Thursday, September 26, 2013

Bài học, Thứ Năm 26-9-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda


Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

NĂNG LỰC HUYỀN NHIỆM CỦA CHÂN THẬT

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài đã nói như vầy: ‘Các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, khi đức vua đã bị mù thì các thiên nhãn đã được tạo ra lại.’[6] Lời nói này cũng có sự sái quấy, có sự bắt bẻ, có khuyết điểm. Điều đã được nói ở trong Kinh là: ‘Khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng, thì không có sự tạo ra thiên nhãn.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, như thế thì lời nói rằng: ‘Các thiên nhãn đã được tạo ra lại’ là sai trái. Nếu các thiên nhãn đã được tạo ra, như thế thì lời nói rằng: ‘Các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị thắt lại còn hơn nút thắt, bị xoắn lại còn hơn vật xoắn, bị rối rắm còn hơn bụi rậm, nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy khởi lên ước muốn về việc giải quyết vì sự bắt bẻ của các học thuyết khác.”
2. “Tâu đại vương, các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin. Đại vương chớ khởi lên sự phân vân về trường hợp ấy. Và các thiên nhãn đã được tạo ra lại. Đại vương cũng chớ này sanh sự phân vân về trường hợp ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, phải chăng khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng thì thiên nhãn cũng được tạo ra?”
“Tâu đại vương, không đúng.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây điều gì là lý do mà với lý do ấy thiên nhãn lại được tạo ra khi nhân đã bị lấy đi, khi không có nhân, khi không có nền tảng? Vậy ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”
3. “Tâu đại vương, có chăng ở thế gian cái gọi là sự chân thật mà những người có lời nói chân thật về điều ấy tạo ra sự phát nguyện chân thật?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có cái gọi là sự chân thật ở thế gian. Thưa ngài Nāgasena, những người nói lời chân thật với sự chân thật tạo ra sự phát nguyện chân thật khiến cho trời đổ mưa, khiến cho lửa bị dập tắt,[7] làm tiêu tan chất độc, và còn tạo ra việc có thể làm các loại khác nữa.”
“Tâu đại vương, như thế thì nó liên quan, nó phù hợp với việc các thiên nhãn đã được tạo ra cho đức vua Sivi là nhờ vào năng lực của sự chân thật. Tâu đại vương, nhờ vào năng lực của sự chân thật mà thiên nhãn đã được tạo ra khi không có nền tảng. Ở đây, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn. Tâu đại vương, giống như những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho cơn mưa lớn hãy đổ xuống,’ cùng với việc đã cầu khấn lời chân thật của những người ấy, cơn mưa lớn đổ xuống. Tâu đại vương, phải chăng có nhân của cơn mưa đã hội tụ lại ở khoảng không mà với nhân ấy cơn mưa lớn đổ xuống?”
“Thưa ngài, không đúng. Trong trường hợp ấy, chính sự chân thật là nhân cho việc đổ xuống của cơn mưa lớn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ấy không có nhân bình thường. Trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn.”
4. “Tâu đại vương, hoặc là giống như việc những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho khối lửa lớn đã bộc phát hãy quay trở lại;’ cùng với việc đã cầu khấn lời chân thật của những người ấy, khối lửa lớn đã bộc phát tức thời quay trở lại. Tâu đại vương, phải chăng ở khối lửa lớn đã bộc phát ấy có nhân đã được hội tụ lại, mà do nhân ấy khối lửa lớn đã bộc phát tức thời quay trở lại?”
“Thưa ngài, không đúng. Chính sự chân thật là nền tảng cho việc tức thời quay trở lại của khối lửa lớn đã bốc phát ấy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ấy không có nhân bình thường. Trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn.”
5. “Tâu đại vương, hoặc là giống như việc những vị đạo sĩ nào đó cầu khấn lời chân thật rằng: ‘Xin cho chất độc dữ dội trở thành thuốc chữa bệnh.’ Tâu đại vương, phải chăng ở chất độc dữ dội có nền tảng đã hội tụ lại, mà với nền tảng ấy chất độc dữ dội trở thành thuốc chữa bệnh?”
“Thưa ngài, không đúng. Trong trường hợp ấy, chính sự chân thật là nguyên nhân cho việc tức thời tiêu diệt chất độc dữ dội.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong trường hợp này, chính sự chân thật là nền tảng cho việc tạo ra thiên nhãn, không phải nhân bình thường.”
“Tâu đại vương, không có nền tảng nào khác cho việc thâm nhập bốn Chân Lý Cao Thượng. Bốn Chân Lý Cao Thượng được thâm nhập sau khi đã đặt nền tảng ở sự chân thật. Tâu đại vương, có đức vua Cīna ở khu vực Cīna. Đức vua có ước muốn tiến hành việc cúng tế ở đại dương nên đã thực hiện sự phát nguyện chân thật vào mỗi bốn tháng, rồi cùng với chiếc xe tiến vào trong đại dương một do-tuần. Khối lượng nước vĩ đại đi thụt lùi ở phía trước đầu chiếc xe của đức vua, đến khi đức vua đã vượt qua thì bao trùm lại. Tâu đại vương, phải chăng thế gian có cả chư Thiên và nhân loại, với năng lực của cơ thể bình thường, có thể khiến cho đại dương ấy đi thụt lùi?”
“Thưa ngài, thế gian có cả chư Thiên và nhân loại, với năng lực của cơ thể bình thường, cũng không thể khiến cho nước ở hồ nước vô cùng nhỏ đi thụt lùi, thì làm gì được đối với nước ở đại dương?”
6. “Tâu đại vương, cũng vì lý do này mà năng lực của sự chân thật được biết đến như vầy: ‘Không có nơi nào mà sự chân thật không thể đạt đến.’
Tâu đại vương, đức vua công chính Asoka ở thành phố Pāṭaliputta, được tùy tùng bởi các thị dân, dân chúng, các viên chức, nhân công, binh lính, và các quan đại thần, sau khi nhìn thấy sông Gaṅgā tràn đầy nước mới, ngập bờ, trải rộng có bề dài năm trăm do-tuần, bề ngang một do-tuần, đang trôi chảy, nên đã nói với các quan viên rằng: ‘Này các khanh, có ai có khả năng làm cho sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng không?’ Các quan viên đã nói rằng: ‘Tâu bệ hạ, là việc khó làm.’ Có cô kỹ nữ tên Bindumatī đứng ở ngay tại bờ sông Gaṅgā ấy đã nghe rằng: ‘Nghe nói đức vua đã nói như vầy: - Có thể làm cho sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng không?’ Cô ấy đã nói như vầy: ‘Chính thiếp là người kỹ nữ ở thành phố lớn Pāṭaliputta, có cuộc sống nhờ vào sắc đẹp, là cách sinh nhai tồi tệ nhất. Mong rằng đức vua hãy chứng kiến sự phát nguyện chân thật của thiếp.’ Rồi cô ấy đã thực hiện sự phát nguyện chân thật. Vào giây phút của sự phát nguyện chân thật của cô ấy, con sông Gaṅgā vĩ đại ấy, trong lúc gầm lên tiếng rì rào, đã chảy ngược dòng cho đám đông người chứng kiến. Khi ấy, nghe được tiếng ầm ĩ tạo ra bởi tốc độ của sóng nước bị xoáy tròn, đức vua đã có sự ngạc nhiên được sanh lên do điều kỳ diệu phi thường, nên đã nói với các quan viên rằng: ‘Này các khanh, do người nào mà con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng?’ ‘Tâu đại vương, cô kỹ nữ Bindumatī sau khi nghe lời nói của đại vương đã thực hiện sự phát nguyện chân thật. Do sự phát nguyện chân thật của cô ấy mà con sông Gaṅgā chảy về phía thượng nguồn.’
Khi ấy, có tâm bị chấn động, đức vua đã đích thân đi đến vô cùng vội vã và đã hỏi cô kỹ nữ ấy rằng: ‘Này cô gái, nghe nói do sự phát nguyện chân thật của cô mà con sông Gaṅgā này chảy ngược dòng, có đúng không vậy?’ ‘Tâu bệ hạ, đúng vậy.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Cô có năng lực gì về việc ấy? Ai mà tin lời nói của cô, nếu không bị điên khùng? Do năng lực gì mà cô đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng?’ Cô ấy đã nói rằng: ‘Tâu đại vương, do năng lực của sự chân thật mà thiếp đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Năng lực của sự chân thật gì có ở nơi cô, khi cô là kẻ trộm, hạng người vô lại, không trong sạch, lường gạt, độc ác, bóc lột những kẻ mê muội?’ ‘Tâu đại vương, sự thật thì thiếp là người như thế ấy.
Tâu đại vương, nếu năng lực của sự chân thật có ở nơi thiếp, thì với điều ấy, trong khi mong muốn, thiếp cũng có thể xoay chuyển thế gian có cả chư Thiên.’ Đức vua đã nói rắng: ‘Vậy thì sự phát nguyện chân thật ấy là điều gì?’ ‘Vậy thì xin đại vương hãy lắng nghe thiếp. Tâu đại vương, người nào dầu là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hoặc thương buôn, hay nô lệ, hoặc là bất cứ ai ban cho thiếp của cải, thì thiếp phục vụ những người ấy đều bình đẳng. Là ‘Sát-đế-lỵ’ không có gì đặc biệt. Là ‘nô lệ’ không có gì khinh chê. Thiếp hầu hạ người có của cải, thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu bệ hạ, điều ấy là sự phát nguyện chân thật của thiếp, nhờ nó mà thiếp đã làm cho con sông Gaṅgā vĩ đại này chảy ngược dòng.’
Tâu đại vương, những người đứng vững ở sự chân thật cũng như thế, không có bất cứ ý nghĩa nào mà họ không biết. Tâu đại vương, các con mắt đã được đức vua Sivi bố thí đến kẻ cầu xin, và các thiên nhãn đã được tạo ra lại. Và điều ấy là do sự phát nguyện chân thật. Điều đã được nói ở trong Kinh là: ‘Khi nhục nhãn đã bị hư hoại, khi không có nhân, khi không có nền tảng, thì không có sự tạo ra của thiên nhãn,’ điều ấy được nói liên quan đến con mắt có vật liệu là sự tu tập. Tâu đại vương, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ, sự bắt bẻ đã khéo được giải thích, các học thuyết khác đã khéo được nghiền nát. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.

1. Khi Đức Phật nhắc lại các câu chuyện của quá khứ thì có lợi lạc gì cho người nghe trong hiện tại? - TT Pháp Đăng
 2: Câu nói “ sống thật với chính mình” có liên hệ gì với pháp chân thật trong Phật Pháp chăng? - TT Pháp Tân
 3: Phải chăng những năng lực màu nhiệm chỉ phát khởi trong trường hợp “ bất chợt”? - TTTuệ Quyền
4. Nói về 5 định luật tự nhiên (niyama) tức là chung tu, thời tiết, nghiệp, tâm và pháp thì chân thật ngôn được tính vào điều nào? - TT Tuệ Siêu
 5: Phải chăng khi trong việc tụng kinh với câu “ do lời chân thật này xin cát tường phát sanh” cần sự thấu hiểu và đức tin mạnh mẻ? - TT Tuệ Siêu



No comments:

Post a Comment