Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; ĐĐ Huy Niệm
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 15/11/2018
25. Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống (Udumbarikà-Sìhanàda sutta)
Thứ khổ tu có khả năng thanh tịnh hoá
Sự hướng thượng được bắt đầu từ nội tại. Sự cao quý của cuộc tu là ở nội tâm thanh tịnh. Sau khi nói về những ô nhiễm có thể xẩy ra trong sự khổ tu, Đức Phật nêu rõ con đường thanh tịnh hoá tự thân. Đó là con đường được ý thức tỉnh táo. Không rơi vào ngã chấp, tranh chấp, háo danh, háo lợi.
Nhưng đi xa hơn không phải chỉ có tránh những cạm bẩy mà còn có thanh lọc bằng giới, định và tuệ. Đức Phật không đi quá dài và chi tiết về tam học ở đây nhưng Ngài dạy rõ ba giai đoạn: từ bỏ ác hạnh, tu tập niệm định, thắp sáng tuệ giác. Chỉ thành tựu một phần vẫn chưa đủ mà phải hoàn tất hành trình. Sau khi nghe Đức Phật trình bày các tu sĩ ngoại đạo nhìn nhận đó là con đường thanh tịnh hoá chân thực.
Khi gia chủ Sandhāna biết được: “Nay các du sĩ ngoại đạo ấy đã bắt đầu nghe, đã bắt đầu để tai, đã bắt đầu chú tâm vào lời Thế Tôn dạy” thì vị nầy nhắc lại tuyên bố trịch thượng của Nigrodha từ ban đầu. Vị ấy tỏ ra ăn năn và xin sám hối với Đức Phật. Đức Thế Tôn dạy rằng Ngài thuyết pháp không phải vì muốn thâu nhận đệ tử mà vì ở đời “có những pháp bất thiện không được từ bỏ, làm cho cấu uế, đưa đến tái sanh, đem lại đau khổ, đưa lại quả khổ, đem lại già, bệnh, chết trong tương lai. Những pháp ấy, Như Lai thuyết giảng để diệt trừ chúng. Nếu các thực hành đúng theo lời giảng dạy, thời các pháp cấu uế của được trừ diệt, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và tự chứng biết, chứng ngộ, đạt đến an trú ngay trong hiện tại, trí tuệ cụ túc, viên mãn.”
Mặc dù nhìn nhận những lời Phật dạy là hợp ý nhưng các du sĩ ngoại đạo ấy không có khả năng đi xa hơn được để đón nhận lợi lạc.
CHÁNH KINH
[ Tu cao nhưng không tự cao]
- Này Nigrodha, ở đây người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không hoan hỷ, tâm tư không thỏa mãn. Này Nigrodha, người khổ hạnh, tu khổ hạnh này, vì khổ hạnh này, vị ấy không hoan hỷ, tâm tư không thỏa mãn. Như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không khen mình chê người … Như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không mê say, không nhiễm trước, không phóng dật. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không hoan hỷ; tâm tư không thỏa mãn. Này Nigrodha, người khổ hạnh … Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Do khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không khen mình chê người. Này Nigrodha, người khổ hạnh … Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Do khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không mê say, nhiễm trước, phóng dật. Này Nigrodha, người khổ hạnh … Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh, không phân biệt các thức ăn: “Món này thích hợp với ta, món này không hợp với ta.” Ðối với các thức ăn không thích hợp, vị ấy không cố ý từ bỏ. Ðối với các thức ăn thích hợp, vị ấy không nắm giữ, tham đắm, chấp trước, thấy các sự nguy hiểm, phân biệt chúng là không giải thoát, không thọ hưởng chúng. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Vị ấy không nghĩ rằng: “Vì mong mỏi được cúng dường, cung kính, danh vọng, các vua chúa sẽ cung kính ta; cũng vậy các vị đại thần, các vị Sát đế lỵ, các vị Bà la môn, các vị Gia chủ, các vị Giáo chủ các giáo phái.” Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không chống báng một vị Sa môn hay Bà la môn khác: “Người này sống ăn đủ mọi thứ. Như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhành cây sanh, hạt giống từ đốt sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh, nhai nghiền chúng tất cả, với tầm sét không bánh xe được gọi là xương quai hàm. Và người ta gọi vị ấy là vị Sa môn. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh thấy một Sa môn hay Bà là môn được các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường. Thấy vậy, vị ấy không nghĩ rằng: “Các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường người sống ăn uống đủ mọi thứ. Các gia đình ấy không cung kính, kính trọng, lễ bái, cũng dường ta, một người tu khổ hạnh.” Do vậy vị ấy không sanh tật đố, ganh ghét đối với các gia đình. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không trở thành người ngồi giữa công chúng. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh, khi đi giữa các gia đình (để khất thực), không dấu diếm mà để cho người ta thấy mình: “Như vậy là khổ hạnh của ta, như vậy là khổ hạnh của ta.” Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không làm bộ có vẻ bí mật. Khi được hỏi: “Có chấp nhận điều này không?” Nếu không chấp nhận thì trả lời: “Không chấp nhận.”; nếu có chấp nhận thì trả lời: “Có chấp nhận.” Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, khi Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp và dùng một phương pháp đáng được chấp nhận, thì vị khổ hạnh chấp nhận. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không tức giận và không ôm lòng oán thù. Này Nigrodha, vì người khổ hạnh không tức giận và không ôm lòng oán thù, như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không giả dối và lừa đảo, không tật đố và hà tiện, không giảo hoạt và ngụy trá, không cứng cỏi và quá mạn, không có ác ý và bị ác ý chi phối, không có tà kiến và tư tưởng cực đoan, không chấp trước kinh nghiệm tự thân, không cứng đầu và khó giải thoát. Vì người khổ hạnh không chấp trước kinh nghiệm tự thân và không cứng đầu khó giải thoát, nên vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.
Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thì các khổ hạnh ấy là thanh tịnh hay không thanh tịnh?
- Bạch Thế Tôn, sự kiện là như vậy, thì các khổ hạnh ấy là thanh tịnh, không phải phải không thanh tịnh; các khổ hạnh ấy đạt đến tối thượng, đạt đến căn bản.
[Thăng hoa bằng giới]
- Này Nigrodha, những khổ hạnh như vậy chưa đạt đến tối thượng, chưa đạt đến căn bản, chúng chỉ mới đạt đến vỏ bên ngoài mà thôi.
- Bạch Thế Tôn, như thế nào các khổ hạnh đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản? Bạch Thế Tôn, thật tốt đẹp thay, nếu Thế Tôn khiến cho các khổ hạnh của chúng con đạt đến tối thượng, đạt đến căn bản.
- Này Nigrodha, ở đây, có vị khổ hạnh tu bốn pháp chế ngự. Và này Nigrodha, thế nào là bốn pháp chế ngự? Này Nigrodha, vị khổ hạnh không có tự sát sanh, không có bảo người khác sát sanh, không có tùy hỷ sát sanh; không có lấy của không cho, không có khiến người khác lấy của không cho, không có tùy hỷ lấy của không cho, không có nói láo, không có khiến người khác nói láo, không có tán thán nói láo; không có tham vọng dục tình, không có khiến người khác có tham vọng dục tình, không có tán thán tham vọng dục tình. Như vậy, này Nigrodha người khổ hạnh ấy tu hành bốn pháp chế ngự. Này Nigrodha, do người khổ hạnh tu hành bốn pháp chế ngự như vậy, sự khổ hạnh tu hành bốn pháp chế ngự như vậy, vị ấy tiến lên, chớ không rơi xuống hạ phẩm.
[Thăng hoa bằng định]
Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như ngôi rừng, gốc cây, trên khe núi, trong hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, hay đống rơm. Sau khi ăn xong đi khất thực về, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, an trú với tâm thoát ly tham ái, gột sạch tâm hết tham ái. Từ bỏ sân tâm, an trú với tâm thoát ly sân tâm, khởi lòng thương tưởng mọi loài chúng sanh, gột sạch tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, an trú với tâm thoát ly hôn trầm thụy miên, tưởng niệm đến ánh sáng, chánh niệm, tỉnh giác, gột sạch tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo hối, an trú tâm thoát ly trạo hối, nội tâm an tịnh, gột sạch tâm hết trạo hối. Từ bỏ nghi hoặc, an trú với tâm thoát ly nghi ngờ, không còn nghi hoặc, gột sạch tâm không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp.
Từ bỏ năm triền cái ấy, với trí tuệ làm cho các tâm cấu uế giảm nhẹ, vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy an trú với tâm câu hữu với bi … với tâm câu hữu với hỷ … biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, các khổ hạnh là thanh tịnh hay không thanh tịnh?
- Bạch Thế Tôn, sự kiện là như vậy, các khổ hạnh là thanh tịnh, không phải không thanh tịnh, đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản.
- Này Nigrodha, các khổ hạnh như vậy chưa đạt đến tối thượng, chưa đạt đến căn bản, chỉ đạt đến ngoài vỏ thôi.
- Bạch Thế Tôn, những khổ hạnh phải như thế nào mới đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản? Lành thay, nếu Thế Tôn khiến cho các khổ hạnh của con đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản.
- Này Nigrodha, ở đây một vị khổ hạnh sống chế ngự bởi bốn pháp chế ngự. Và như thế nào … như vậy, này Nigrodha, vị khổ hạnh sống chế ngự bởi bốn pháp chế ngự. Này Nigrodha, do vị khổ hạnh tu hành bốn pháp chế ngự như vậy, sự khổ hạnh của vị ấy là như vậy, vị ấy tiến lên chớ không rơi xuống hạ phẩm. Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng … Từ bỏ năm triền cái ấy, với trí tuệ làm cho các tâm cấu uế giảm thiểu, vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ … quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy dẫn tâm hướng đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh tại chỗ ấy. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ ấy, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thì các khổ hạnh là thanh tịnh hay không thanh tịnh?
- Bạch Thế Tôn, sự kiện là như vậy, thì các khổ hạnh là thanh tịnh, không phải không thanh tịnh, và đạt đến tối thượng, đạt đến căn bản.
[Thăng hoa bằng tuệ giác]
- Này Nigrodha, các khổ hạnh như vậy chưa đạt đến tối thượng, chưa đạt đến căn bản, chúng chỉ đạt đến phía gỗ xung quanh lõi mà thôi.
- Bạch Thế Tôn, các khổ hạnh phải như thế nào mới đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản? Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn khiến cho các khổ hạnh của con đạt được tối thượng và đạt đến căn bản.
- Này Nigrodha, ở đây vị khổ hạnh sống chế ngự bởi bốn pháp chế ngự. Và thế nào … Như vậy, này Nigrodha, vị khổ hạnh sống chế ngự bởi bốn pháp chế ngự, Này Nigrodha, do vị khổ hạnh tu hành bốn pháp chế ngự như vậy, vị ấy tiến lên chứ không rơi xuống hạ phẩm. Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng … Từ bỏ năm triền cái ấy, với trí tuệ làm cho tâm cấu uế giảm thiểu, vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ … Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy dẫn tâm hướng đến Túc mạng minh, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời … Như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. “Này các Hiền giả, những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phê phán các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, cõi Trời, trên đời này”. Như vậy vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Nếu sự kiện là như vậy, các khổ hạnh là thanh tịnh hay không thanh tịnh?
- Bạch Thế Tôn, sự kiện là như vậy, các khổ hạnh là thanh tịnh, không phải không thanh tịnh, đạt đến tối thượng, đạt đến căn bản.
- Này Nigrodha, các khổ hạnh như vậy đạt đến tối thượng và đạt đến căn bản. Này Nigrodha, như Ngươi hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, Pháp gì là Pháp của Thế Tôn? Với Pháp nào, Thế Tôn muốn dạy các đệ tử? Với Pháp nào các đệ tử của Thế Tôn được huấn dạy, đạt đến tịnh lạc và xác nhận là căn bản phạm hạnh?” Này Nigrodha, Ta nói rằng thật là một vấn đề cao thượng hơn và thuần nhất hơn mà Ta huấn dạy các đệ tử, đạt đến tịnh lạc và xác nhận là căn bản phạm hạnh.
Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy lớn tiếng cao giọng ồn ào nói lớn
—Ở đây, các Tôn sư của chúng ta hoàn toàn bất lực. Chúng ta không biết gì tốt hơn và cao hơn lời dạy của họ.
[Lời cầu sám hối]
Khi gia chủ Sandhāna biết được: “Nay các du sĩ ngoại đạo ấy đã bắt đầu nghe, đã bắt đầu để tai, đã bắt đầu chú tâm vào lời Thế Tôn dạy”, liền nói với du sĩ Nigrodha
—Này Tôn giả Nigrodha, Tôn giả nói với tôi như sau: “Gia chủ có biết không? Sa môn Gotama luận đàm với ai. Ðối thoại với ai? Với ai đạt được tuệ trí? Trí tuệ của Sa môn Gotama bị hư hoại vì sống với không xứ, Sa môn Gotama không giỏi để điều khiển một hội chúng, không đủ sức để đối thoại, chỉ đề cập đến những vấn đề ngoại biên. Cũng như con bò một mắt, đi vòng tròn và chỉ đi phía bên ngoài. Cũng vậy, trí tuệ của Sa môn Gotama bị hư hoại vì sống với không xứ, Sa môn Gotama không giỏi để điều khiển một hội chúng, không đủ sức để đối thoại, chỉ đề cập đến những vấn đề ngoại biên. Này Gia chủ, nếu Sa môn Gotama đến tại hội chúng này, chỉ có một câu hỏi, chúng tôi có thể chận đứng ngay; chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể lăn tròn Sa môn Gotama như lăn tròn một cái bình không.” Này Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến đây. Hãy nêu rõ Thế Tôn không thể điều khiển hội chúng, hãy chứng tỏ Thế Tôn như con bò một mắt, chỉ biết đi vòng xung quanh, với một câu hỏi, hãy chận đứng Thế Tôn lại, và làm cho Thế Tôn lăn tròn, như Tôn giả nghĩ, như một cái bình không.
Khi nghe nói vậy, du sĩ Nigrodha ngồi im lặng, ủ rũ, vai sụp xuống, gục đầu, ưu tư, câm miệng.
Thế Tôn khi biết được du sĩ Nigrodha im lặng, ủ rũ, vai sụp xuống, gục đầu, ưu tư, câm miệng như vậy, liền nói với du sĩ Nigrodha
—Này Nigrodha, có phải Ngươi nói như vậy chăng?
- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nói như vậy, thật là ngu ngốc, si ám và bất thiện.
- Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có bao giờ nghe các vị du sĩ niên cao, trưởng thượng, bậc Tổ sư truyền thống nói như sau: “Các vị A la hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, các vị Thế Tôn này khi nào hội họp lại, quy tụ lại, ồn ào, cao giọng, lớn tiếng, chung sống bàn cãi về những phiếm luận vô ích, như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm … câu chuyện về hiện hữu và không hiện hữu, như Ngươi và Sư trưởng của Ngươi hiện nay đang làm? Hay là những bậc Thế Tôn ấy an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng, ít tiếng, ít động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt của người đời, thích hợp cho sự tĩnh tu, như hiện Ta đang sống chăng?
- Bạch Thế Tôn, con được nghe các vị du sĩ niên cao, trưởng thượng, bậc Tổ sư truyền thống nói như sau: “Các vị A la hán, Chánh Ðẳng Giác, trong quá khứ, các vị Thế Tôn này khi nào hội họp lại, quy tụ lại, thời không ồn ào, cao giọng, lớn tiếng, chung sống bàn cãi về những phiếm luận vô ích, như câu chuyện về vua chúa … câu chuyện về hiện hữu và không hiện hữu”, như con và Sư trưởng của con đang làm. Những bậc Thế Tôn ấy an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng, ít tiếng, ít động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt của người đời, thích hợp cho sự tịnh tu, như hiện nay Thế Tôn đang sống.
- Này Nigrodha, Ngươi là bậc có trí và niên trưởng, có bao giờ Ngươi suy nghĩ như sau: “Ðức Phật, bậc Giác Ngộ, thuyết giảng giáo pháp đưa đến giác ngộ; Thế Tôn là vị đã điều phục, thuyết giảng giáo pháp đưa đến sự điều phục; Thế Tôn bậc An Chỉ, thuyết giảng giáo pháp đưa đến An Chỉ; Thế Tôn là bậc đến bờ bên kia, thuyết giảng giáo pháp đưa đến bờ bên kia; Thế Tôn bậc Tịnh Lạc, thuyết giảng giáo pháp đưa đến sự tịnh lạc.
Khi nghe nói vậy, du sĩ Nigrodha, bạch Thế Tôn
—Bạch Thế Tôn, con đã phạm tội một cách ngu si, mờ ám, bất thiện, khi con nói về Thế Tôn như vậy. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp thuận cho tội ấy là phạm tội, để con ngăn ngừa về sau.
- Này Nigrodha, thật sự Ngươi đã phạm tội một cách ngu si, mờ ám, bất thiện, khi Ngươi nói về Ta như vậy. Này Nigrodha, khi Ngươi đã thấy phạm tội là phạm tội và phát lộ đúng với hành động, Ta chấp nhận tội của Ngươi. Này Nigrodha, như vậy là thông lệ giới luật của bậc Thánh, là ai thấy phạm tội là phạm tội và phát lộ đúng với hành động, thời tương lai sẽ được ngăn ngừa. Này Nigrodha, Ta nói cho Ngươi như sau: “Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chân trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp”. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử, từ bỏ gia đình xuất gia tu đạo. Vị ấy cần có bảy năm. Này Nigrodha, đâu cần phải bảy năm! Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, chỉ cần có sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm … chỉ cần bảy tháng, một tháng, nửa tháng. Này Nigrodha, đâu cần có nửa tháng! Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chơn trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày.
Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói vậy là muốn có đệ tử.” Này Nigrodha, Ngươi chớ có hiểu như vậy. Bổn sư Ngươi là ai, hãy giữ nguyên vị Bổn sư ấy cho Ngươi. Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói vậy là muốn chúng tôi từ bỏ kinh tụng của chúng tôi”. Này Nigrodha, Ngươi chớ có hiểu như vậy. Kinh tụng của Ngươi là gì, hãy giữ nguyên kinh tụng ấy cho Ngươi. Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói như vậy là muốn chúng tôi từ bỏ nghề sống của chúng tôi.” Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Nghề sống của Ngươi là gì, hãy giữ nguyên nghề sống ấy cho Ngươi. Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói vậy là muốn xác tín cho chúng tôi đối với các pháp bất thiện mà truyền thống Tổ sư chúng tôi đã xem là bất thiện.” Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Những pháp thiện gì của Ngươi và được xem là bất thiện do Tổ sư truyền thống, hãy giữ chúng nguyên như cũ. Này Nigrodha, Ngươi có thể nghĩ rằng: “Sa môn Gotama nói vậy là muốn cho chúng tôi từ bỏ những thiện pháp mà truyền thống Tổ sư chúng tôi đã xem là thiện pháp”. Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Những thiện pháp của Ngươi và được xem là thiện pháp do Tổ sư truyền thống, hãy giữ chúng nguyên như cũ. Này Nigrodha, Ta nói vậy không phải vì muốn có đệ tử; Ta nói vậy không phải vì mốn khiến các Ngươi từ bỏ kinh tụng, Ta nói vậy không phải vì muốn khiến các Ngươi từ bỏ nghề sống; Ta nói vậy không phải vì muốn xác tín cho các Ngươi đối với các pháp bất thiện mà truyền thống Tổ sư đã xem là bất thiện; Ta nói vậy không phải vì muốn cho các Ngươi từ bỏ những thiện pháp mà truyền thống Tổ sư đã xem là thiện pháp.
Và này Nigrodha, có những pháp bất thiện không được từ bỏ, làm cho cấu uế, đưa đến tái sanh, đem lại đau khổ, đưa lại quả khổ, đem lại già, bệnh, chết trong tương lai. Những pháp ấy, Ta thuyết giảng để diệt trừ chúng. Nếu các Ngươi thực hành đúng theo lời giảng dạy, thời các pháp cấu uế của ngươi được trừ diệt, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và các ngươi sẽ tự chứng biết, chứng ngộ, đạt đến an trú ngay trong hiện tại, trí tuệ cụ túc, viên mãn.
Khi được nói vậy, các du sĩ ấy đều ngồi im lặng, ủ rũ, vai sụp xuống, cúi đầu, ưu tư, câm miệng, như tâm của họ bị Ma vương chi phối.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: “Tất cả kẻ ngu si này bị ác ma xâm nhập, không có một ai có ý nghĩ: “Hãy đến, chúng ta hãy sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Sa môn Gotama”. Còn nói gì đến thời gian bảy ngày!”
Rồi Thế Tôn rống tiếng rống con sư tử trong ngôi vườn của nữ hoàng Udumbarikà dành cho hàng du sĩ, bay trên hư không, và hạ xuống núi Kỳ xà quật. Còn gia chủ Sandhānatrở vào thành Vương Xá.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Sự thành tựu quả vị chánh giác của Đức Phật phải chăng một phần do sáu năm tu khổ hạnh? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 3. Đối với người tu Phật trong trường hợp nào sự an lạc là tốt? trong trường hợp nào sự đau khổ thắp sáng tuệ giác? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận.
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Sự khổ tu được chấp nhận và khuyến khích trong Phật Pháp phù hợp với ý nghĩa nào sau đây :
A. Hành xác /
B. Cắn rứt nội tâm /
C. Tinh tấn khắc chế phiền não /
D. Sống bần hàn tuyệt đối
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 1 : C
Trắc nghiệm 2. Điều nào sau đây được Đức Phật dạy về pháp khổ hạnh (hành xác):
A. Đó là sự thực hành tạo nên đau khổ /
B. Không xứng đáng với phẩm hạnh các bậc thánh /
C. Vô ích /
D. Cả ba điều trên
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2: D
Trắc nghiệm 2. Điều nào sau đây được Đức Phật dạy về pháp khổ hạnh (hành xác):
A. Đó là sự thực hành tạo nên đau khổ /
B. Không xứng đáng với phẩm hạnh các bậc thánh /
C. Vô ích /
D. Cả ba điều trên
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2: D
No comments:
Post a Comment