Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
Chương Bốn Pháp
V. Phẩm Rohitassa
(IX) (49) Tưởng Ðiên Ðảo
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?
Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này.
2. Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế nào là bốn?
Trong vô thường, nghĩ là vô thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong khổ, nghĩ là khổ, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là vô ngã, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.Trong không thanh tịnh nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này.
3.
Trong vô thường, tưởng thường.
Trong khổ, tưởng là lạc,
Trong vô ngã, tưởng ngã,
Trong bất tịnh, tưởng tịnh,
Chúng sanh đến tà kiến,
Tâm động, tưởng tà vọng,
Bị ma trói buộc chặt,
Không thoát khỏi ách nạn,
Chúng sanh bị luân chuyển,
Trong sanh tử luân hồi.
Khi chư Phật xuất hiện,
Ở đời chói hào quang,
Tuyên thuyết diệu pháp này,
Ðưa đến khổ lắng dịu.
Nghe pháp, được trí tuệ,
Trở lại được tự tâm,
Thấy vô thường, không thường,
Thấy đau khổ, là khổ,
Thấy tự ngã, không ngã,
Thấy bất tịnh, không tịnh,
Do hành chánh tri kiến,
Vượt qua mọi đau khổ.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
Thảo luận câu 1. Ba thuật ngữ: tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo (saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā) mang ý nghĩa khác biệt thế nào, liên hệ nhau ra sao? TT Tuệ Siêu Thảo luận câu 2. Chữ TRONG trong câu Phật ngôn " Trong vô thường, nghĩ là thường. Trong khổ nghĩ là an lạc. Trong vô ngã, nghĩ là hữu ngã. Trong bất tịnh, nghĩ là thanh tịnh (anicce niccanti ; dukkhe sukhanti; anattani attāti ; asubhe subhanti)" hàm nghĩa gì ? TT Pháp Tân
III. Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây được xem là chính xác? A. Chấp sai y cứ trên sự trãi nghiệm là điên đảo vọng tưởng
/ B. Chấp sai y cứ trên cái biết của các giác quan là điên đảo nhận thức
/ C. Chấp sai y cứ trên quan niệm là biên kiến điên đảo
/ D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân chọn đáp án Câu 1.D
Trắc nghiệm 2. Trong thiền tông Trung Hoa có câu "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật". Nếu nói theo Tam Tạng Pali thì câu nào sau đây thích hợp?
A. Trực vãng Tây Phương, hoa khai kiến Phật
/ B. Trực chỉ quán chiếu, kiến tánh thành Phật
/ C. Cao đăng Phật quốc, hồi quy Ta bà
/ D. Trực chỉ niết bàn, đồng chứng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề
TT Tuệ Quyền chọn đáp án Câu 2 B.
Trắc nghiệm 3. Hành giả quán chiếu thế nào gọi là "thấy vô thường trong vô thường"?
A. Tất cả những gì ở thân tâm liên tục thay đổi
/ B. Không có gì khiến tâm thoả mãn hoàn toàn
/ C. Tất cả thuộc năm uẩn có tự tánh riêng bị chi phối bởi nhiều nhân, nhiều duyên nên không thể bắt phải theo ý muốn
/ D. Cái đẹp, cái ngon chỉ là bề ngoài hay giai đoạn
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu 3.A
No comments:
Post a Comment