Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
CÂU HỎI VỀ SỰ BIẾN MẤT CỦA PHẬT PHÁP
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Và thêm nữa, vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, được hỏi bởi du sĩ ngoại đạo Subhadda, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’ Đây là lời nói không thiếu sót, đây là lời nói đầy đủ, đây là lời nói không thay đổi. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán’ là sai trái. Nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị rối rắm còn hơn bụi rậm, mạnh mẽ hơn người lực sĩ, bị thắt lại còn hơn nút thắt, nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy phô bày sự triển khai về năng lực trí tuệ của ngài như là con kình ngư di chuyển ở giữa biển khơi.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Và vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, có lời đã được nói cho du sĩ ngoại đạo Subhadda rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’ Tâu đại vương, hơn nữa lời nói ấy của đức Thế Tôn là có ý nghĩa khác nhau và có văn tự khác nhau. Điều này là giới hạn của Giáo Pháp, điều kia là sự làm sáng tỏ về việc thực hành. Cả hai điều ấy là cách biệt xa vời với nhau. Tâu đại vương, giống như bầu không gian là cách biệt xa vời với trái đất, địa ngục là cách biệt xa vời với cõi trời, thiện là cách biệt xa vời với bất thiện, lạc là cách biệt xa vời với khổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế cả hai điều ấy là cách biệt xa vời với nhau. Tâu đại vương, tuy nhiên chớ làm cho câu hỏi của đại vương là vô bổ. Tôi sẽ so sánh và giảng giải cho đại vương về phần cốt yếu. Điều mà đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm,’ trong khi làm sáng tỏ sự hoại diệt ấy Ngài đã xác định phần còn lại rằng: ‘Này Ānanda, Chánh Pháp có thể tồn tại một ngàn năm nếu các tỳ khưu ni không xuất gia. Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’ Tâu đại vương, đức Thế Tôn trong khi nói như vậy phải chăng Ngài nói về sự biến mất của Chánh Pháp hay là Ngài bác bỏ về sự lãnh hội?”
“Thưa ngài, không phải vậy.”
“Tâu đại vương, trong khi công bố về việc bị tiêu hoại, trong khi làm sáng tỏ, Ngài đã xác định phần còn lại. Tâu đại vương, giống như người bị phá sản, sau khi nắm chắc phần còn lại, có thể làm sáng tỏ đối với dân chúng rằng: ‘Phần hàng hóa của tôi bị mất mát là chừng này, đây là phần còn lại.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn, trong khi làm sáng tỏ việc bị tiêu hoại, đã thuyết giảng cho chư Thiên và nhân loại rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.’
Tâu đại vương, tuy nhiên điều đã được nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Này Ānanda, giờ đây Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm;’ điều ấy là giới hạn của Giáo Pháp. Còn điều mà vào thời điểm viên tịch Niết Bàn, trong lúc công bố cho các vị Sa-môn, Ngài đã nói cho du sĩ ngoại đạo Subhadda rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán;’ điều ấy là sự làm sáng tỏ về việc thực hành. Hơn nữa, đại vương đã khiến cho sự giới hạn và sự làm sáng tỏ trở thành có chung điều cốt yếu. Nếu đại vương có sự mong muốn, tôi sẽ thuyết giảng. Xin đại vương hãy chăm chú lắng nghe, hãy chú ý với tâm không bị xao lãng. Tâu đại vương, ở đây có hồ nước tràn đầy nước mới, trong khi sẽ tràn bờ thì đã được giới hạn lại, đã được làm con đê bao quanh, khi nước ở chính cái hồ ấy chưa bị tháo cạn, có đám mây lớn ở phía trên tuần tự đổ mưa liên tục. Tâu đại vương, phải chăng nước ở hồ nước ấy có thể đi đến sự cạn kiệt, đi đến sự tháo cạn?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
“Thưa ngài, vì sự liên tục của cơn mưa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cái hồ nước Chánh Pháp cao quý trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, được tràn đầy nước mới không ô nhiễm là tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành, là vượt lên trên, vượt qua khỏi cảnh giới tột cùng của hiện hữu, và tồn tại. Nếu những người con trai của đức Phật trong Giáo Pháp này có thể liên lục, có thể đổ xuống tuần tự cơn mưa từ đám mây tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành, như thế hồ nước Chánh Pháp cao quý trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán. Liên quan đến ý nghĩa này là điều đã được đức Thế Tôn nói đến rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’
3. Tâu đại vương, hơn nữa ở đây trong khi đống lửa lớn đang rực cháy, người ta tuần tự đem lại các thứ cỏ, củi, phân bò khô. Tâu đại vương, phải chăng khối lửa ấy có thể nguội tắt?”
“Thưa ngài, không đúng. Khối lửa ấy có thể rực cháy hơn nữa, có thể tỏa sáng còn nhiều hơn nữa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng rực cháy, tỏa sáng ở mười ngàn thế giới với tánh hạnh, giới đức, phận sự, và sự thực hành.
Tâu đại vương, nếu những người con trai của đức Phật được hội đủ năm chi phần của sự nỗ lực, thường xuyên không bị xao lãng, có thể nỗ lực còn hơn thế nữa, có thể học tập với lòng ước muốn đã được sanh khởi về Tam Học, có thể làm đầy đủ một cách trọn vẹn về sự thực hành và sự kiêng cữ về giới, như thế Giáo Pháp cao quý này của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài còn hơn thế nữa, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán. Liên quan đến ý nghĩa này là điều đã được đức Thế Tôn nói đến rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán.’
4. Tâu đại vương, hơn nữa ở đây họ có thể đánh bóng tuần tự tấm gương trơn láng, bằng phẳng, khéo được đánh bóng, có ánh sáng, hoàn toàn trong sáng, bằng bột phấn đỏ trơn và mịn. Tâu đại vương, phải chăng vết bẩn, bùn, bụi bặm có thể hiện lên ở tấm gương ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Ngược lại, nó còn trở nên trong sáng hơn nữa.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng, tự nhiên vốn không có vết nhơ, đã xa lìa hẳn vết nhơ và bụi bặm phiền não. Nếu những người con trai của đức Phật có thể nhẫn nại thực hành Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng với tánh hạnh, giới đức, phận sự, sự thực hành, sự giảm thiểu, và hạnh từ khước, như thế Giáo Pháp cao quý này của đấng Chiến Thắng có thể tồn tại thời gian lâu dài, và thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán;’ điều đã được đức Thế Tôn nói rằng: ‘Này Subhadda, nếu các tỳ khưu này sống chân chánh, thế gian sẽ không thiếu vắng các vị A-la-hán’ là có liên quan đến ý nghĩa này. Tâu đại vương, Giáo Pháp của bậc Đạo Sư có căn bản là sự thực hành, có cốt lõi là sự thực hành, còn tồn tại khi nào sự thực hành chưa bị biến mất.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều ngài nói là: ‘Sự biến mất của Chánh Pháp,’ sự biến mất của Chánh Pháp ấy là gì?”
“Tâu đại vương, đây là ba sự biến mất của Giáo Pháp. Ba điều gì? Sự biến mất của việc chứng đắc, sự biến mất của việc thực hành, sự biến mất của tướng mạo. Tâu đại vương, khi việc chứng đắc bị biến mất, thì ngay cả đối với những người thực hành tốt đẹp cũng không có sự lãnh hội Giáo Pháp. Khi việc thực hành bị biến mất, thì điều học và sự quy định bị biến mất, chỉ còn tướng mạo tồn tại. Khi tướng mạo bị biến mất, thì có sự đứt đoạn của truyền thống. Tâu đại vương, đây là ba sự biến mất của Giáo Pháp.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi thâm sâu đã khéo được giảng giải, đã được làm rõ, nút thắt đã được mở ra, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị hư hoại, đã bị đổ vỡ, đã được làm cho không còn hào quang, ngài đã tiến đến vị thế cao quý nhất trong số các vị có đồ chúng.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1:Tại sao sự biến mất của Phật Pháp gắn liền với sự mai một trong hiểu biết Tam tạng kinh điển? - TT Tuệ Quyền
2: Đức Phật đã dạy rằng sự hình thành đoàn thể nữ tu sĩ trong Phật Pháp sẽ khiến thọ mạng của giáo pháp chỉ còn phân nữa là 500 năm. Tại sao sự hình thành giáo đoàn tỳ kheo ni lại có hệ quả như vậy? và có số 500 năm có đúng như vậy chăng? - TT Pháp Đăng
3 TT Giác Đẳng giảng thêm về tại sao sự hình thành giáo đoàn tỳ kheo ni lại có hệ quả như vậy? và có số 500 năm có đúng như vậy chăng?
4: Dựa trên lý giải của kinh điển thì chúng ta có tin rằng hôm nay vẫn còn có các vị A La Hán? - ĐĐ Pháp Tín
4. Có nên có những tiên tri về thời gian tồn tại của giáo pháp? (chỉ làm cho người Phật tử phó mặc không phấn đấu) - TT Pháp Tân
No comments:
Post a Comment