Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/8/2018
13. Kinh Tevijja (Tam minh)
Đại Ý
Một thời Thế Tôn đang du hành ở Kosala (Câu-tát-la) cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị và đi đến một làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Manasàkata. Tại đây, ở Manasakata, Thế Tôn trú tại một vườn xoài trên bờ sông Aciravati (A-trí-la-phạt-để), phía Bắc làng Manasàkata. Lúc ấy có một cuộc đàm luận giữa các Bà la môn uyên thâm ba bộ Veda về đề tài chánh đạo dẫn đến sự cộng trú với Phạm Thiên
Bà la môn giáo (sau nầy gọi là Ấn giáo) có quan niệm về thượng đế tinh tế hơn tất cả quan niệm thần ngã của các tôn giáo khác trên thế giới. Thay vì quan niệm thượng để là đất toàn năng tối tôn có quyền ban phúc giáng hoạ thì họ quan niệm thượng đế là đấng hoàn toàn thanh tịnh (Brahma - Phạm Thiên). Con đường tu hành chân chính là phương pháp thanh tịnh hoá thân tâm để cộng trú với Phạm thiên.
Dù nhiều cuộc tranh luận diễn ra nhưng không ai thuyết phục được ai nên có một đề nghị được tất cả đồng thuận là đem đề tài nầy đến hỏi Đức Phật.
Hai Bà-la-môn Vàsettha và Bhàradvàja là những học giả uyên thâm được đề cử đến gặp Đức Thế Tôn.
Chưa từng thấy biết gì về Thượng đế
Khi được nghe thuật lại về cuộc tranh luận, Đức Phật đã hỏi ba lần
- Này Vàsettha, có phải Ngươi nói: "Chúng dẫn đến?"
Vàsettha xác nhận là đúng là quan điểm các vị Bà La Môn nói về con đường dẫn đến cộng trú với Phạm Thiên.
Và Đức Phật đã nêu những câu hỏi:
Có Bà-la-môn nào trong những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà tận mặt đã thấy Phạm thiên?
Có tôn sư nào của các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên?
Có Bà-la-môn nào cho đến bảy đời tôn sư và đại tôn sư của những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt nhìn thấy Phạm thiên?
Những vị tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, trì tụng và ngâm giảng như các vị Atthaka (A-sá-ca) Vàmaka (Bà-ma), Vàmadeva (Bà-ma-đề-bà), Angirasa (Ương-kỳ-sá), Bhàradvàja (Bạt-la-đà-phan-xà), Vàsettha (Bà-tất-sá), Kassapa (Ca-diếp), Bhagu (Bà-cữu), những vị này có nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy chỗ ở Phạm thiên, chỗ đến Phạm thiên, chỗ đi Phạm thiên?"
Được hỏi vậy, Vàsettha xác nhận
- Tôn giả Gotama, không có vị nào.
Tánh cách vô lý khi không biết, không thấy mà mong muốn
Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các đại tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các Bà-la-môn cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, không thể tận mắt thấy được Phạm thiên. Ngươi cũng nói những tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia các thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, cũng trì tụng và giảng dạy như các vị Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu". Như vậy các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến sự cộng trú với Phạm thiên nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?
- Tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy thời lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý.
Thí dụ chuỗi người mù dẫn nhau đi hay về chuyện xưa bày nay làm mà không có cơ sở.
ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Như vậy, này Vàsettha lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, người đầu không thấy, giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, giống như lời nói mù quáng. Lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.
Thí dụ dốc lòng tu để đạt được cái mà chính mình chẳng biết hay một người tha thiết yêu một người mình không biết
Như có người nói: "Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp mà Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?" Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẩm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, ấp nào, hay thành phố nào?" Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và đã ái luyến một người Ông không biết, không thấy?" Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải.
Thí dụ thiên đường không điểm đến hay làm cầu thang mà không có tầng lầu
Như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: "Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Ðông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?". Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?". Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Vàsettha, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói người kia không chánh xác, hợp lý?
Thí dụ lời cầu khẩn vô vọng hay ý nguyện hai bờ sông nhập lại
Như sông Aciravati này, đầy tràn cho đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ bên kia, tìm đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia và muốn lội qua bờ bên kia. Người đứng bờ bên này kêu bờ bên kia và nói: "Bờ bên kia, hãy lại đây! Bờ bên kia, hãy lại đây". Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải vì người kia kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không?
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment