỉ có một mình, tức là kết quả của sự xuất gia.

- Vậy này Bà-la-môn, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Ông kham nhẫn như thế nào, hãy như vậy trả lời. Ông nghĩ như thế nào, này Bà-la-môn, ở đây, Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy nói như sau: "Ðây là con đường, đây là đạo lộ, nhờ thực hành con đường này, Ta đã thể nhập vô thượng Phạm hạnh, tự mình với thắng trí, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết. Các người hãy đến! Hãy như vậy thực hành! Các người sẽ thể nhập vô thượng Phạm hạnh, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú". Như vậy, vị Ðạo sư này thuyết pháp, và các người khác như thật hành trì. Số người như vậy là hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, sự việc là như vậy, thời con đường đưa đến công đức này ảnh hưởng chỉ đến một người hay ảnh hưởng đến nhiều người, tức là kết quả của sự xuất gia?

- Sự việc này là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, con đường đưa đến công đức này là ảnh hưởng đến nhiều người, tức là kết quả của sự xuất gia.

Ðược nghe nói như vậy, Tôn giả Ananda nói với Bà-la-môn Sangàrava:

- Trong hai con đường, này Bà-la-môn, con đường nào, Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn và lợi ích hơn?

Ðược nói như vậy, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ananda:

- Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ananda, cả hai đối với tôi là đáng kính lễ và đáng tán thán.

Lần thứ hai, Tôn giả Ananda nói với Bà-la-môn Sangàrava:

- Này Bà-la-môn, Ta không hỏi Ông như vậy: "Những ai là đáng đảnh lễ, hay những ai là đáng tán thán?" Này Bà-la-môn, như thế này Ta hỏi Ông: "Này Bà-la-môn, trong hai con đường này, con đường nào Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn, lợi ích lớn hơn?"

Lần thứ hai, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ananda:

- Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ananda, cả hai đối với tôi là đáng đảnh lễ và đáng tán thán.

Lần thứ ba, Tôn giả Ananda nói với Bà-la-môn Sangàrava:

- Này Bà-la-môn, Ta không hỏi Ông như vậy: "Những ai là đáng kính lễ, hay những ai là đáng tán thán? "Này Bà-la-môn, như thế này Ta hỏi Ông: "Này Bà-la-môn, trong hai con đường này, con đường nào Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn, lợi ích lớn hơn?"

Lần thứ ba, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ananda:

- Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ananda, cả hai đối với tôi là đáng kính lễ và đáng tán thán.

3. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Cho đến lần thứ ba, Bà-la-môn Sangàrava, được hỏi một câu đúng pháp lại tránh né, không trả lời. Vậy Ta hãy giải tỏa việc này".

Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sangàrava:

- Này Bà-la-môn, câu chuyện gì đã khởi lên hôm nay trong cung điện Nhà Vua, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại?

- Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay, trong cung điện nhà vua, câu chuyện như sau đã khởi lên, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại: "Thuở xưa, các Tỷ-kheo ít hơn, nhưng nhiều hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện. Ngày nay, các Tỷ-kheo nhiều hơn, nhưng ít hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện." Thưa Tôn giả Gotama, đấy là câu chuyện đã khởi lên hôm nay trong cung điện nhà vua, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại.

4. - Này Bà-la-môn, có ba loại thần thông. Thế nào là ba? Thần thông biến hóa, thần thông ký thuyết, thần thông giáo hóa, và Bà-la-môn, thế nào là thần thông biến hóa?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước, không nứt rẽ ra như trên đất liền, ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.

5. Và này Bà-la-môn, thế nào là thần thông ký thuyết?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên nhờ tướng: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tà tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên không nhờ tướng, nhưng nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, liền nói lên: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tà tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên không nhờ tướng, cũng không nhờ nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người không nói lên nhờ tướng, không nói lên nhờ nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Những thành tựu định không tầm không tứ, với tâm của mình biết rõ tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Này Bà-la-môn, đây gọi là thần thông ký thuyết.

6. Và như thế nào, này Bà-la-môn, là thần thông giáo hóa?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người giáo giới như sau: "Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như thế này, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!". Này Bà-la-môn, đây gọi là thần thông giáo hóa. Này Bà-la-môn, có ba loại thần thông này.

Trong ba loại thần thông này, Ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?

- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, loại thần thông này: Ở đây có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước, không nứt rẽ ra như trên đất liền, ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với tôi, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người nói lên nhờ tướng: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Có người nói lên không nhờ tướng, nhưng nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, liền nói lên: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Có người nói lên không nhờ tướng, cũng không nhờ nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: "Như vầy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông". Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Có người không nói lên nhờ tướng, không nói lên nhờ nghe tiếng của loài người hay của phi nhân, hay của Chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Những thành tựu định không tầm không tứ, với tâm của mình biết rõ tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với tôi, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người giáo giới như sau: "Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như thế này, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú". Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, tôi có thể chấp nhận là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba loại thần thông.

Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả Gotama! Vấn đề này được Tôn giả Gotama khéo nói như vậy, Chúng tôi thọ trì rằng Tôn giả Gotama có thành tựu cả ba loại thần thông này. Thật vậy, Tôn giả Gotama có thể chứng được nhiều loại thần thông ... Thật vậy, Tôn giả Gotama thành tựu được định không tầm không tứ, với tâm của mình rõ biết tâm của người khác, tùy theo ý hành của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Thật vậy, Tôn giả Gotama giáo giới như sau: "Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt đến cái này và an trú!".

7. -Thật vậy, này Bà-la-môn, lời nói của Ông trước như là chống ta, sau xích lại gần ta. Và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà-la-môn, Ta chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, ... Này Bà-la-môn, ta thành tựu được định không tầm không tứ, với tâm của mình rõ biết tâm của người khác, tùy theo ý hành của Ta hướng đến chỗ nào, thời tâm của Ta lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Này Bà-la-môn, Ta có thể giáo giới như sau: "Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy. Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt được cái này và an trú!".

- Thưa Tôn giả Gotama, có một Tỷ-kheo nào khác, cũng thành tựu được ba loại thần thông này, ngoài Tôn giả Gotama?

- Này Bà-la-môn, không phải chỉ có một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn nữa các Tỷ-kheo thành tựu được ba loại thần thông này.

- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, nay các Tỳ kheo ấy hiện ở đâu?

- Này Bà-la-môn, trong chúng Tỷ-kheo này.

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng



II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng  điều hợp.
1. Ngày nay chúng ta thường thấy một số các ngôi chùa sinh hoạt lập đàn tràng tương tự như đàn tràng tế lễ của Balamon. Thì trong kinh điển Pali có thấy nói đến những cuộc tế lễ giống như đàn tràng tế đàn như vậy không? - TT Pháp Tân


 III. Đố Vui
Câu hỏi 1.  Nói đến "thần thông biến hiện" thì tác dụng nào sau đây được xem chủ yếu? 
A. Thuyết phục người khác bằng sự năng lực siêu nhiên 
 B. Làm cho con người thay đổi nội tâm bằng thần lực
  C. Thay đổi thế giới bằng pháp thuật 
 D. Năng lực chuyển hoạ thành phúc

TT Phap Dang cho dap an cau 1 la A

 Câu hỏi 2. Một bà thí chủ thời Đức Phật nhờ có tha tâm thông khiến một vị tỳ kheo tinh tấn tu tập cuối cùng đắc đạo chứng quả. Câu nào dưới đây được xem là hợp lý?
 A. Một vị thiền sư có tha tâm thông sẽ khiến các thiền sinh tăng trưởng đức tin và tinh tấn 
B. Năng lực tha tâm thông rất khó để có được 
 C. Năng lực tha tâm thông có thì rất tốt nhưng không thể truyền đời được 
 D. Cả ba câu trên đều đúng

DD Phap Tin cho dap an cau 2 la D

Câu hỏi 3. Tại sao thần thông giáo hoá được Đức Phật tán thán?
 A. Con đường giáo dục là phương pháp phổ cập rộng lớn 
 B. Phương pháp giáo dục có thể thay đổi nhiều người hơn là thần thông biến hoá hay tha tâm thông 
C. Phương pháp giáo dục là lý do giáo pháp có thể tồn tại từ thế hệ nầy sang thế hệ khác 
 D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Phap Tan cho dap an cau 3 la D

No comments:

Post a Comment