Monday, August 20, 2018

Bài học. Thứ Ba ngày 21-8-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư TT Giác Đẳng


GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 21/8/2018

9. Kinh Potthapàda [bản ngã và linh hồn]
(Nguyên văn Phạn ngữ dài hơn nhưng bản dịch lược bớt 58 đoạn trùng lập mô tả về giới hạnh sa môn giống như Kinh Sa Môn Quả)


Đại ý: 

Một lần Đức Thế Tôn đến khu vườn Ekasàlaka vào sáng sớm. Tại đấy có du sĩ ngoại đạo tên Potthapàda cùng một sống đông những tu sĩ ngoại giáo đang luận đàm về chánh kiến, tà kiến. Những vị nầy trông thấy Đức Thế Tôn xa đến đã giữ im lặng vì biết rõ Đức Phật không tán thán sự huyên náo. Du sĩ Potthapàla đã nêu lên chủ đề về “tưởng –saññā” hay nhận thức. Những tu sĩ ngoại đạo dùng từ vựng  abhisaññā (bản dịch là tăng thượng tưởng) hay sự nhận thức của chân ngã (như ý nghĩa của câu thơ Kiều: Thác là thể phách còn là tinh anh) , một thuật ngữ không dùng trong Phật học. Linh hồn và tự ngã theo ngoại giáo và Phật Pháp là chủ đề chính của bài kinh nầy.

Sự nhận thức do nhân do duyên mà sanh diệt

"Này Tôn giả, tăng thượng tưởng diệt tận như thế nào?" Một vài vị trả lời: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt! Khi tưởng sanh con người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng". Như vậy, một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Khi tưởng ấy đến thì con người có tưởng, khi tưởng ấy đi thì con người không có tưởng". Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Vấn đề này, người khác lại nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng". Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: "Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những vị thiên thần có đại thần thông, có đại oai lực, chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng". Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. Bạch Thế Tôn, lúc bấy giờ con tưởng niệm đến Thế Tôn: "Mong Thế Tôn có mặt ở đây! Mong Thiện thệ có mặt ở đây! Ngài rất tinh thông những pháp này. Chắc chắn Thế Tôn biết rõ sự diệt tận các tăng thượng tưởng". Bạch Thế Tôn, sự diệt tận các tăng thượng tưởng như thế nào?

 Này Potthapàda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt". Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Này Potthapàda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự tu tập, một loại tưởng sanh, chính do sự tu tập, một loại tưởng diệt.
Rồi Đức Phật giảng về con đường giới định tuệ dẫn đến tâm giả thoát và tuệ giải thoát (như được ghi trong kinh Sa Môn Quả từ đoạn 43 đến 90)
Với tuệ giải thoát vị ấy có thể khiến các tưởng sanh khởi và chấm dứt:
Lại nữa này Potthapàda, khi Tỷ-kheo ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng". Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy, này Potthapàda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.
Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Trước đây ngươi đã nghe sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng này không?
- Bạch Thế Tôn, con không có nghe. Bạch Thế Tôn, nhưng nay con hiểu lời nói của Thế Tôn.
- Này Potthapàda, khi Tỷ-kheo ở đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này, khi đứng lại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng, có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên. Vậy ta hãy đừng có suy tưởng". Và vị này không có suy tưởng. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác cũng không khởi lên. Vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy này Potthapàda là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chỉ nói đến một tưởng tuyệt đỉnh hay nhiều tưởng tuyệt đỉnh?
- Này Potthapàda, Ta nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh.
- Bạch Thế Tôn, làm sao Thế Tôn nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh?
- Này Potthapàda, tùy theo vị ấy cảm thọ sự diệt tận (của một tưởng) sau tưởng khác, vị ấy đạt tới nhiều tuyệt đỉnh sai khác, cái này tiếp theo cái kia cho đến tuyệt đỉnh cuối cùng mà Ta nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh. Này Potthapàda như vậy Ta nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh.
Bạch Thế Tôn, tưởng khởi trước, trí khởi sau; hay trí khởi trước tưởng khởi sau; hay tưởng và trí cùng khởi một lần không trước không sau?
- Này Potthapàda, tưởng khởi trước trí mới khởi sau, do tưởng sanh, trí mới sanh. Vị ấy tuệ tri: "Do duyên tưởng, trí sanh ra nơi ta". Này Potthapàda, với lời dạy này cần phải hiểu tưởng sanh trước trí sanh sau, tưởng sanh trí mới sanh.

Những điểm quan trọng:
Tưởng hay tri giác là luận cứ để nói về linh hồn theo thường thức nhất là các tôn giáo
Linh hồn thường được xem là thường hằng bất biến (đối ngược với thân xác giả hợp) và cũng được quan niệm chính là chân ngã (trong bài kinh nầy gọi là abhisanna)
Phật Pháp dạy về sự nhận thức là hiện hữu của giòng tâm thức
Giòng tâm thức đó là sự nối kết liên tục của những sát na sanh diệt
Với sự tu tập đúng cách một người có thể khiến nhận thức sanh khởi hay diệt tận



Linh hồn và bản ngã
 21. - Bạch Thế Tôn, tưởng có phải là tự ngã của con người hay tưởng khác, tự ngã khác?

- Này Potthapàda, ngươi hiểu tự ngã như thế nào?

- Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành, và do đoàn thực nuôi dưỡng.

- Này Potthapàda, nếu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, như vậy này Potthapàda, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sử tự ngã ấy là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

22. - Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn.

- Này Potthapàda, nếu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, như vậy này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sử tự ngã ấy là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

- Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành.

23. - Này Potthapàda, nếu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, với sự nhận thức này Potthapàda, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sự tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, tuy vậy, một vài tưởng khác của người khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

24. - Bạch Thế Tôn, con có thể hiểu được chăng "tưởng là tự ngã của con người" hay "tưởng khác, tự ngã khác"?

- Này Potthapàda, thật khó cho ngươi biết được "tưởng là tự ngã của con người" hay "tưởng khác, tự ngã khác", vì ngươi có dị kiến, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác.

Những điểm quan trọng:


Những gì Phật dạy và những gì Phật không dạy
Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng khác, thân thể khác? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
 Này Potthapàda, Ta không trả lời: "Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại sau khi chết? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
Này Potthapàda, Ta không trả lời: "Như Lai tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
 Này Potthapàda, Ta không trả lời: "Như Lai không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
Này Potthapàda, Ta không trả lời: "Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?
Này Potthapàda, Ta không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội".
Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời?
Này Potthapàda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy, Ta không trả lời.
 Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn trả lời những gì?
 Này Potthapàda, Ta trả lời: "Ðây là khổ". Ta trả lời: "Ðây là khổ tập". "Ta trả lời: "Ðây là khổ diệt". Ta trả lời: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn trả lời?
Này Potthapàda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham,  đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy Ta trả lời.
 Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiên Thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Ngài làm gì Ngài xem là phải làm.
Và Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
 Thế Tôn rời khỏi chưa bao lâu, những du sĩ ngoại đạo ấy liền bao vây xung quanh du sĩ ngoại đạo Potthapàda và tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: "Potthapàda này là như vậy, những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapàda tán thành: "Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ như vậy là phải". Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới là vô thường", hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân thể khác", "hay Như Lai có tồn tại sau khi chết" hay "Như Lai không tồn tại sau khi chết" hay "Như Lai tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết".
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo Potthapàda nói với các du sĩ ngoại đạo kia:

 Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới là vô thường", hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân thể khác", hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không có tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết". Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp như thực, chơn chánh, chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc. Và khi một vị tuyên bố một phương pháp như thực, chân chánh, chân thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một người hiểu biết như tôi lại không tán thành?
 Hai ba ngày sau, Citta Hatthisàriputta và du sĩ ngoại đạo Potthapàda đi đến chỗ Thế Tôn. Khi đi đến nơi, Citta Hatthisàriputta đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên, còn du sĩ ngoại đạo Potthapàda, nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế Tôn:
 Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn rời khỏi chưa bao lâu những du sĩ ngoại đạo liền bao vây xung quanh con và tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: "Potthapàda này là như vậy. Những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapàda tán thành: "Bạch Thế Tôn, như vậy là phải, Bạch Thiện Thệ như vậy là phải". Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: "Thế giới là thường còn", hay "Thế giới là vô thường", hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân thể khác", hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết". Khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo kia: "Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: "Thế giới là thường con", hay "Thế giới là vô thường", hay "Thế giới là hưu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng khác, thân thể khác" hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết". Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp như thực, chơn thánh, chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc. Và khi một vị đã tuyên bố một phương pháp như thực, chơn chánh, chơn thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một người hiểu biết như tôi lại có thể không tán thành?"
Này Potthapàda, những vị du sĩ ngoại đạo ấy là mù, không có mắt, chỉ có ngươi là người có mắt độc nhất giữa chúng. Này Potthapàda, có những pháp được Ta truyền thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapàda, có những pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp gì được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát? "Thế giới là thường còn", Này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. "Thế giới là vô thường", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. "Thế giới là hữu biên", này Potthapàda... "Thế giới là vô biên", này Potthapàda... "Sinh mạng và thân thể là một", này Potthapàda... "Sinh mạng khác, thân thể khác", này Potthapàda... "Như Lai có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda... "Như Lai có tồn tại và cũng không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda ... "Như Lai không có tồn tại và cũng không không có tồn tại sau khi chết", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát.
Này Potthapàda, vì sao những pháp ấy lại được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát? Này Potthapàda, những pháp này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy những pháp ấy được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp gì được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát? "Ðây là khổ", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. "Ðây là khổ tập", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. "Ðây là khổ diệt", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt", này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát.
Này Potthapàda, vì sao những pháp ấy được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát? Này Potthapàda, những pháp ấy thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy những pháp ấy được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát.
Này Potthapàda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Ta đến những vị ấy và hỏi: "Có phải quý Ðại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Khi được Ta hỏi như vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: "Chư Ðại đức có sống và đã biết đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?". Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Ðại đức có tự thân cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?". Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không?
Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có nghe tiếng nói của chư thiên, đã được sinh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. "Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hành. Này các vị hãy thực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc" không? Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời không. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chánh xác hợp lý?

 Như có một người nói: "Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?" Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, hay thành phố nào?" Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và ái luyến một người Ông không biết, Ông không thấy?" Ðược hỏi vậy vị ấy trả lời phải. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia là không chánh xác hợp lý?

Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý.
 Như vậy này Potthapàda, những Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh", Ta đến những vị ấy và hỏi: "Có phải quý Ðại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Khi được hỏi như vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: "Chư Ðại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Ðại đức có tự nhận cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?". Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không? Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có nghe tiếng nói của chư thiên đã được sinh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc: 'Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hạnh! Này các vị, hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc! Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc' không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Này Potthapàda, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chánh xác, hợp lý?

 Vâng phải, bạch Thế Tôn sự kiện là như vậy, theo lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý.

 Này Potthapàda, như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: "Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Ðông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?" Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải, Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?" Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Potthapàda ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý?

Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý.

 Như vậy này Potthapàda, những Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Ta đến những vị ấy và hỏi: "Có phải quý Ðại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: "Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh". Khi được hỏi vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: "Chư Ðại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Vậy chư Ðại đức có tự tâm cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?" Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: "Chư Ðại đức có nghe tiếng nói của chư thiên đã được sinh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc: 'Này các vị, hãy cố gắng thực hành! Này các vị, hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc' không?" Khi được nói vậy, các vị ấy trả lời là không. Này Potthapàda, ngươi nghĩ như thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn, kia là không chánh xác, hợp lý.

Những điểm quan trọng:

Ba thứ ngã chấp
 Khi nghe nói vậy, Citta Hatthisàriputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, trong khi có thô phù ngã chấp, phải chăng không có ý sở thành ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Thô phù ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch Thế Tôn, trong khi có ý sở thành ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Ý sở thành ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch Thế Tôn, trong khi có vô sắc ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã chấp, không có ý sở thành ngã chấp? Vô sắc ngã chấp khi ấy thật có tồn tại.
Này Citta, trong khi có thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã chấp. Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, nếu có người hỏi ngươi: "Ngươi đã có tồn tại ở quá khứ hay không? Ngươi sẽ tồn tại ở tương lai hay không? Ngươi có tồn tại ở hiện tại không?" Này Citta, được hỏi vậy, ngươi trả lời như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: "Ngươi đã có tồn tại ở quá khứ hay không? Ngươi sẽ tồn tại ở tương lai hay không? Ngươi có tồn tại ở hiện tại hay không?" Bạch Thế Tôn được hỏi vậy, con sẽ trả lời: "Tôi đã có tồn tại ở quá khứ, không phải không tồn tại; tôi sẽ tồn tại ở tương lai, không phải không tồn tại; tôi tồn tại ở hiện tại, không phải không tồn tại". Bạch Thế Tôn, nếu được hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vậy.
Này Citta, nếu có người hỏi lại ngươi: "Quá khứ ngã chấp mà Ngươi đã có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà Ngươi sẽ có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Hiện tại ngã chấp mà Ngươi hiện có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại?" Này Citta, được hỏi vậy, Ngươi trả lời thế nào?
- Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: "Quá khứ ngã chấp mà Ngươi đã có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà Ngươi sẽ có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Hiện tại ngã chấp mà Ngươi hiện có, có phải ngã chấp ấy đối với Ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại?" Bạch Thế Tôn, nếu được hỏi vậy, con sẽ trả lời: "Quá khứ ngã chấp mà tôi đã có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà tôi sẽ có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại. Hiện tại ngã chấp mà tôi hiện có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại". Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy, con sẽ trả lời như vậy.
Như vậy này Citta, trong khi có thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã chấp. Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp.
Này Citta, ví như từ bò cái sanh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc, từ lạc sanh ra sanh tô, từ sanh tô sanh ra thục tô, từ thục tô sanh ra đề hồ. Khi thành sữa thời sữa ấy không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không thuộc đề hồ, chính khi ấy thuộc sữa; khi thành lạc... khi thành sanh tô... khi thành thục tô... khi thành đề hồ thời đề hồ không thuộc sữa, không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc đề hồ.
Như vậy này Citta trong khi có thô phù ngã chấp... Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp... Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, chúng chỉ là danh tự thế gian, ngôn ngữ thế gian, danh xưng thế gian, ký pháp thế gian. Như Lai dùng chúng nhưng không chấp trước chúng.
Ở đoạn kết bài kinh, tu sĩ ngoại giáo Potthapàda quy y Tam Bảo và Citta Hatthisàriputta xin xuất gia và trở thành một vị A La Hán




ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. ' Thuật ngữ abhisaññā có được tìm thấy ở nơi nào trong Tam Tạng kinh điển? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Tại sao quan niệm linh hồn của nhiều Phật tử ngày nay giống với Bà la môn giáo hơn là Phật Pháp? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3. Tin rằng “tâm thức có thể thay đổi, có thể chuyển hoá” có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự tu tập? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 4 : Tâm thức theo Phật Pháp sanh khởi do nhiều nhân nhiều duyên như vậy phải chăng có những yếu tố của quá khứ mà cũng có yếu tố hiện tại? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5. Nếu tin cuộc sống là vô ngã có khiến chúng ta mất phương hướng? - TT Pháp Tân


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây được xem là hợp lý theo Phật học
: A. Người đời nói con người có hai phần hồn và xác; Phật Pháp dạy con người có thân và tâm /
 B. Người đời quan niệm linh hồn là hằng cữu; Phật Pháp dạy tâm thức là một giòng sanh diệt /
 C. Người đời quan niệm là linh hồn hiện hữu không bị chi phối bời điều kiền vì thường hằng bất biến; Phật pháp dạy tâm thức sanh diệt do nhân do duyên / 
D. Cả ba câu trên đều hợp lý


TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1:D

Trắc nghiệm 2. Ngụ ngôn có chuyện một người đi chợ mua một thau sữa vào sáng sớm rồi đem gởi ở nhà người bạn nhà cạnh chợ. Buổi chiều người ấy trở lại lấy sữa đã gởi. Bấy giờ người nầy nhận ra rằng sữa chua nên bảo với người người bạn: đây không phải là sữa tôi gởi. Người bạn trả lời đó chính là sữa bạn đã gởi không phải thứ gì khác. Vậy thì sữa buổi sáng và sữa buổi chiều là hai hay là một? 
A. Là hai vì chua và không chua khác nhau / 
B. Là một vì có ai thay khác đâu /  
 C. Cùng thau sữa nhưng vị đổi khác vì thời gian nên không thể nói là một cũng không thể nói là hai /
 D. Cả ba câu trên đều đúng 


ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 2: D

No comments:

Post a Comment