Thursday, September 22, 2016

Bài học. Thứ Năm ngày 22-9-2016

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Chương Bốn Pháp
XX. Ðại Phẩm

(IV) (194) Các Vị Sàpùga

1. Một thời, Tôn giả Ananda trú ở giữa các dân chúng Koliya tại một thị trấn các Koliya tên là Sàpùgà. Rồi rất nhiều Koliya tử ở Sàpùgà đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với các Koliya tử ấy ở Sàpùgà:

- Này các Vyagghapajjà, có bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để đạt đến chánh lý, để chứng ngộ Niết-bàn. Thế nào là bốn?

Giới thanh tịnh tinh cần chi phần, tâm thanh tịnh tinh cần chi phần, kiến thanh tịnh tinh cần chi phần, giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.

2. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giới thanh tịnh tinh cần chi phần?

Ở đây, này Vyagghapajjà, Tỷ-kheo có giới ..., chấp nhận và học tập trong các học pháp. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giới thanh tịnh; với lời nguyền: "Nếu giới thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giới thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giới thanh tịnh tinh cần chi phần.

Và này các Vyagghapajjà, thế nào là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần?

3. Ở đây, này các Vyagghapajjà, vị Tỷ-kheo ly các dục ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là tâm thanh tịnh; với lời nguyện: "Nếu tâm thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu tâm thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần.

4. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần?

Ở đây, này các Vyagghapajjà, Tỷ-kheo như thật quán tri: "Ðây là khổ"; như thật quán tri: "Ðây là khổ tập"; như thật quán tri: "Ðây là khổ diệt"; như thật quán tri: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Này các Vyagghapajjà, đây gọi là kiến thanh tịnh; với lời nguyện: "Nếu kiến thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu kiến thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần.

5. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần?

Vị Thánh đệ tử nào, này các Vyagghapajjà, thành tựu với giới thanh tịnh tinh cần chi phần này, thành tựu với tâm thanh tịnh tinh cần chi phần này, và thành tựu với kiến thanh tịnh tinh cần chi phần này, tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát. Vị ấy, sau khi tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát, cảm xúc chánh giải thoát. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giải thoát thanh tịnh; với lời nguyện: "Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ". Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.

Bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này, này các Vyagghapajjà, đã được Thế Tôn, bậc đã biết đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để chứng đắc chánh lý, để chứng ngộ Niết-bàn!


II. Thảo Luận:   TT Giác Đẳng điều hợp.

 Thảo luận 1. Phải chăng "thanh tịnh hoá" là phương pháp cải thiện cuộc sống trọng yếu trong Phật Pháp? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Phải chăng chỉ có cụ túc giới mới dẫn đến giới thanh tịnh? Một cư sĩ thọ bát quan trai có đạt đến giới thanh tịnh chăng? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Phải chăng khi nào đắc thiền mới đạt được tâm thanh tịnh? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Kiến thanh tịnh và trí tuệ khác nhau hay giống nhau? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5. Tại sao đã gọi là "giải thoát" mà còn "giải thoát thanh tịnh"? (Có thứ giải thoát nào không thanh tịnh?)TT Tuệ Siêu

 III. Trắc Nghim
Trắc nghiệm 1. Khi chúng ta đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống thì đối với người tu tập thái độ nào sau đây được xem là "thượng sách" ?
 A. Tìm cách nào bảo vệ mình tốt hơn 
/ B. Tìm cách nào cho tâm bớt phiền não
 / C. Tìm cách nào để mình khôn khéo hơn
 / D. Tìm cách nào để có nhiều người giúp mình

TT Phap Tan cho dap an cau 1 la B

Trắc nghiệm  2. Người Phật tử làm gì để "giới thanh tịnh"? 
 A. Biết rõ học giới nào do Đức Phật truyền dạy 
/ B. Biết rõ các chi phần của từng học giới 
/C. Chấp nhận và hành trì các học giới như là cách thanh tịnh thân tâm
 /D. Cả ba điều trên

ĐĐ Pháp Tín cho đáp án Câu Số 2: D .

Trắc nghiệm 3. Điều nào sau đây giúp "tâm thanh tịnh"?
 A. Hàm dưỡng khả năng hướng tâm đến đề mục tu tập nhanh chóng 
/ B. Tu dưỡng khả năng "gắn bó" với đề mục tu tập 
/ C. Huân tập sự hân hoan với đề mục niệm (không miễn cuỡng) 
/ D. Huân tập khả năng thể nhập một cách an lạc với đề mục 
/ E. Duy trì được khả năng tập chú bền bỉ 
/ F. Cả năm điều trên

TT Giác Đẳng cho đáp án Câu Số 3: F .

Trắc nghiệm 4. Với "kiến thanh tịnh" hành giả có cái nhìn thế nào với cuộc sống?
 A. Nhìn toàn diện như tướng viết tình trạng phòng thủ tất cả cửa thành 
/ B. Ý thức rõ khổ, lạc 
/ C. Nhìn sự việc theo nhân quả (vấn đề, nguyên nhân, giải pháp và phương cách đạt đến giải pháp)
/ D. Cả ba câu trên

 _ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án Câu Số 4: D .

Trắc nghiệm 5. Giải thoát thanh tịnh bao gồm điểm nào sau đây?
 A. Cái gì thành tựu được thì xả ly được 
/ B. Không dừng lại do tự mãn 
/ C. Biết rõ "tính giai đoạn" của từng quảng hành trình 
/ D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Giác Đẳng cho đáp án Câu Số 5: D 

No comments:

Post a Comment