Friday, March 9, 2018

Bài học. Thứ Sáu ngày 9-3-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Chương IX

Chín Pháp

III. Phẩm Chỗ Cư Trú Của Hữu Tình


(VII) (27) Sợ Hãi Hận Thù (1) và (VIII) (28) Sợ Hãi Hận Thù (2)

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, khi nào năm sợ hãi hận thù của vị Thánh đệ tử được chỉ tức, thời vị ấy thành tựu được bốn Dự lưu phần. Nếu vị ấy muốn, có thể tuyên bố về ngã đối với tự ngã: "Ðịa ngục đối với ta được đoạn tận, loài bàng sanh đối với ta được đoạn tận, cõi ngạ quỷ đối với ta được đoạn tận, cõi dữ, ác thú, đọa xứ đối với ta được đoạn tận. Ta là vị Dự lưu, không còn thối đọa, chắc chắn đạt đến Chánh giác".

3. Thế nào là năm sợ hãi hận thù được chỉ tức?

Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sát sanh, vì duyên sát sanh, đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Từ bỏ sát sanh, sợ hãi hận thù không đưa đến trong hiện tại, sợ hãi hận thù không đưa đến trong tương lai, kể cả không có tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ sát sanh, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ lấy của không cho, như vậy sự sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do nói láo, vì duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ nói láo, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do đắm say rượu men, rượu nấu, vì duyên đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Ðối với vị từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.

Năm sự sợ hãi hận thù này được nhiếp phục.

4. Thế nào là bốn Dự lưu phần được đầy đủ?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử, đầy đủ lòng tin tuyệt đối với đức Phật: "Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn".

Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".

Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn, đáng được cung kính, đang được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.

Vị ấy đầy đủ các giới đức được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định. Bốn Dự lưu phần này được thành tựu.

(VIII) (28) Sợ Hãi Hận Thù (2)


(Thế Tôn thuyết lại kinh 26 cho các Tỷ-kheo).


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Phải chăng ngũ giới không chỉ đơn giản là không làm năm bất thiện nghiệp mà còn hàm ý mang lại sự an lành cho chúng sanh khác và tránh gây sợ hãi, oán thù? - TT Pháp Tân


Thảo luận 2. Phải chăng những ân đức Tam Bảo (tiratanaguna) không phải chỉ đơn thuần là sự xưng tán mà còn là pháp tánh của Phật Pháp Tăng? - TT Pháp Đăng




 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Một bậc nhập lưu (vào giòng thánh vức) viên mãn điều nào sau đây? 
A. Tuyệt đối không có ý gây tổn hại cho bất cứ chúng sanh nào /
 B. Thành tựu niềm tin bất động ở Phật, Pháp, Tăng /
 C. Trong sạch về giới hạnh / 
D. Cả ba điều trên


TT Pháp Đăng cho đáp án câu 1 : D

Trắc nghiệm 2. Niềm tin Tam Bảo của bậc thánh khác với phàm nhân thế nào?
 A. Bậc thánh tin vì hiểu / 
B. Bậc thánh tin với sự bất động /
 C. Bậc thánh tin và sống với niềm tin một cách trọn vẹn/
 D. Ba câu trên đều đúng


ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án câu 2: D

Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây được xem là chính xác theo Tam Tạng kinh điển? 
A. Một người đầy đủ tam quy và ngũ giới chắc chắn không sanh vào khổ cảnh sau khi mạng chung / 
B. Một người làm những phước sự to lớn chắc chắn siêu thoát sau khi mạng chung /
 C. Một người hiền lành không thể sanh vào cõi khổ / 
D. Một người niệm Phật sẽ được Phật rước sau khi chết.


TT Pháp Tân cho đáp án câu 3:A

No comments:

Post a Comment