Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
9. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI RẮN
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của loài rắn nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài rắn di chuyển bằng ngực. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên cư xử bằng tuệ. Tâu đại vương, tâm của vị hành giả cư xử bằng tuệ di chuyển ở trong khuôn khổ, tránh xa hiện tướng sai trái, phát triển hiện tướng tốt đẹp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài rắn nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rắn trong khi di chuyển thì di chuyển tránh xa loại dược thảo. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên hành xử, trong khi tránh xa ác hạnh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài rắn nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rắn sau khi nhìn thấy loài người thì bực bội, sầu muộn, suy nghĩ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi suy tầm về sự suy tầm xấu xa, sau khi làm sanh khởi sự không thích thú, nên bực bội, nên sầu muộn, nên suy nghĩ rằng: ‘Do ta bị xao lãng, mà ngày đã trôi qua, nó không thể đạt lại được nữa.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài rắn nên được hành trì.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Bổn Sanh Bhallāṭiya về hai kinnara (loài có chim đầu người):[9]
‘Này người thợ săn, vào cái đêm chúng tôi đã sống cách biệt,
không như ý muốn, luôn tưởng nhớ nhau,
cả một đêm ấy, trong khi hối tiếc,
chúng tôi sầu muộn; đêm ấy sẽ không có lần nữa.’”
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA loài rắn là thứ chín.
II. Thảo Luận: TTGiác Đẳng điều hợp.
1. Có những trạng thái buồn bực tốt cho sự tu tập vậy chúng ta không nên nói là người tu lúc nào cũng nên giữ trạng thái an lạc? - TT Pháp Tân
2. Chúng ta nên phân biệt thế nào giữa thiện tuệ và ác tuệ? - TT Tuệ Quyền
3. Nhiều người nói "sợ phiền não, sợ khổ đau" nhưng thực tế thì không thật sự "yểm ly khổ". Vậy thì tại sao? - ĐĐ Pháp Tín
4. TTGiác Đẳng tóm tắt bài học
No comments:
Post a Comment