Friday, September 25, 2015

Bài học. Thứ Bảy ngày 26-9-2015

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Chương Ba Pháp
VIII. Phẩm Ananda

74.- Vị Lõa Thể

1. Một thời, Tôn giả Ananda trú tại Vesàli, rừng Ðại Lâm, trong ngôi giảng đường có góc nhọn. Rồi Abhaya người Licchavi và Panditakumàrako người Licchiva, đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Abhaya người Licchiva thưa với Tôn giả Ananda:

- Niganthà Nàthaputta, thưa Tôn giả, tự cho là toàn tri, toàn kiến, có tri kiến toàn diện: "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến luôn luôn được an trú, không có gián đoạn". Vị ấy tuyên bố chấm dứt các nghiệp cũ với khổ hạnh, và phá hoại các nghiệp mới với vô vi (không hành động). Như vậy, do nghiệp đoạn diệt nên khổ đoạn diệt; do khổ đoạn diệt nên thọ đoạn diệt; do thọ đoạn diệt nên tất cả khổ sẽ được tiêu diệt. Như vậy là (pháp môn) siêu thoát, thanh tịnh, diệt nhiệt não, thiết thực hiện tại. Ở đây, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói thế nào?

2- Này Abhaya, có ba (pháp môn) thanh tịnh, diệt nhiệt não, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, khiến vượt qua sầu bi, khiến chấm dứt khổ ưu, khiến đạt được chánh lý, khiến chứng được Niết bàn. Thế nào là ba?

Ở đây, này Abhaya, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học giới. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Ðây là (sự thanh tịnh thứ nhất), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Vị Tỷ-kheo ấy, này Abhaya, đầy đủ với giới như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền ... Thiền thứ hai .. Thiền thứ ba ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Ðây là (sự thanh tịnh thứ hai), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Vị Tỷ-kheo ấy, này Abhaya, đầy đủ với giới như vậy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Ðây là (sự thanh tịnh thứ ba), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Này Abhaya, có ba sự thanh tịnh, diệt nhiệt não này, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt ưu khổ, đạt được chánh lý, chứng được Niết bàn.

3.- Khi được nói như vậy, Panditakumàrako người Licchavi nói với Abhaya người Licchavi:

- Này bạn Abhaya, bạn có tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói không?

- Này bạn, tôi là ai lại không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói. Ðầu người ấy sẽ vỡ tan, nếu ai không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ananda là khéo nói.



II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.


 III. Đố Vui
Câu hỏi 1. Tôn giả Ananda đã trả lời Abhaya bằng lý lẽ nào? 
A. Không chỉ trích giáo chủ Nigantha Nataputta
  B. Trình bày Phật Pháp để cho thấy sự khác biệt 
 C. Nêu rõ tuệ giác không hiện hữu đơn độc mà là một phần của quá trình 
 D. Cả ba câu trên đều đúng

 TT Pháp Tân cho đáp án Câu Số 1 . D. 

 Câu hỏi 2. Tuyên bố của giáo chủ Ni Kiền Tử gồm điều nào sau đây? 
A. tự cho là toàn tri, toàn kiến, có tri kiến toàn diện: "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến luôn luôn được an trú, không có gián đoạn".
 B. Vị ấy tuyên bố chấm dứt các nghiệp cũ với khổ hạnh, 
 C. phá hoại các nghiệp mới với vô vi (không hành động). 
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Tân cho đáp án Câu Số 2 . D. 

  Câu hỏi 3. Qua câu trả lời của tôn giả Ananda chúng ta có thể thấy  điều nào sau đây? 
A.  Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy chỉ bằng GIỚI 
 B.  Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy chỉ bằng ĐỊNH 
 C. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy chỉ bằng HUỆ 
 D. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy bằng cả ba GIỚI, ĐỊNH, HUỆ 

 TT Pháp Đăng cho đáp án Câu Số 3. D.

Câu hỏi 4. Khi nói về nghiệp, người tu Phật hiểu pháp có quan niệm nào sau đây? 
A. Tạo nghiệp thiện trong hiện tại để "lấn áp" quả nghiệp bất thiện trong quá khứ 
/ B. Không thể trả hết hay né tránh hoàn toàn quả nghiệp đã gieo trong quá khứ 
/C. Chỉ có sự tu tập vượt thoát luân hồi mới thoát được tất cả quả của nghiệp 
/ D. Cả ba câu trên đều đúng


DD Phap Tin cho đáp án Câu Số 4. D.

No comments:

Post a Comment