Monday, May 14, 2018

Bài học. Thứ Hai ngày 14-5-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Chương X - Mười Pháp
  
Phẩm Mắng Nhiếc
     


(X) (50) Ðấu Tranh

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, cùng nhau ngồi hội họp trong hội trường, cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, sống đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến. Ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

2. - Này các Tỷ-kheo, nay các thầy họp, bàn đến vấn đề gì? Câu chuyện gì giữa các Thầy đã bị gián đoạn?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp trong hội trường, cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, sống đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi.

- Này các Tỷ-kheo, thật là không xứng đáng cho các Thầy, các thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi. Này các Tỷ-kheo, có mười pháp này, cần phải ghi nhớ tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là mười?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Phàm vị Tỷ-kheo nào có giới, sống chế ngự... trong các học pháp: Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính hòa hợp, nhất trí.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ kheo có nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất giữ điều đã nghe. Những pháp gì, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì, đã đọc tụng bằng lời, đã quan sát với ý, đã khéo thông đạt nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, phàm vị Tỷ-kheo nào có nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe... khéo thông đạt nhờ chánh kiến. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ........ hòa hợp, nhất trí.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào làm bạn với thiện... giao thiệp với thiện. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái....... hòa hợp, nhất trí.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Tỷ-kheo nào dễ nói... khéo chấp nhận những lời giáo giới. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái... hòa hợp, nhất trí.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm có những công việc cần phải làm, hoặc lớn, hoặc nhỏ đối với các đồng Phạm hạnh. Ở đây, vị ấy khéo léo và tinh cần, thành tựu sự suy tư đến các phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phàm có những công việc gì... vừa đủ để tổ chức..... tương ái... hòa hợp, nhất trí.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa pháp, cùng nói chuyện một cách dễ thương, vô cùng hân hoan trong thắng Pháp, trong thắng Luật. Này các Tỷ-kheo, phàm Tỷ-kheo nào ưa Pháp... trong thắng Luật. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái.. hòa hợp, nhất trí.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, phàm Tỷ-kheo nào sống tinh cần, tinh tấn... đối với các thiện pháp. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái... hòa hợp, nhất trí.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết đủ đối với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỷ-kheo, phàm Tỷ-kheo nào biết đủ... dược phẩm trị bệnh. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái... hòa hợp, nhất trí.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chánh niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức niệm, tùy niệm việc đã làm từ lâu, đã nói từ lâu... Này các Tỷ-kheo, phàm Tỷ-kheo nào chánh niệm... đã nói từ lâu. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái... hòa hợp, nhất trí.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí tuệ, thành tựu với trí tuệ về sanh diệt, trí tuệ thuộc bậc Thánh, thể nhập và hướng đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, phàm Tỷ-kheo nào có trí tuệ, thành tựu với trí tuệ về sanh diệt, trí tuệ thuộc bậc Thánh, thể nhập và hướng đến chơn chính đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1.Tranh cãi là vấn đề thường phải giải quyết bằng thiện chí cả hai bên. Tại sao ở đây Đức Phật chỉ nhấn mạnh sự tu tập cá nhân? 
A. Vì đây là những pháp khả thi / 
B. Bản thân dễ thương, nhờ có tu tập, là yếu tố tác thành tương ái do vậy lắng dịu tranh chấp /
 C. Khi chánh pháp, thiện pháp, chân pháp được thắp sáng thì những phù phiếm biến mất / 
D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1. D

Trắc nghiệm 2. Phương cách nào sau đây được xem là hợp lý theo Phật Pháp? 
A. Chư tăng hoà hợp thì mới có thể hoá giải những dị biệt /
 B. Xoá bỏ những dị biệt thì chư tăng mới có thể hoà hợp /
C. Tùy trường hợp, không nên xem điều nào là điều tiên quyết tuyệt đối /
 D. Hoà hợp, hoà bình chỉ là lý tưởng. Phải chấp nhận sự trạng tranh chấp như điều không thể tránh khỏi giữa loài người


TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2. C

Trắc nghiệm 3. Suy niệm nào sau đây giúp chúng ta giảm thiểu sự “cuốn hút” vào những tranh cãi nhất là trong cộng đồng Tăng chúng? 
A. Sự kính trọng đối với các bậc trưởng lão /
 B. Tha thiết đối với sự hoà hợp của Tăng chúng/ 
C. Biết cẩn thận đối với nghiệp quả. Không muốn có những lời xúc phạm đối với những người có giới /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 4. D

Trắc nghiệm 4. Điều nào sau đây thường không giúp ích gì để làm lắng dịu tranh luận? 
A. Tìm cho ra lẽ bên nào đúng, bên nào sai/ 
B. Thường tu tập tâm từ /
 C. Lòng kính trọng lớn lao đối với Đức Phật / 
C. Sự thấm nhuần giáo pháp


TT  Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 4. 

Trắc nghiệm 5. Điều nào sau đây thường xẩy ra trong cuộc sống khi nói về tranh luận, tranh chấp?
 A. Đa phần người ta xu hướng theo phe nhóm hơn là tôn trọng sự thật/
 B. Đa phần người ta đặt nặng ngã chấp, sĩ diện hơn là tôn trọng sự thật/ 
C. Đa phần người ta thiên về cảm xúc buồn vui hơn là tôn trọng sự thật/
 D. Cả ba câu trên đều đúng

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5. D

No comments:

Post a Comment