Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Chương IX
Chín Pháp
V. Phẩm Pancala
(I) (42) Pancalacanda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Udàyi đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
- Thưa Hiền giả, lời này được Thiên tử Pancàlacanda nói như sau:
"Bậc thiện trí tìm được,
Giải thoát trong triền phược,
Vị giác tỉnh với Thiền,
Bậc giác giả Mâu-ni,
Bậc từ bỏ, không chấp
Bậc anh hùng ẩn sĩ."
Thưa Hiền giả, thế nào là triền phược? Thế nào là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến?
2. - Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này được Thế Tôn gọi là triền phược. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này là triền phược, được Thế Tôn nói đến.
3. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly các dục... chứng và trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là tầm và tứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
4. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là hỷ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là xả lạc chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
6. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đoạn lạc... chứng và trú Thiền thứ tư. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là sắc tưởng chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
7. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến sai biệt tưởng, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Không vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
8. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo biết rằng: "Thức là vô biên", vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Thức vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
9. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Vô sở hữu xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
10. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
11. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp
TT Giác Đẳng chia sẻ thêm bài học
TT Giác Đẳng chia sẻ thêm bài học
III Trắc Nghiệm
A. Sự trói buộc không hẳn chỉ có phiền nào mà là TẤT CẢ NHỮNG GÌ CẦN BỎ LẠI dù là thiện pháp /
B. Buông xả không đơn thuần là từ bỏ mà cần có cái tốt hơn để thay thế /
C. Bậc hùng lực ẩn sĩ trong Phật pháp là người có thể chiến thắng nội tại /
D. Cả ba điểm trên đều đúng
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1: D
Trắc nghiệm 2. Sự trói buộc của tâm chúng ta đối với năm cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc theo bài kinh nầy được tháo gỡ với điều nào sau đây?
A. Chứng và trú một trạng thái hỷ lạc DO LY DỤC SANH /
b. Tinh luyện năm chi thiền tầm, tứ, hỷ, lạc, định để đối trị năm triền cái tham dục, sân hận, hôn thuỵ, phóng dật, hoài nghi /
C. Đời sống nội tại phải thật sự sung mãn mới không bị chi phối bởi ngoại giới/
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 2: D
Trắc nghiệm 3. Một tỳ kheo dù đã xuất gia nhưng vẫn nhớ tiếc người vợ xinh đẹp mới cưới. Đức Phật dùng thần thông đưa vị nầy lên thiên giới gặp những thiên nữ kiều diễm với lời dạy nếu vị tỳ kheo ấy tinh tấn tu tập thì có thể sanh thiên cộng trú với các tiên nữ. Cách hướng dẫn của Đức Phật có tác dụng trực tiếp nào sau đây?
A. Giúp vị tỳ kheo ấy tháo gỡ được ái chấp quá nặng với người vợ cũ /
B. Thấy được cái tương đối trong sự ảo tưởng về cái tuyệt đối /
C. Đời sống rất cần những "tâm lý trị liệu" để vượt qua vướng vấp nhất thời /
D. Ba câu A, B, C đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 3: D
Trắc nghiệm 4. Những "bậc anh hùng" trong Phật Pháp là hạng người nào sau đây?
A. Người làm những việc kinh thiên động địa /
B. Người chiến thắng chính mình /
C. Người có nhiều mề đai /
D. Người được quần chúng hâm mộ
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 4: B
Trắc nghiệm 5. Cảnh phiền não (sắc, thinh, hương, vị, xúc) so với tâm phiền não ( tham dục, sân hận, hôn thuỵ, phóng dật, hoài nghi) cái nào có sức mạnh cột trói nhiều hơn?
A. Cảnh phiền não /
B. Tâm phiền não /
C. Tùy trường hợp. Thông thường thì trong dục giới ngoại triền (cảnh phiền não) ảnh hưởng lớn, ở sắc giới và vô sắc giới thì nội triền mạnh /
D. Ba câu trên đều sai
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5: D
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 5 : C .
A. Có thương con mới thấy là trói buộc /
B. Có mong cầu giải thoát mới thấy con trai đầu lòng là trói buộc /
C. Có trí tuệ mới thấy khác cái nhìn thường tình của thế gian /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 6:
No comments:
Post a Comment