Thursday, January 25, 2018

Bài học. Thứ Năm ngày 25-1-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: ĐĐ Huy Niệm

Chương 8

VIII. Phẩm Song Ðôi


(VII) (77) Dục

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả Tỷ-kheo".

- Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2. - Này các Hiền giả, có tám hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là tám?

3. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, nhưng lợi dưỡng không đến. Do không được lợi dưỡng, vị ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, vị ấy sầu muộn, than khóc, bỏ rơi diệu pháp.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say, phóng dật, rơi vào tình trạng đắm say, phóng dật. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, trở thành đắm say, phóng dật và bỏ rơi diệu pháp.

5. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy do không được lợi dưỡng, nên sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, nên sầu muộn, than van và bỏ rơi diệu pháp.

6. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say phóng dật, rơi vào trạng thái đắm say, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, bị đắm say, bị phóng dật và bỏ rơi diệu pháp.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy dầu không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo, sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, và không bỏ rơi diệu pháp.

8. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng, vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy không đắm say, không phóng dật, vị ấy không có rơi vào đắm say, phóng dật. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, không bỏ rơi diệu pháp.

9. Ở đây, này các Hiền giả, trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy dầu không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ước muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không bỏ rơi diệu pháp.

10. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Vị ấy, với lợi dưỡng ấy, không đắm say, không phóng dật, không rơi vào trạng thái đắm say phóng dật. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, không bỏ rơi diệu pháp.

Này các Hiền giả, có tám hạng người này sống có mặt, hiện hữu ở đời.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp


Thảo luận  1. Có nên thay đổi cách tổ chức trong chùa để những người mới xuất gia có được quỹ chi tiêu cá nhân thay vì luôn bị ám ảnh bởi sự thiếu thốn?- TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Thông thường những vị xuất gia ít dành thì giờ "săn đón" đàn tín thì sống thiếu thốn. Trong trường hợp như vậy làm thế nào để vững lòng tu tập? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3. Tại sao có những vị xuất gia học nhiều, tu nhiều nhưng không thể vượt thắng những hệ luỵ về tài vật? - ĐĐ Huy Niệm

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng tường trình chuyến đi nhận chùa do Phật Giáo Tích Lan hiến cúng đến Phật Giáo Việt Nam


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment