Wednesday, March 23, 2016

Bài học. Thứ Tư ngày 23-3-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương Bốn Pháp
III. Phẩm Uruvelà

(X) (30) Các Du Sĩ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijihakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, nhiều du sĩ danh tiếng, có danh tiếng, sống tại khu vườn du sĩ trên bờ sông Sappini, như các du sĩ Annabhàra, Varadhara, Sakuludàyi, và một số du sĩ có danh tiếng khác.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến khu vườn của các du sĩ trên bờ sông Sappini, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:

2. Có bốn pháp cú này, này các Du sĩ, được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Thế nào là bốn?

Không tham, này các Du sĩ, là pháp cú được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Không sân, này các Du sĩ, là pháp cú được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Chánh niệm, này các Du sĩ, là pháp cú được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Chánh định, này các Du sĩ, là pháp cú được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn  có trí quở trách.

Bốn pháp cú này, này các Du sĩ, được biết là tối sơ, có đã lâu đời, được biết là truyền thống, kỳ cựu, không có tạp nhiễm, trước không bị tạp nhiễm, nay không bị tạp nhiễm, sẽ không bị tạp nhiễm, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

3. Này các Du sĩ, ai nói như sau: "Nhưng tôi sẽ chỉ ra một Sa-môn hay Bà-la-môn, dầu cho vị này có tự chứng được pháp cú không tham này; tuy vậy vị ấy vẫn có lòng tham, tham đắm sắc bén trong các dục". Ðối với người ấy, Ta có thể nói như thế này: "Hãy để vị ấy nói lên. Hãy để vị ấy trả lời, rồi Ta thấy uy đức của vị ấy". Thật vậy, này các Du sĩ, sự kiện này không xảy ra, rằng một Sa-môn hay Bà-la-môn như vậy đã tự mình chứng được pháp cú không tham sẽ được nêu rõ là có lòng tham, tham đắm sắc bén trong các dục. Này các Du sĩ, ai nói như sau: "Nhưng tôi sẽ chỉ ra một Sa-môn hay Bà-la-môn, dầu cho vị này có tự chứng được pháp cú không sân này, tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn có sân, trong ý vẫn có tư duy hiềm hận". Ðối với người ấy, Ta có thể nói như thế này: "Hãy để vị ấy nói lên, hãy để vị ấy trả lời, rồi Ta thấy uy đức của vị ấy". Thật vậy, này các Du sĩ, sự kiện này không xảy ra: rằng một Sa-môn hay Bà-la-môn đã tự chứng được pháp cú không sân này sẽ được nêu rõ là tâm vẫn có sân, trong ý vẫn có tư duy hiềm hận. Này các Du sĩ, ai nói như sau: "Nhưng tôi sẽ chỉ ra một Sa-môn hay Bà-la-môn, dầu cho vị này có tự chứng được pháp cú chánh niệm này, tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn thất niệm, không có tỉnh giác". Ðối với người ấy, Ta có thể nói như thế này: "Hãy để vị ấy nói lên, hãy để vị ấy trả lời, rồi Ta thấy uy đức của vị ấy". Thật vậy, này các Du sĩ, sự kiện này không xảy ra, rằng một Sa-môn hay Bà-la-môn, đã tự mình chứng được pháp cú chánh niệm sẽ được nêu rõ là thất niệm không có tỉnh giác. Này các Du sĩ, ai nói như sau: "Nhưng tôi sẽ chỉ ra một Sa-môn hay Bà-la-môn, dầu cho vị này có tự chứng được pháp cú chánh định này, tuy vậy vị ấy vẫn không định tĩnh, tâm vẫn dao động". Ðối với người ấy, Ta có thể nói như thế này: "Hãy để vị ấy nói lên. Hãy để vị ấy trả lời, rồi Ta thấy uy đức của vị ấy". Thật vậy, này các Du sĩ, sự kiện này không xảy ra, rằng một Sa-môn hay Bà-la-môn đã tự mình chứng được pháp cú chánh định, sẽ được nêu rõ là không định tĩnh, tâm vẫn dao động.

4. Này các Du sĩ, nếu có ai nghĩ rằng, cần phải chỉ trích, cần phải bài xích bốn pháp cú này, thời ngay trong hiện tại, bốn sự phản kháng chỉ trích xứ đúng pháp được khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn?

Nếu Tôn giả chỉ trích, bài xích pháp cú không tham, thời các Sa-môn hay Bà-la-môn nào có lòng tham, có lòng tham sắc bén đối với các dục, các vị ấy cần phải được Tôn giả đảnh lễ, các vị ấy cần phải được Tôn giả tán thán. Nếu Tôn giả chỉ trích pháp cú không sân.. chỉ trích pháp cú chánh niệm... chỉ trích pháp cú chánh định, thời các Sa-môn hay Bà-la-môn nào không định tâm, tâm bị dao động, các vị ấy cần phải được Tôn giả đảnh lễ, các vị ấy cần phải được Tôn giả tán thán.

5. - Này các Du sĩ, ai nghĩ rằng cần phải chỉ trích, cần phải bài xích bốn pháp cú này, thời ngay trong hiện tại, bốn sự phản kháng chỉ trích xứ đúng pháp này, được khởi lên cho vị ấy. Này các Du sĩ, cho đến các dân chúng ở Ukkala và dân chúng Vassà, dân chúng Bhannà theo vô nhân luận, theo vô tác luận, theo hư vô luận, những vị ấy cũng đã không nghĩ rằng bốn pháp cú này cần phải chỉ trích, cần phải bài xích. Vì cớ sao? Vì sợ bị quở trách, phẫn nộ, công kích.

6.

Thường không sân, chánh niệm,
Nội tâm khéo định tĩnh,
Tham nhiếp phục, học tập,
Ðược gọi không phóng dật.


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.
Thảo luận 1 . Sự mong mỏi kiếp sau sanh vào thiên đàng hay cực lạc để có đời sống lạc thú, hạnh phúc có được xem là tham cầu chăng? - ĐĐ Pháp Tín 


Thảo luận 2. Bênh vực lẽ phải bằng sự nặng nề, sân hận cũng là điều nên tránh với người tu tập? TT Pháp Đăng



 III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Tôn chỉ "không tham cầu - anabhijjhā" đồng nghĩa với điều nào sau đây?
 A. Không ái chấp, dính mắc
 / B. Sống nhạt nhẻo vô vị
 / C. Không tha thiết 
/ D. Không đam mê nhục dục (diệt dục)

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 1: A 
Trắc nghiệm 2. Sự hiềm hận- byapàda dù do bất cứ lý do nào cũng trở ngại cho điều nào sau đây:
 A. Không an lạc thanh thản 
/ B. Không phát triển được tâm từ 
/ C. Không nhìn tất cả chúng sanh với tâm chan hoà 
/ D. Cả ba câu trên đều đúng


ĐĐ Pháp Tín cho án câu 2 la D

No comments:

Post a Comment