Sunday, June 25, 2017

Bài học. Chủ Nhật ngày 25-6-2017

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư:  TT Tuệ Siêu
Chương 6
III. Phẩm Trên Tất Cả

(X) (30) Trên Tất Cả

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp vô thượng này. Thế nào là sáu?

2. Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thấy vô thượng?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi xem voi báu, đi xem ngựa báu, đi xem châu báu, hay đi xem các vật lớn nhỏ, hay đi xem Sa-môn, hay Bà-la-môn có tà kiến, có tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là thấy không? Ta nói rằng: Ðây là không thấy". Sự thấy ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi yết kiến Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là thấy vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi yết kiến Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thấy vô thượng, đây là thấy vô thượng. Còn nghe vô thượng là gì?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi nghe tiếng trống, đi nghe tiếng sáo, đi nghe tiếng ca, hay đi nghe tiếng cao thấp khác nhau, hay đi nghe pháp các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là nghe không? Ta nói rằng: "Ðây là không nghe". Sự nghe ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi đến để nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là sự nghe vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghe vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng. Còn lợi đắc vô thượng là gì?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được con, được vợ, được tài sản, được các vật cao thấp khác nhau, được lòng tin vào các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có lợi đắc hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không lợi đắc". Lợi đắc ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là đắc lợi vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đắc lợi vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, đắc lợi vô thượng. Còn học tập vô thượng là gì?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người học tập về voi, học tập về ngựa, học tập về xe, học tập về cung pháp, học tập về kiếm pháp, học tập về các nghề cao thấp sai biệt hay học tập theo các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có học tập hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không học tập". Học tập ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là học tập vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là học tập vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng. Còn phục vụ vô thượng là như thế nào?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phục vụ Sát-đế-ly, phục vụ Bà-la-môn, phục vụ gia chủ, phục vụ các người cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có phục vụ hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không phục vụ". Phục vụ ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai phục vụ Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là phục vụ vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là phục vụ Như Lai hay đệ tự Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phục vụ vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng. Và thế nào là tùy niệm vô thượng?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tùy niệm được con, tùy niệm được vợ, tùy niệm được tài sản, tùy niệm được cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có tùy niệm hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không tùy niệm". Tùy niệm ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, tùy niệm ấy là vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin được an trú, với lòng ái mộ được an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tùy niệm vô thượng.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này:

Ai được thấy tối thắng, 
Và được nghe vô thượng, 
Ðược lợi đắc vô thượng, 
Vui học tập vô thượng, 
An trú trong phục vụ, 
Tu tập chuyên tùy niệm, 
Liên hệ đến viễn ly, 
Ðạt an ổn, bất tử, 
Hoan hỷ, không phóng dật, 
Thận trọng, hộ trì giới, 
Khi thời đã chín muồi
Ðau khổ được đoạn tận.


III Thảo luận TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Xin giải rõ năm mục đích khiến những tầm cầu trở nên cao quý: "đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn" - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 2. Xin cho thí dụ cụ thể thế nào là "liên hệ đến mục đích, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn." - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 3. Niềm tin thế nào để có thế gọi là "tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin được an trú, với lòng ái mộ được an trú, nhứt hướng thuần tín."? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng tóm tắt phần thảo luận



 III. Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Điều nào sau đây có thể mang lại hiệu năng ""đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn"? 
A. Nghe một bài pháp về vô thường / 
B. Đến thăm viếng đãnh lễ một bậc tu hành để cảm nhận giá trị của đời sống an tịnh /
 C. Thọ trì bát quan trai giới để có một ngày các căn thanh tịnh /
 D. Cả ba điều trên

TT Pháp Đăng cho đáp án câu 1:.D 


 Trắc nghiệm 2. Một người hiểu rõ sáu  pháp vô thượng sẽ có thái độ nào sau đây?
 A. Trong bất cứ hoàn cảnh vui buồn nào cũng lấy lời Phật dạy làm quan trọng / 
B. Khi tới một ngôi chùa thì trước tiên lễ Phật, lễ bảo tháp hơn là chỉ lo chụp ảnh /
 C. Cho dù bận rộn thế nào cũng dành thì giờ để đi chùa, để nghe pháp, để tụng kĩnh.../ 
D. Cả ba điều trên

TT Tuệ Quyền cho đáp án câu  2:.D 

No comments:

Post a Comment