Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
PHẬT TRÍ VÀ CHUYỆN ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA
[Sáu vương tử xuất gia]
1. “Thưa ngài Nāgasena, do vị nào mà Devadatta đã được xuất gia?”
“Tâu đại vương, sáu vương tử dòng Sát-đế-lỵ này là Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila, Devadatta, và người thợ cạo Upāli là thứ bảy. Khi bậc Đạo Sư đã đắc thành Chánh Đẳng Giác, trong việc đem lại nỗi vui mừng cho dòng họ Sakya những vị ấy đã ra đi xuất gia theo đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã cho những vị ấy xuất gia.”
[Ác nghiệp của Đề Bà Đạt Đa]
“Thưa ngài, không phải Devadatta sau khi xuất gia đã chia rẽ hội chúng?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Devadatta sau khi xuất gia đã chia rẽ hội chúng. Không phải người tại gia chia rẽ hội chúng, không phải tỳ khưu ni, không phải vị ni tu tập sự, không phải vị sa di, không phải vị sa di ni chia rẽ hội chúng. Vị tỳ khưu bình thường, cùng chung sự đồng cộng trú, đứng cùng chung ranh giới, chia rẽ hội chúng.”
2. “Thưa ngài, người là kẻ chia rẽ hội chúng phạm vào nghiệp gì?”
“Tâu đại vương, phạm vào nghiệp liên quan đến việc chịu đựng một kiếp.”
[Nếu Đức Phật biết trước thì tại sao cho Đề Bà Xuất Gia?]
“Thưa ngài Nāgasena, vậy có phải đức Phật biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp’?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Như Lai biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp.’”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Phật biết rằng: ‘Devadatta sau khi xuất gia sẽ chia rẽ hội chúng, sau khi chia rẽ hội chúng thì sẽ bị nung nấu ở địa ngục một kiếp,’ thưa ngài Nāgasena, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Phật, đấng Bi Mẫn, bậc Thương Xót, vị tầm cầu lợi ích, sau khi xua đi điều bất lợi thì đem đến điều lợi ích cho tất cả chúng sanh’ là sai trái. Nếu Ngài không biết điều ấy rồi đã cho xuất gia, như thế thì đức Phật là không Toàn Tri. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài, xin ngài hãy tháo gỡ múi rối to lớn này, hãy đánh đổ học thuyết của những kẻ khác. Trong ngày vị lai xa xăm những vị tỳ khưu có sự giác ngộ tương đương ngài sẽ khó đạt được. Trong trường hợp này, xin ngài hãy bày tỏ năng lực của ngài.”
[Nhờ xuất gia mà sự việc có khác biệt]
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn là bậc Đại Bi và là đấng Toàn Tri. Tâu đại vương, đức Thế Tôn, trong lúc xem xét cảnh giới tái sanh của Devadatta với lòng bi mẫn và trí Toàn Tri, đã nhìn thấy Devadatta sau khi tích lũy nghiệp đưa đến trôi nổi luân hồi từ địa ngục đến địa ngục, từ đọa xứ đến đọa xứ trong nhiều trăm ngàn koṭi kiếp. Đức Thế Tôn, sau khi biết được điều ấy bằng trí Toàn Tri rằng: ‘Nghiệp đã được làm không có giới hạn của người này, nếu được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta, sẽ trở thành có giới hạn. Khổ liên quan đến việc trước sẽ trở thành có giới hạn. Còn không được xuất gia thì kẻ rồ dại này sẽ tích lũy nghiệp kéo dài trọn kiếp,’ vì lòng bi mẫn Ngài đã cho Devadatta xuất gia.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì đức Phật gây tổn thương rồi thoa dầu, làm rơi xuống vực thẳm rồi đưa tay (kéo lên), làm cho chết rồi tìm kiếm mạng sống, là việc Ngài ban cho sự khổ đau trước rồi đem lại sự an lạc sau.”
“Tâu đại vương, đức Như Lai dẫu có gây tổn thương cũng vì lợi ích cho chúng sanh, dẫu có làm rơi xuống cũng vì lợi ích cho chúng sanh, dẫu có làm cho chết cũng vì lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, đức Như Lai gây tổn thương rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, giống như mẹ cha gây tổn thương, làm rơi xuống, rồi đem lại lợi ích cho những người con, tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai gây tổn thương cũng vì lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống cũng vì lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết cũng vì lợi ích cho chúng sanh. Tâu đại vương, đức Như Lai gây tổn thương rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm rơi xuống rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh, làm cho chết rồi đem lại lợi ích cho chúng sanh. Với bất cứ cách thức nào có sự tăng trưởng các đức hạnh cho chúng sanh thì Ngài đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng cách thức ấy. Tâu đại vương, nếu đức Như Lai không cho Devadatta xuất gia thì Devadatta trong khi là người tại gia sẽ làm nhiều nghiệp ác dẫn đến địa ngục, trong khi trôi nổi từ địa ngục đến địa ngục, từ đọa xứ đến đọa xứ trong nhiều trăm ngàn koṭi kiếp sẽ cảm thọ nhiều khổ đau. Đức Thế Tôn, trong khi biết được điều ấy, vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia (nghĩ rằng): ‘Đối với người đã được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta thì khổ đau sẽ trở thành có giới hạn.’ Vì lòng bi mẫn mà Ngài đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng.
Tâu đại vương, hơn nữa giống như người đàn ông có năng lực, nhờ vào năng lực về tài sản, tiếng tăm, danh vọng, và sự thân thiết, sau khi nhìn thấy bà con hoặc bạn bè của mình đang chịu hình phạt nặng nề của đức vua, liền làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng của người ấy nhờ vào điều kiện có nhiều sự thân thiết và khả năng của bản thân, tâu đại vương tương tợ y như thế ấy đức Thế Tôn sau khi cho Devadatta—là người sẽ bị cảm thọ khổ đau nhiều trăm ngàn koṭi kiếp—xuất gia đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng nhờ vào điều kiện về năng lực và khả năng của giới định tuệ và giải thoát.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc phẫu thuật thiện xảo nhờ vào năng lực của phương thuốc mạnh làm vơi nhẹ căn bệnh trầm trọng, tâu đại vương tương tợ y như thế ấy đức Thế Tôn, là vị có năng lực về lòng bi mẫn, với sự hiểu biết về tu tập, sau khi cho Devadatta—là người sẽ bị cảm thọ khổ đau nhiều trăm ngàn koṭi kiếp—xuất gia đã làm vơi nhẹ nỗi khổ đau trầm trọng nhờ vào năng lực của phương thuốc cứng rắn của Giáo Pháp. Tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn ấy, trong khi làm cho Devadatta đáng lẽ bị nhiều cảm thọ (khổ) chỉ còn ít cảm thọ (khổ), lại tạo ra điều vô phước nào đó?”
“Thưa ngài, không tạo ra điều vô phước nào, dầu chỉ là một lượng thời gian ngắn ngủi như việc vắt sữa ở vú bò.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy chấp nhận lý do này theo ý nghĩa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia.
[Sự thể hiện lòng bi mẫn không đơn giản]
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, giống như những người bắt được kẻ trộm phạm tội thì trình lên đức vua rằng: ‘Tâu bệ hạ, kẻ trộm phạm tội này là thuộc về bệ hạ. Đối với kẻ này, xin bệ hạ hãy ra lệnh hành phạt mà bệ hạ muốn. Đứa vua có thể nói về kẻ ấy như vầy: ‘Này các khanh, như thế thì hãy đưa kẻ trộm này ra ngoại thành rồi chém đầu ở bãi hành quyết.’
‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Vâng lệnh đức vua, những người ấy đã đưa kẻ ấy ra ngoại thành rồi dẫn đến bãi hành quyết. Một người đàn ông nào đó, là người đã đạt được ân huệ từ đức vua, đã đạt được danh tiếng, tài sản, của cải, có lời nói được chấp nhận, có năng lực, có hành động theo ý thích, nhìn thấy kẻ ấy. Người ấy, khởi tâm bi mẫn đến kẻ trộm ấy, nên đã nói với những người ấy như vầy: ‘Này các ông, thôi đi. Các ông được gì với việc chặt đầu của người này? Này các ông, chính vì điều ấy các ông hãy chặt tay hoặc bàn chân của người này và hãy duy trì mạng sống cho gã. Ta sẽ trình tấu đến đức vua lý do của việc này.’ Những người ấy, do lời nói của người có năng lực ấy, có thể chặt tay hoặc bàn chân của kẻ trộm ấy và duy trì mạng sống cho gã. Tâu đại vương, phải chăng người đàn ông ấy, với hành động như vậy, là có thể hiện trách nhiệm đối với kẻ trộm ấy?”
“Thưa ngài, người đàn ông ấy là người ban cho mạng sống đến kẻ trộm. Khi mạng sống đã được ban đến gã, thì có điều gì gọi là đã không được làm cho kẻ ấy?”
“Tuy nhiên, về cảm thọ trong việc chặt tay chân của kẻ ấy, không lẽ người ấy không tạo ra điều vô phước nào trong cái cảm thọ ấy?”
“Thưa ngài, kẻ trộm ấy cảm nhận cảm thọ khổ đau do việc đã làm của mình. Còn người đàn ông, là người ban cho mạng sống, không tạo ra điều vô phước nào cả.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia (nghĩ rằng): ‘Đối với người đã được xuất gia trong Giáo Pháp của Ta thì khổ đau sẽ trở thành có giới hạn.’ Tâu đại vương, và khổ đau của Devadatta trở thành có giới hạn. Tâu đại vương, Devadatta vào thời điểm chết, đã đi đến việc nương nhờ khi còn sống (nói rằng):
‘Với những khúc xương này, với các sanh mạng, tôi đi đến nương nhờ đức Phật, nhân vật cao cả ấy, vị Trời vượt trội các vị Trời, đấng Điều Ngự Trượng Phu, bậc nhìn thấy toàn diện, có đặc điểm của trăm phước báu.’
Tâu đại vương, trong kiếp (trái đất) gồm sáu giai đoạn, thì Devadatta đã chia rẽ hội chúng khi giai đoạn thứ nhất đã trôi qua, sau khi bị nung nấu trong năm giai đoạn còn lại rồi từ đó sẽ được giải thoát, và sẽ trở thành vị Độc Giác Phật tên Aṭṭhissara. Tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn, với hành động như vậy, là có thể hiện trách nhiệm đối với Devadatta?”
“Thưa ngài Nāgasena, đối với Devadatta đức Như Lai là vị ban bố tất cả, là việc đức Như Lai sẽ khiến cho Devadatta đạt được quả vị Độc Giác Phật. Còn có điều gì đã không được làm bởi đức Như Lai đến Devadatta?”
“Tâu đại vương, vả lại việc Devadatta sau khi chia rẽ hội chúng rồi cảm thọ khổ đau ở địa ngục, tâu đại vương, phải chăng đức Thế Tôn do nhân ấy có thể tạo ra điều vô phước nào đó?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, Devadatta bị nung nấu ở địa ngục một kiếp do việc đã làm bởi bản thân. Bậc Đạo Sư, là người đã làm cho khổ đau trở thành có giới hạn, không tạo ra điều vô phước nào.”
“Tâu đại vương, đại vương hãy chấp nhận lý do này theo ý nghĩa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia.
[Thuốc đắng đả tật]
Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc phẫu thuật thiện xảo, trong khi làm êm dịu vết thương bị tác động dữ dội bởi gió, mật, đàm đã tụ hội lại, bởi sự thay đổi của thời tiết, bởi sự chăm nom không đều đặn, bị xông lên mùi hôi thối của tử thi ô uế, có mũi nhọn bên trong tạo thành lỗ hổng, bị ngập đầy máu ứ, đành phải bôi miệng của vết thương bằng loại thuốc sần sùi, xót xa, nhức nhối, đau đớn. Sau khi làm chín muồi (vết thương) bằng cách thức làm cho chín muồi, rồi mổ vết thương đã được đạt đến trạng thái mềm mỏng bằng dao, sau đó đốt nóng bằng cái thanh dẹp, rồi cho chất kiềm và muối vào vết thương ở chỗ đã được đốt nóng, sau đó bôi thuốc để làm lành vết thương nhằm đạt đến trạng thái tốt lành cho người bị bệnh. Tâu đại vương, phải chăng người thầy thuốc phẫu thuật ấy có tâm không tốt nên mới bôi thuốc, mổ ra bằng dao, đốt nóng với cái thanh dẹp, rồi cho chất sát trùng vào vết thương?”
“Thưa ngài, không đúng. Người thầy thuốc có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới làm những hành động ấy.”
“Vậy thì các cảm thọ khổ đau nào đã sanh lên do hành động việc làm và thuốc men đối với người ấy, do nhân ấy người thầy thuốc phẫu thuật ấy có tạo ra điều vô phước nào không?”
“Thưa ngài, người thầy thuốc phẫu thuật có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới làm những hành động ấy. Làm sao người ấy, do nhân ấy, lại có thể tạo ra điều vô phước? Thưa ngài, người thầy thuốc phẫu thuật ấy là người sanh về cõi trời.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia nhằm thoát khỏi khổ đau. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã cho Devadatta xuất gia. Tâu đại vương, giống như một người nam bị đâm bởi cây gai, rồi một người nam khác có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, mới cắt xung quanh (vết thương) bằng cây gai nhọn hoặc bằng mũi dao, rồi lấy cây gai ấy ra nhờ vào lượng máu đang bị phun ra, tâu đại vương, phải chăng người nam ấy có tâm không tốt nên mới lấy cây gai ấy ra?”
“Thưa ngài, không đúng. Người nam ấy có tâm tốt, có lòng mong mỏi điều tốt lành, nên mới lấy cây gai ấy ra. Thưa ngài, nếu người nam ấy không lấy cây gai ấy ra, do điều ấy người kia có thể gánh chịu sự chết hoặc khổ đau gần như chết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai vì lòng bi mẫn đã cho Devadatta xuất gia nhằm thoát khỏi sự khổ đau. Tâu đại vương, nếu đức Thế Tôn không cho Devadatta xuất gia, thì Devadatta có thể bị nung nấu ở địa ngục liên tiếp nhiều đời sống thậm chí trong trăm ngàn koṭi kiếp.”
“Thưa ngài Nāgasena, đức Như Lai đã đưa Devadatta, kẻ có sự bị cuốn trôi theo dòng nước, vào Đạo Lộ; đã ban cho Devadatta, kẻ đã bị rơi vào vực thẳm, chỗ đứng; đã đưa Devadatta, kẻ bước đi ở chỗ gập ghềnh, đến nơi bằng phẳng. Thưa ngài Nāgasena, không thể nhìn nhận những nhân tố này và những lý do này bởi người nào khác ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1: Con người thường có tốt có xấu. Trong luật nhân quả có việc "bù qua sớt lại" chăng? - ĐĐ Pháp Tín
2. Tam tạng Pali có nói vì gì về quan niệm bồ tát thị hiện nghịch hành chăng? - TT Tuệ Siêu
3:Có lập luận rằng Devadatta do có tâm ganh tị cạnh tranh với đức bồ tát nên cũng đã có nhiều sự thành tựu trên đường tu tập. Lý luận đó có xác đáng chăng? - TT Tuệ Siêu
4. Nhiều người cho rằng định mệnh vốn chi phối tất cả do vậy chúng ta nên "xuôi theo tự nhiên". Cái nhìn đó có thuận hợp với Phật pháp chăng? - TT Pháp Đăng
5. Có người ganh tỵ với đức tốt của người khác phải chính người đó cũng nhân ra được giá trị của những đức độ ấy? - TT Tuệ Quyền
No comments:
Post a Comment