KHÔNG PHẢI SỰ THỌ SANH NÀO CŨNG THEO CÁCH BÌNH THƯỜNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố. Ở đây, người mẹ và người cha kết hợp với nhau, người mẹ có kinh nguyệt, và chúng sanh đi đầu thai đã sẵn sàng. Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố này.’ Đây là lời nói không thiếu sót, đây là lời nói đầy đủ, đây là lời nói không thay đổi, đây là lời nói xứng đáng, đã được nói (bởi đức Thế Tôn) sau khi ngồi xuống ở giữa chư Thiên và nhân loại. Và việc nhập vào bào thai này được hội tụ bởi hai yếu tố đã được nhìn thấy: ‘Vào thời kỳ kinh nguyệt của nữ đạo sĩ Pārikā, lỗ rún của nàng đã bị chạm vào bởi ngón tay cái bên phải của đạo sĩ Dukūla, do việc chạm vào lỗ rún ấy của vị ấy mà đứa bé trai Sāma được sanh ra.[8] Vào thời kỳ kinh nguyệt của cô gái Bà-la-môn, lỗ rún của nàng cũng đã bị chạm vào bởi ngón tay cái bên phải của vị ẩn sĩ Mātaṅga, do việc chạm vào lỗ rún ấy của vị ấy mà thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya được sanh ra.’[9]
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố’ là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vô cùng sâu xa, vô cùng khôn khéo, là lãnh vực dành cho những bậc có sự giác ngộ. Nó được dành cho ngài. Xin ngài hãy chặt đứt sự phân vân. Xin ngài hãy nắm giữ ngọn đèn cao quý của trí tuệ.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố. Ở đây, người mẹ và người cha kết hợp với nhau, người mẹ có kinh nguyệt, và chúng sanh đi đầu thai đã sẵn sàng. Sự nhập vào bào thai được hội tụ bởi ba yếu tố như vậy.’ Và có điều đã được nói là: ‘Bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya, cả hai người ấy được sanh ra do sự chạm vào lỗ rún.’”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì câu hỏi khéo được giải quyết bằng lý lẽ nào, xin ngài giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ ấy.”
5. “Tâu đại vương, bé trai Sāma và thanh niên Bà-la-môn Maṇḍavya đều có chung một tính chất, được xếp vào ba sự hội tụ theo trường hợp đầu tiên. Tôi sẽ nói về lý do của trường hợp này. Tâu đại vương, đạo sĩ Dukūla và nữ đạo sĩ Pārikā, cả hai người ấy đã có sự cư ngụ ở trong rừng, có khuynh hướng viễn ly, là những người theo đuổi mục đích tối thượng, do quyền năng của sự khổ hạnh họ đã hâm nóng cho đến thế giới Phạm Thiên. Khi ấy, Thiên chủ Sakka ngày đêm đi đến phục vụ cho họ. Trong khi quan tâm đến họ bằng tâm từ được thể hiện với sự kính trong, Thiên chủ Sakka đã nhìn thấy sự hư hoại thị giác của cả hai người họ vào thời vị lai xa xăm, sau khi nhìn thấy đã nói với họ rằng: ‘Này hai vị, hãy thực hiện cho trẫm một việc. Tốt thay, hai vị hãy sanh ra một người con trai. Nó sẽ là người phục vụ và đỡ đần cho hai vị.’ ‘Này Kosiya, thôi đi! Chớ có lời nói như vậy.’ Họ đã không chấp nhận lời nói ấy của vị ấy. Là người có lòng bi mẫn, có sự mong mỏi điều lợi ích, Thiên chủ Sakka đã nói với họ như thế đến lần thứ nhì, đến lần thứ ba rằng: ‘Này hai vị, hãy thực hiện cho trẫm một việc. Tốt thay, hai vị hãy sanh ra một người con trai. Nó sẽ là người phục vụ và đỡ đần cho hai vị.’ Đến lần thứ ba, họ đã nói rằng: ‘Này Kosiya, thôi đi! Ngài chớ ràng buộc chúng tôi vào việc không có lợi ích. Thân này sẽ không tan rã cho đến khi nào? Thân này có sự tan rã là pháp tự nhiên, hãy để nó tan rã. Cho dầu trái đất đang bị tan rã, cho dầu đỉnh núi đang rơi xuống, cho dầu bầu trời đang bị nứt ra, cho dầu mặt trăng mặt trời đang sụp xuống, chúng tôi cũng không bao giờ hòa nhập với các pháp thế tục. Ngài chớ đến gần đối mặt với chúng tôi. Chúng tôi nghĩ ngài là hạng làm điều không có lợi ích; điều ấy là sự tin chắc khi ngài đi đến gần.’
Do đó, trong khi không đạt được tâm ý của họ, Thiên chủ Sakka đã thể hiện sự kính trọng, chắp tay lên, thỉnh cầu lần nữa: ‘Nếu hai vị không nỗ lực để thực hiện lời nói của trẫm, vậy thì lúc nào nữ đạo sĩ là đến thời kỳ, có kinh nguyệt, khi ấy thưa đạo sĩ, ông có thể chạm vào lỗ rún bằng ngón tay cái bên phải, do việc ấy nàng ấy sẽ mang thai. Chính điều ấy là sự đã được hội tụ của việc nhập vào bào thai.’ ‘Này Kosiya, tôi có thể thực hiện điều ấy. Chỉ chừng ấy thì sự khổ hạnh của chúng tôi sẽ không bị đổ vỡ. Hãy là như thế.’ Họ đã chấp nhận.
Hơn nữa, vào thời điểm ấy, ở cõi Trời có vị Thiên tử có thiện căn dồi dào, có tuổi thọ đã cạn kiệt, đã đạt đến sự chấm dứt tuổi thọ, có khả năng hạ sanh theo như ước muốn, thậm chí vào gia tộc của đức Chuyển Luân. Khi ấy, Thiên chủ Sakka đã đi đến gặp vị Thiên tử ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, hãy đến, là ngày vô cùng rạng rỡ cho ngài. Việc thành công có ý nghĩa đã đến, là việc trẫm đã đi đến phục vụ cho ngài, ngài sẽ có chốn cư ngụ ở nơi đáng yêu, sẽ có sự tái sanh ở gia tộc thích hợp, sẽ có sự được nuôi dưỡng bởi cha mẹ tốt lành, hãy đến, hãy làm theo lời nói của trẫm.’ Rồi đã chắp tay ở đỉnh đầu thỉnh cầu đến lần thứ nhì, thỉnh cầu đến lần thứ ba. Do đó, vị Thiên tử ấy đã nói như vầy: ‘Thưa ngài, gia tộc nào mà ngài liên tục ca tụng lập đi lập lại?’ ‘Là đạo sĩ Dukūla và nữ đạo sĩ Pārikā.’ Lắng nghe lời nói của vị ấy, vị Thiên tử đã hoan hỷ chấp nhận: ‘Thưa ngài, tốt lắm! Vậy hãy theo ước muốn của ngài. Thưa ngài, tôi đang mong ước có thể sanh ra ở chủng loại đã được mong mỏi. Vậy tôi được sanh ra ở chủng loại nào: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hay hóa sanh?’ ‘Thưa ngài, ngài được sanh ra theo lối thai sanh.’
6. Khi ấy, Thiên chủ Sakka, sau khi tính đếm ngày thọ sanh, đã thông báo cho đạo sĩ Dukūla rằng: ‘Vào ngày ấy, nữ đạo sĩ sẽ đến thời kỳ, có kinh nguyệt, thưa ngài, khi ấy ngài nên chạm vào lỗ rún bằng ngón tay cái bên phải.’ Tâu đại vương, vào ngày ấy nữ đạo sĩ đã đến thời kỳ, có kinh nguyệt, và vị Thiên tử đã đi đến, đã hiện diện ở nơi ấy. Và vị đạo sĩ đã chạm vào lỗ rún của vị nữ đạo sĩ bằng ngón tay cái bên phải. Như thế, các việc ấy đã là ba sự hội tụ. Do việc chạm vào lỗ rún, ái luyến đã sanh khởi ở người nữ đạo sĩ. Hơn nữa, ái luyến ấy của cô ta là do việc chạm vào lỗ rún. Xin đại vương chớ nghĩ rằng việc chạm vào lỗ rún ấy chính là sự hư hỏng. Cười giỡn cũng là sự hội tụ. Ngợi khen cũng là sự hội tụ. Chú tâm cũng là sự hội tụ. Do sự sanh khởi của ái luyến đã được tạo ra trước đó, do sự chạm vào mà sự hội tụ được sanh lên. Do sự hội tụ mà có sự nhập thai.
7. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai do sự chạm vào thì cũng không ở vào trường hợp hư hỏng. Tâu đại vương, giống như ngọn lửa đang cháy xua đi sự lạnh cho người đã đến gần mặc dầu không có sự chạm vào. Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự nhập vào bào thai do sự chạm vào thì cũng không ở vào trường hợp hư hỏng. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh là do bốn tác động: Do tác động của nghiệp, do tác động của nguồn gốc, do tác động của chủng loại, do tác động của sự thỉnh cầu. Hơn nữa, tất cả chúng sanh này có sự tạo thành do nghiệp, có sự sanh lên do nghiệp.
Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nghiệp nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, các chúng sanh có thiện căn dồi dào sanh lên theo như ước muốn ở gia tộc Sát-đế-lỵ giàu có, hoặc ở gia tộc Bà-la-môn giàu có, hoặc ở gia tộc người tại gia giàu có, hoặc ở giữa chư Thiên, hoặc từ nguồn gốc noãn sanh, hoặc từ nguồn gốc thai sanh, hoặc từ nguồn gốc thấp sanh, hoặc từ nguồn gốc hóa sanh. Tâu đại vương, giống như người nam có tài sản lớn, có của cải lớn, có dồi dào vàng bạc, dồi dào vật sở hữu dự phòng, có dồi dào tài sản và ngũ cốc, có dồi dào thân quyến và phe nhóm, sau khi cho ra tài sản đến hai ba lần rồi mua theo như ước muốn bất cứ vật gì được mong mỏi bởi tâm, hoặc là tớ gái, hay tớ trai, hoặc là ruộng, vườn, làng mạc, thị trấn, hay là xứ sở. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các chúng sanh có thiện căn dồi dào sanh lên theo như ước muốn ở gia tộc Sát-đế-lỵ giàu có, hoặc ở gia tộc Bà-la-môn giàu có, hoặc ở gia tộc người tại gia giàu có, hoặc ở giữa chư Thiên, hoặc từ nguồn gốc noãn sanh, hoặc từ nguồn gốc thai sanh, hoặc từ nguồn gốc thấp sanh, hoặc từ nguồn gốc hóa sanh. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nghiệp nghĩa là như vậy.
8. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nguồn gốc nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, đối với giống gà mái thì có sự nhập vào bào thai do cơn gió, đối với loài hạc thì có sự nhập vào bào thai do cơn mưa. Thậm chí toàn bộ chư Thiên không nằm trong bào thai cũng là chúng sanh. Đối với các hạng ấy thì có sự nhập vào bào thai bằng nhiều cách thức khác nhau. Tâu đại vương, giống như những con người đi lại trên trái đất theo nhiều cách thức khác nhau, một số trùm kín phía trước, một số trùm kín phía sau, một số thì lõa thể, một số thì cạo đầu mang vải màu trắng, một số thì buộc tràng hoa, một số thì cạo đầu mặc y ca-sa, một số thì mặc y ca-sa cột búi tóc, một số thì bện tóc mang y bằng vỏ cây, một số thì mặc da thú, một số quấn các sợi dây. Tất cả những con người này đi lại trên trái đất theo nhiều cách thức khác nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng sanh chính là tất cả các hạng ấy. Đối với các hạng ấy thì có sự nhập vào bào thai bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của nguồn gốc nghĩa là như vậy.
9. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của chủng loại nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, chủng loại nghĩa là có bốn chủng loại: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh. Ở đây nếu chúng sanh đi đầu thai từ bất cứ nơi đâu đi đến rồi sanh lên ở chủng loại noãn sanh, trong trường hợp ấy nó là hạng noãn sanh. —(như trên)— ở chủng loại thai sanh —(như trên)— ở chủng loại thấp sanh —(như trên)— sanh lên ở chủng loại hóa sanh, trong trường hợp ấy nó là hạng hóa sanh. Các chúng sanh như thế ấy hiện hữu trong các chủng loại ấy. Tâu đại vương, giống như các con thú hay loài có cánh nào đó đi đến núi Hi-mã-lạp hoặc núi Sineru, tất cả bọn chúng lìa bỏ màu sắc của mình và trở thành màu sắc vàng chói. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng sanh đi đầu thai nào đó từ bất cứ nơi đâu đi đến rồi nhập vào nguồn gốc noãn sanh thì lìa bỏ vóc dáng thuộc về bản chất và trở thành hạng noãn sanh. —(như trên)— nhập vào nguồn gốc thai sanh —(như trên)— thấp sanh —(như trên)— hóa sanh thì lìa bỏ vóc dáng thuộc về bản chất và trở thành hạng hóa sanh. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của chủng loại nghĩa là như vậy.
10. Tâu đại vương, sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của của sự thỉnh cầu nghĩa là thế nào? Tâu đại vương, ở đây có gia tộc không có con trai, có nhiều của cải thừa tự, có đức tin, tịnh tín, có giới hạnh, có tư cách tốt đẹp, sống theo hạnh khắc khổ, và có vị Thiên tử có thiện căn dồi dào và đến thời tử vong. Khi ấy, Thiên chủ Sakka vì lòng thương tưởng đến gia tộc ấy đã thỉnh cầu vị Thiên tử ấy rằng: ‘Thưa ngài, xin ngài hãy ngự đến tử cung của người vợ chánh ở gia tộc kia.’ Do nguyên nhân thỉnh cầu của vị ấy, vị Thiên tử ngự đến gia tộc ấy. Tâu đại vương, giống như những người có lòng mong mỏi phước báu sau khi thỉnh cầu vị Sa-môn xứng đáng được phát tâm, thì đi về nhà (nghĩ rằng): ‘Vị này sau khi đến sẽ là nguồn an lạc cho toàn bộ gia tộc.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế Thiên chủ Sakka sau khi thỉnh cầu vị Thiên tử ấy thì đi đến gia tộc ấy. Sự nhập vào bào thai của chúng sanh do tác động của sự thỉnh cầu nghĩa là như vậy.
11. Tâu đại vương, cậu bé trai Sāma được Thiên chủ Sakka thỉnh cầu đã nhập bào tử cung của nữ đạo sĩ Pārikā. Mẹ và cha là người có giới hạnh, có tư cách tốt đẹp. Người thỉnh cầu là Sakka. Cậu bé trai Sāma được sanh ra do tâm nguyện của ba người. Tâu đại vương, ở đây có người nam rành rẽ cách thức gieo hạt giống ở thửa ruộng ẩm được cày kỹ lưỡng. Trong khi hạt giống ấy đang được ngăn ngừa tai họa, phải chăng có thể có tai họa nào đó cho sự phát triển của nó?”
“Thưa ngài, không thể. Hạt giống không bị hãm hại thì có thể tăng trưởng nhanh chóng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cậu bé trai Sāma, được thoát khỏi các tai họa đã khởi lên, đã được sanh ra do tâm nguyện của ba người. Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nghe trước đây có xứ sở rộng lớn, giàu có, thịnh vượng, có dân cư, đã bị tiêu diệt hoàn toàn bởi tâm khởi sân của các vị ẩn sĩ?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Điều được nghe là ở trái đất khu rừng Daṇḍaka, khu rừng Mejjha, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mātaṅga, tất cả các khu rừng ấy đã trở thành không còn là rừng, có trạng thái không phải là rừng, và toàn bộ các xứ sở này cũng đã đi đến hoại diệt bởi tâm khởi sân của các vị ẩn sĩ.”
“Tâu đại vương, nếu các xứ sở vô cùng giàu có bị tiêu diệt bởi tâm khởi sân của những vị ấy, phải chăng có sự an lạc nào đó có thể sanh lên bởi sự hoan hỷ ở tâm của các vị ấy?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, chính vì điều ấy cậu bé trai Sāma đã được sanh ra do sự hoan hỷ ở tâm của ba hạng có năng lực là: được tạo ra bởi hai vị ẩn sĩ, được tạo ra bởi vị Thiên nhân, được tạo ra do phước báu.”
“Tâu đại vương, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế. Tâu đại vương, được thỉnh cầu bởi Thiên chủ Sakka, ba vị Thiên tử này đã sanh lên ở gia tộc. Ba vị nào? Cậu bé trai Sāma, (vương tử) Mahāpanāda,[12] và đức vua Kusa.[13] Cả ba người này đều là các đức Bồ Tát.”
“Thưa ngài Nāgasena, sự nhập vào bào thai đã đã khéo được giải thích. Lý do đã được giảng giải rõ ràng. Ánh sáng đã được tạo ra ở nơi tăm tối. Cục rối đã được tháo gỡ. Học thuyết của những kẻ khác không còn chói sáng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Có những trường hợp người ta cho rằng "cha mẹ có nợ với con vì quá cực khổ vì con" hay "con có nợ với cha mẹ vì phải lo nhiều cho cha mẹ". Phật Pháp dạy thế nào về điều nầy? - TT Pháp Đăng
2. Trong kinh điển nói gì về "sự lựa cho nơi chốn tái sanh"? - TT Pháp Tân
3. Chúng ta nên có thái độ thế nào đối với những chuyện 'ngoại lệ"? để gọi là thích hợp? - TT Tuệ Quyền
4. Ngày nay nhân loại có nhiều khả năng trong quyết định sanh con hay khong sanh con, sanh trai hay sanh gái ... Vậy có nên nói là điều đó do nghiệp lực chi phối? - TT Pháp Tân