Tuesday, February 11, 2014

Bài Học, Thứ Tư ngày 12-2-2014

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
                  
1. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI SƯ TỬ

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bảy tính chất của loài sư tử nên được hành trì,’ bảy tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài sư tử là (con thú) màu vàng nhạt, trắng trẻo, không vết nhơ, trong sạch. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có tâm màu vàng nhạt, trắng trẻo, không vết nhơ, trong sạch, nên xa lìa nỗi nghi hoặc. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài sư tử nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có bốn chân, có sự đi lại hùng dũng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự thực hành về bốn nền tảng của thần thông. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài sư tử nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có bờm lông xinh đẹp, ưng ý. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có bờm lông là giới, xinh đẹp, ưng ý. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài sư tử nên được hành trì.
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử, dầu ở vào trường hợp chấm dứt mạng sống, cũng không hạ mình đối với bất cứ ai. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, dầu ở vào trường hợp chấm dứt các vật dụng về y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh, cũng không nên hạ mình đối với bất cứ người nào. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của loài sư tử nên được hành trì.
5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có sự ăn vật thực theo tuần tự, (con mồi) rơi xuống ở chỗ nào, thì nó ăn cho đủ theo nhu cầu ngay tại chỗ ấy, không chọn lựa phần thịt ngon nhất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có vật thực theo tuần tự, không nên chọn lựa các gia đình, không nên đi đến các gia đình sau khi đã bỏ qua căn nhà trước đó, không nên chọn lựa thức ăn, vắt cơm được để xuống ở chỗ nào thì nên thọ thực chỉ vừa đủ cho việc duy trì cơ thể ở ngay tại chỗ ấy, không nên chọn lựa thức ăn cao sang. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của loài sư tử nên được hành trì.
6. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có thói không ăn đồ ăn tích trữ, sau khi ăn ở khu vực kiếm ăn một lần thì không đi đến nơi ấy lần nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự không thọ dụng vật tích trữ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ sáu của loài sư tử nên được hành trì.
7. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử không lo âu do đã không đạt được thức ăn, còn khi đã đạt được thức ăn thì thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên lo âu do đã không nhận được thức ăn, còn khi đã nhận được thức ăn thì nên thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự thoát ly. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ bảy của loài sư tử nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ cao quý trong khi tán dương trưởng lão Mahākassapa:
‘Này các tỳ khưu, vị Kassapa này tự biết đủ với đồ ăn khất thực loại này loại khác, là vị nói lời ca ngợi về sự tự biết đủ với đồ ăn khất thực loại này loại khác, không vì nguyên nhân đồ ăn khất thực mà phạm vào việc tầm cầu sai trái, không thích hợp, không lo âu do đã không nhận được thức ăn, và khi đã nhận được thức ăn thì thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự thoát ly.’”
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA loài sư tử là thứ nhất.


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.
1. Làm thế nào một người xuất gia có thế sống an bần lạc đạo? TT Pháp Tân
 2. Cái gì có thể khiến vị tăng sĩ sống không cầu cạnh, không lo lắng, không lệ thuộc trên phương diện tứ sự? - TT Tuệ Siêu
3. Theo Phật Pháp thì một người sống thế nào được gọi là lương thiện, vô tội? - TT Tuệ Quyền
4:Sự quan tâm lo lắng với nhu yếu của đời sống ở mức độ nào gọi là "trung đạo"? - TT Pháp Đăng
5  :  Phải chăng mong cầu nhiều làm người ta quỳ luỵ nhiều? - TT Pháp Tân và TT Tuệ Quyền




No comments:

Post a Comment