Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Chương Bốn Pháp
XIX. Phẩm Chiến Sĩ
(VI) (186) Con Ðường Sai Lạc
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?
- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: "Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?"
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này Tỷ-kheo, thế giới do tâm hướng dẫn. Thế giới do tâm được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của tâm được khởi lên.
2. - Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn một câu khác:
- Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?
- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: "Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?"
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Nhiều, này Tỷ-kheo, là pháp ta thuyết giảng: Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu, Phương quảng. Này Tỷ-kheo, nếu ai hiểu nghĩa một bài kệ có bốn câu, hiểu pháp và thực hành pháp tùy pháp, người ấy được gọi là vị nghe nhiều, trì pháp.
3. - Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo sau khi hoan hỷ ... lại hỏi thêm câu nữa:
- Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập (quyết trạch), bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến khi nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?
- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo, hiền thiện ... hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: "Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập (quyết trạch), bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến khi nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?"
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được nghe: "Ðây là khổ", thể nhập và thấy ý ấy nghĩa với trí tuệ. Ðược nghe: "Ðây là khổ tập", thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ. Ðược nghe: "Ðây là khổ diệt", thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ. Ðược nghe: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt", thể nhập và thấy ý nghĩa với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có nghe với trí tuệ thể nhập.
4.- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn một câu khác:
- Bậc Hiền trí, Ðại tuệ. Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào bạch Thế Tôn, được gọi là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ?
- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: "Bậc Hiền trí, Ðại tuệ. Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào bạch Thế Tôn, được gọi là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ?"
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
Thảo luận 1. Thế nào là ý nghĩa của câu trả lời: “cittena kho, bhikkhu, loko nīyati, cittena parikassati, cittassa uppannassa vasaṃ gacchatī'ti. " TT Tuệ Siêu Thảo luận 1b. Tam Tạng Pali có nói "nhất thế pháp duy tâm tạo" hay chỉ nói là thế gian do tâm dẫn đạo cittena parikassati > do tâm chuyển dịch cittassa uppannassa vasaṃ gacchatī'ti > vận hành theo lực chi phối của tâm? TT Tuệ Siêu
Tluận câu : 2. Tại sao Đức Thế Tôn thuyết giảng rất nhiều nhưng "nếu ai hiểu nghĩa một bài kệ có bốn câu, hiểu pháp và thực hành pháp tùy pháp, người ấy được gọi là vị nghe nhiều, trì pháp."? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Diệt đế thường chỉ cho Niết bàn nhưng có thể chăng hành giả tu tập tứ niệm xứ thấy được khổ diệt nhưng không hẳn là niết bàn?TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Câu nói " Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ." có thể được hiểu là: phải là người có trí mới có thể sống không hại mình hại người? TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5: Một người hiểu cả 4 câu hỏi và 4 câu trả lời trong bài kinh này đủ để tu chưa? - TT Tuệ Siêu
III. Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment