Wednesday, March 30, 2016

Bài học. Thứ Tư ngày 30-3-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương Bốn Pháp
III. Phẩm Bánh Xe

(II) (33) Con Sư Tử

1. - Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó duỗi thân mình và chân. Sau khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn chung quanh bốn phương. Sau khi nhìn chung quanh bốn phương, nó rống lên tiếng rống con sư tử ba lần. Sau khi rống tiếng rống con sư tử ba lần, nó đi ra tìm mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không.

Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các dây da cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy tung cả phân và nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua các loài thú, đối với các loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vị ấy thuyết pháp: "Ðây là thân, đây là thân tập khởi, đây là thân đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thân diệt". Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên tuổi thọ dài, có dung sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm, họ nghĩ: "Chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta là không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư Thiên, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thuyết giảng như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

3.

Khi Phật với thắng trí,
Chuyển bánh xe Chánh pháp, 
Cho Thiên giới, Nhân giới,
Bậc Ðạo Sư vô tỷ,
Sự đoạn diệt thân uẩn, 
Sự hiện hữu thân uẩn
Và đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ diệt tận,
Chư Thiên được trường thọ,
Có dung sắc danh xưng,
Sanh khiếp đảm sợ hãi,
Như thú thấy sư tử,
Vì chưa thoát thân uẩn,
Nghe chúng ta vô thường,
Khi nghe lời Ứng Cúng,
Ðược giải thoát như vậy.



II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.
_Thảo luận câu : 1. Chữ sakkàya (thân) ở đây chỉ cho sắc uẩn hay cả năm uẩn? TT Pháp Tân 

Thảo luận câu : 2. Phải chăng thân kiến không đơn thuần là kiến thức sai lạc mà là một thứ chấp thủ lâu đời nhiều kiếp của chúng sanh? TT Tuệ Siêu 

Thảo luận câu : 3. Tại sao khi giảng về khổ diệu đế Đức Phật dùng câu "saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā-nói tóm lại chấp thủ năm uẩn là khổ"? TT Pháp Đăng 

Thảo luận câu : 4. Phải chăng để đoạn trừ thân kiến chúng ta phải tu tập hơn là đơn thuần vận dụng tri kiến?ĐĐ Pháp Tín 




 III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây chỉ cho thân kiến (sakkàyaditthi)? 
A. Chấp rằng sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn, trong sắc uẩn có ta, trong ta có sắc uẩn; thọ .. tưởng.. hành... thức ... 
B. Ái luyến ngoại hình đẹp xấu của thân
 /C. Đam mê vật chất 
/ D. Ham ăn mê ngủ

TT Tuệ Siêu cho đáp án  Câu Số 1: A

Trắc nghiệm   2. Dụ ngôn về lá cây nào sau đây được Đức Phật dùng để giảng về thân kiến?
 A. Nắm lá trong tay 
/ B. Lá trong sân chùa Kỳ Viên
 /  C. Lá vàng mùa thu 
/D. Lá non đầu hạ

ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 2 : B

Trắc nghiệm 3. Cái thấy biết nào sau đây giảm thiểu chấp thủ năm uẩn?
 A. Trực tiếp thấy được sự sanh và diệt của sắc, thọ, tưởng, hành, thức
 / B. Thấy được năm uẩ có tự tánh riêng không theo ý muốn của mình (thí dụ thân bị già dù mình không muốn vậy)
 / C. Thấy được sự đau khổ do chấp ngã đối với năm uẩn (thí dụ tham muốn sanh lo âu, sầu muộn) /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Quyền cho đáp án Câu Số 3 : D .

 Trắc nghiệm 4. Thí dụ nào sau đây được Đức Phật dùng để chỉ cho một vị đoạn tận thân kiến?
 A. Như cái chuông bễ
 / B. Như ngỗng trời rời ao 
/ C. Như đại địa bất động 
/ D. Cả ba câu trên


ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 4 : D 

No comments:

Post a Comment