Wednesday, November 14, 2018

Bài học. Thứ Tư ngày 14 tháng 11, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya

Giảng Sư; TT Pháp Đăng

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 14/11/2018 
25. Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống (Udumbarikà-Sìhanàda sutta)

II. KHỔ TU NHƯNG TẠO NÊN UẾ NHIỄM
 
Khổ tu thường được xem là điểm đáng tán thán với người tu hành. Trong xã hội Ấn từ ngàn xưa thì khổ tu thường được xem là có giá trị tuyệt đối. Đức Phật dạy sự khổ tu có hai mặt tốt và xấu. Trong đoạn kinh nầy Đức Phật đề cập đến những uế nhiễm mà một người khổ tu phải thấy được.
Trước hết là những đặc hạnh lập dị mà Phật Pháp gọi là giới cấm thủ. Thoạt nhìn thì có vẻ tu cao nhưng kỳ thật đó là những chấp trì vô ích, khác đời nhưng không có lợi ích thiết thực nhất là về mặt nội tâm.
Thứ hai,  nếu từ sự khổ tu làm tăng trưởng ngã chấp với sự tự hào thì càng tu càng phiền não.
Thứ ba, sự khổ tu thường tạo nên những hâm mộ và cúng dường của tín đồ. Từ đó sanh tâm nhiễm trước thì như vậy tự mình rơi vào cạm bẩy của danh lợi.
Thứ tư, nếu người khổ tu không khéo sẽ rơi vào trường hợp đề cao bản thân quá đáng và công kích người khác. Cách đánh giá cực đoan là nhân tạo nên thái độ “tự tán huỷ tha”.
Sau cùng, nếu người khổ tu được quần chúng “thần thánh hoá” đến mức độ không thể sống thật mà phải giả dối để che đậy khuyết điểm thì sự giả trá trở nên nguy hiểm.
Khi những du sĩ ngoại giáo Đức Phật dạy những điều nầy họ đều đồng ý. Dĩ nhiên Đức Phật, sau đó, đã nói về những thực hành khiến khổ tu dẫn đến thanh tịnh. 

CHÁNH KINH
[Thứ khổ hạnh tạo nên cấu uế]
- Này Nigrodha, ở đây có người tu khổ hạnh, sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận lời mời đi ăn, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống nước nấu rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà hay chỉ nhận ăn một miếng, chỉ nhận ăn tại bảy nhà hay chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột vải nīvaraṇa, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các khác vải khác, mặc vải tẩm liệm đã quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vải vỏ cây tipiṭaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người sống theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không ngồi, là người ngồi chõ hỏ; sống theo hạnh ngồi chõ hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che kín thân mình, sống và ngủ ngoài trời; theo hạnh bạ đâu nằm đầy, sống ăn các uế vật; theo hạnh ăn các uế vật, sống không uống các nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm. Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Như vậy có phải là thành tựu các pháp khổ hạnh hay không thành tựu?
- Bạch Thế Tôn, như vậy là thành tựu các pháp khổ hạnh, không phải không thành tựu.
- Này Nigrodha, sự thành tựu khổ hạnh như vậy, Ta nói rằng sẽ đưa đến nhiều loại cấu uế.
- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn nói rằng sự thành tựu khổ hạnh như vậy sẽ đưa đến nhiều loại cấu uế?
- Này Nigrodha, ở đây một vị khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy hoan hỷ tâm tư thỏa mãn. Này Nigrodha, vị khổ hạnh do siêng tu khổ hạnh, phát sanh hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh, do khổ hạnh này, vị này khen mình chê người. Này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy khen mình chê người. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh, do khổ hạnh này trở thành mê say, nhiễm trước, phóng dật. Này Nigrodha, vị tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy mê say, nhiễm trước, phóng dật. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được thọ lãnh cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn. Này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào; do khổ hạnh ấy được thọ lãnh cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn. Này Nigrodha, như vậy đó là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, nên khen mình chê người. Này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng này, nên khen mình chê người. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành mê say, chấp trước, phóng dật. Này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng này, trở thành mê say, chấp trước, phóng dật. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh, phân biệt các thức ăn: “Món này thích hợp với ta, món này không thích hợp với ta.” Ðối với các thức ăn không thích hợp thì cố ý từ bỏ. Ðối với các thức ăn thích hợp thì nắm giữ, tham đắm, chấp trước, không thấy các sự nguy hiểm, không phân biệt chúng là không giải thoát, thọ hưởng chúng … Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh, nhân vì mong mỏi được cúng dường cung kính danh vọng, nghĩ rằng: “Các vua chúa sẽ cung kính ta, cũng vậy các vị đại thần, các vị Sát đế lỵ, các vị Bà la môn, các vị Gia chủ, các vị Giáo chủ các giáo phái”. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh chống báng một Sa môn hay Bà la môn khác như sau: “Người này sống ăn uống đủ mọi thứ. Như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh, nhai nghiền chúng tất cả với tầm sét không bánh xe được gọi là xương quai hàm và người ta gọi vị ấy là một vị Sa môn. Này Nigrodha, như vậy, là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa này Nigrodha, người khổ hạnh thấy một Sa môn hay Bà la môn được các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường. Thấy vậy vị ấy nghĩ rằng: “Các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường người sống ăn uống đủ mọi thứ. Các gia đình ấy không cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường ta, một người tu khổ hạnh. Do vậy sanh tật đố, ganh ghét đối với các gia đình. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh trở thành người ngồi giữa công chúng. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh, khi đi giữa các gia đình (để khất thực) không cho người ta thấy mình: “Như vậy là khổ hạnh của ta, như vậy là khổ hạnh của ta.”. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh làm bộ có vẻ bí mật. Khi được hỏi: “Có chấp nhận việc này không?”, tuy không chấp nhận nhưng trả lời: “Có chấp nhận”; tuy chấp nhận, nhưng trả lời: “Không chấp nhận.” Như vậy, vị này cố tình nói láo. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, khi Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp và dùng một phương pháp đáng được chấp nhận thì người khổ hạnh không chấp nhận. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh hay tức giận và ôm lòng oán thù. Này Nigrodha, vì người khổ hạnh hay tức giận và ôm lòng oán thù. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh thường hay giả dối lừa đảo, tật đố và hà tiện, giảo hoạt và ngụy trá, cứng cỏi và quá mạn, có ác ý và bị ác ý chi phối, có tà kiến và tư tưởng cực đoan, chấp trước kinh nghiệm tự thân, cứng đầu và khó giải thoát. Này Nigrodha, vì một người khổ hạnh chấp trước kinh nghiệm tự thân, cứng đầu và khó giải thoát. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.
Này Nigrodha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự thật là như vậy thì những khổ hạnh có phải là cấu uế hay không cấu uế?
- Bạch Thế Tôn, những khổ hạnh như vậy thật là cấu uế, không phải cấu uế. Sự tình này có thể xảy ra, có người khổ hạnh có đầy đủ tất cả sự cấu uế trên, nói gì đến câu có cấu uế này hay cấu uế khác.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Một vị phát nguyện thọ trì hạnh đầu đà chỉ ăn trong bát, một ngày chỉ một lần thì khác biệt gì với một người thực hành giới cấm thủ? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Phải chăng những lời dạy về khổ tu nầy không phải chỉ dành cho các du sĩ ngoại đạo mà cho chính những người con Phật hôm nay? TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 3. Rõ ràng trong lời Phật dạy ở bài kinh nầy cho thấy ngay cả người khổ tu cũng dễ rơi vào những cạm bẩy phiền não. Chúng ta làm thế nào để tránh rơi vào những trường hợp như vậy? - ĐĐ Nguyên Thông

Thao luan 4. TT Giac Dang duc ket phan thao luan



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Sự khổ tu đầu đà trong Phật pháp và giới cấm thủ khác biệt do lý do nào sau đây?
 A. Người hành giới cấm thủ thực hành vì lập dị hay niềm tin dị đoan / 
B. Người khổ tu đầu đà hành trì để chế ngự tham ái với nhu cầu đời sống với mục đích dẫn tới giác ngộ giải thoát / 
C. Người tu đầu đà hành trì những gì được Đức Phật cho phép chứ không phải là những đặc hạnh tự chế hay bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Quyền cho đáp án Trắc nghiệm   1: D

Trắc nghiệm 2. Chứng bệnh khen mình chê người (tự tán huỷ tha) thường có trong giới tu hành. Tại sao vậy? 
A. Vì tính đố kỵ (hai ca sĩ ít khi khen nhau) /
 B. Vì quá cực đoan trong thái độ chọn lựa (cái gì mình chọn lựa thực hành thì phải là nhất) /
 C. Mặc cảm (nghe ai khen người khác thì nghĩ rằng chê mình kém cõi) / 
D. Cả ba nguyên nhân trên đều có thể

TT Pháp Tân cho đáp án Trắc nghiệm  2: D

No comments:

Post a Comment