Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Chương Bốn Pháp
III. Phẩm Bánh Xe
VII) (37) Không Thể Rơi Xuống
1. - Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể bị thối đọa, vị ấy gần Niết-bàn. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ giới? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thật hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn.
4. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo biết tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn."
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết tiết độ trong ăn uống.
5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày đi kinh hành, hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh một, vị ấy đi kinh hành hay trong lúc ngồi tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh giữa, vị ấy nằm dáng nằm con sư tử bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến thức dậy lại. Ban đêm, canh cuối, vị ấy thức dậy đi kinh hành hay trong lúc ngồi, tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.
Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thể thối đọa, tiến gần đến Niết-bàn.
6.
Tỷ-kheo an trú giới,
Sống chế ngự các căn,
Biết tiết độ ăn uống,
Và chú tâm cảnh giác,
Sống an trú như vậy,
Ngày đêm không mệt mỏi
Tu tập các thiện pháp,
Ðạt an ổn ách nạn,
Ưa thích không phóng dật,
Thấy sợ hãi phóng dật,
Không có thể thối đọa,
Tỷ-kheo gần Niết-bàn.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Thế nào là ý nghĩa của câu: Chấp nhận sự huấn luyện trong các học giới -samādāya sikkhati sikkhāpadesu - TT Tuệ Siêu2. Thế nào là ý nghĩa của câu: không nắm giữ tướng chung và tướng riêng - cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti - TT Tuệ Siêu
3. Thế nào là ý nghĩa của câu: diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới -iti purāṇañca vedanaṃ paṭihaṅkhāmi, navañca - TT Tuệ Siêu
4. Thế nào là ý nghĩa câu: tác ý thời điểm thức dậy - sato sampajāno uṭṭhānasaññaṃ manasi karitvā - TT Tuệ Siêu
5. Bốn pháp một vị tỳ kheo nên chấp tác trong đó có pháp tác ý. Giải thích về pháp tác ý như thế nào của một vị tỳ kheo? - TT Tuệ Siêu
6. Chánh niệm trong các trường thiền là chánh niệm trong đề mục và chánh niệm của các Tỳ Kheo sống trong rừng là khi giữ giới phải có chánh niệm sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặc thì cái nào gần gửi với kinh điển hơn? - TT Tuệ Siêu
7. Bài kinh hôm nay thuộc về Pháp hay về Luật? - TT Tuệ Siêu
8. Có nên áp dụng 4 pháp trong bài học hôm nay vào các sinh hoạt trong một ngôi chùa không? - TT Tuệ Siêu
9. Nếu trong một năm có một tuần lễ sinh hoạt Chư Tăng và các Phật tử nhóm họp lại để sống tu tập 4 pháp này thì có giúp ích gì cho Phật Pháp không? - TT Tuệ Siêu
III. Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment