Saturday, May 5, 2018

Bài học. Thứ Bảy ngày 5-5-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya


Giảng Sư: TT Pháp Tân


Chương X - Mười Pháp

  IV. Phẩm Upàli Và Ananda


(V) (35) Phá Hòa Hợp Tăng đến bài (40) (X) (40) Quả Do Hòa Hợp Tăng Ðưa Lại

1. - Phá hòa hợp tăng, phá hòa hợp tăng, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là phá hòa hợp Tăng?

2. - Ở đây, này Upáli, các Tỷ-kheo thuyết phi pháp là pháp; thuyết pháp là phi pháp; thuyết phi luật là luật; thuyết luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết; thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường sở hành; thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai không thường sở hành; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai không có chế đặt.

Chính do mười sự này, họ phá hoại, họ chia rẽ, họ hành bất động yết-ma, họ tuyên đọc giới bổn Pàtimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upàli, là chúng Tăng bị phá hoại.

(VI) (36) Hòa Hợp Tăng

1. - Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp. Bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Tăng hòa hợp?

2. - Ở đây, này Upàli, các Tỷ-kheo thuyết phi pháp là phi pháp; thuyết pháp là pháp; thuyết luật là luật; thuyết phi luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết là điều Như Lai có nói, có thuyết; thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường không sở hành; thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai thường sở hành; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai không chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai có chế đặt.

Với mười sự này, các Tỷ-kheo không phá hoại, các Tỷ-kheo không chia rẽ, các Tỷ-kheo không hành bất động yết-ma, các Tỷ-kheo không tuyên đọc giới bổn Pàtimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upàli, là Tăng chúng được hòa hợp.

(VII) (37) Phá Hòa Hợp Tăng

(Tôn giả Ananda hỏi câu hỏi tương tợ và được câu trả lời tương tợ như kinh 35).

(VIII) (38) Quả Của Phá Hòa Hợp Tăng

1. - Phá hoại Tăng hòa hợp, đem lại kết quả gì?

2. - Này Ananda, đem lại tội ác kéo dài đến một kiếp.

3. - Bạch Thế Tôn, tội ác gì kéo dài một kiếp?

4. - Này Ananda, bị nấu trong địa ngục một kiếp.

Kẻ phá hòa hợp Tăng 
Bị rơi vào đọa xứ, 
Bị rơi vào địa ngục 
Kéo dài đến một kiếp; 
Ưa thích sự bất hòa, 
An trú trên phi pháp, 
An ổn các khổ ách, 
Lại xa lìa, từ bỏ; 
Ai phá sự hòa hợp, 
Của Tăng chúng Tỷ-kheo, 
Trong một kiếp, người ấy, 
Bị địa ngục nung nấu.

(XI) (39) Hòa Hợp Tăng

(Ananda hỏi cùng một câu hỏi như ở kinh 36 và được trả lời tương tợ)

(X) (40) Quả Do Hòa Hợp Tăng Ðưa Lại

1.- Bạch Thế Tôn, với chúng Tăng bị phá, làm cho hòa hợp lại, đem đến kết quả gì?

2. - Này Ananda, đem đến Phạm công đức!

3. - Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm công đức?

4. - Này Ananda, trong một kiếp, được sống hoan hỷ ở Thiên giới.

Sống an lạc là người, 
Làm hòa hợp chúng Tăng; 
Sống an lạc là người, 
Giúp chúng Tăng hòa hợp; 
Ưa thích sự hòa hợp, 
An trú trên Chánh pháp. 
Ai khiến cho chúng Tăng, 
Ðược sống trong hòa hợp, 
Trong một kiếp, người ấy 
Sống hoan hỷ Thiên giới.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Tại sao khi nói về hoà hợp Tăng mà lại chỉ nói về Phật và Pháp? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Pháp (dhamma) và luật (vinaya) khác biệt thế nào? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 3. Những điều Phật chế định (paññāpeti) khác biệt thế nào với những gì Phật thuyết (bhàsati)? - TT Pháp Tân


Thảo luận 3b: Có điều nào Đức Phật chế định không nằm trong Luật Tạng? hay không hẳn điều nào Phật thuyết cũng thuộc về Pháp? - TT Tuệ Siêu




 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment